ASEAN và Đông Á
(Cadn.com.vn) - Mối quan hệ ASEAN và Đông Á có ảnh hưởng quan trọng và chủ đạo đến sự phát triển của toàn khu vực Châu Á cũng như cả thế giới.
Cả thế giới vẫn hướng về thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, nơi diễn ra các Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng của ASEAN trong ngày họp thứ hai: ASEAN+3 và Đông Á (EAS).
Tại phiên họp ASEAN+3, các nhà lãnh đạo ASEAN với các đối tác Trung, Nhật, Hàn củng cố những tiến triển đạt được trong hợp tác kinh tế và tiến đến một cộng đồng Đông Á. Theo thống kê, kim ngạch thương mại giữa ASEAN và các nước+3 năm 2012 tăng 5%, đạt 712 tỷ USD bất chấp kinh tế toàn cầu bất ổn.
Các nhà lãnh đạo ASEAN+3 hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả hợp tác thời gian qua; nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên thực hiện các chương trình hợp tác thỏa thuận, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư và tài chính. ASEAN+3 cũng nhấn mạnh về việc triển khai lộ trình mới về Sáng kiến Thị trường trái phiếu Châu Á và Sáng kiến Phát triển trái phiếu tài chính hạ tầng; đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bàn tròn Hội nghị ASEAN+3. Ảnh: THX |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hợp tác ASEAN+3 là một trong những cơ chế khu vực năng động và hiệu quả nhất, tạo động lực thúc đẩy và liên kết Đông Á, góp phần xử lý hiệu quả nhiều thách thức vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề nghị các nhà lãnh đạo Trung, Hàn và ASEAN nới lỏng hoặc dỡ bỏ những hạn chế nhập khẩu đối với sản phẩm của Nhật Bản, đồng thời khẳng định các sản phẩm lưu thông trên thị trường đều an toàn sau hơn 2 năm xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima.
Với tư cách là nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Châu Á, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đánh giá cao sự hợp tác ASEAN+3 khi đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế khu vực và có những đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của Đông Á và thế giới. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cam kết, Hàn Quốc sẽ tham gia tích cực trong quá trình xây dựng một Cộng đồng Đông Á hòa bình và thịnh vượng.
Hội nghị EAS lần thứ 8 diễn ra sau đó đánh dấu sự “trở lại” của 8 đối tác đối thoại của ASEAN gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Trong bài phát biểu khai mạc, Quốc vương nước chủ nhà, Hassanal Bolkiah nhấn mạnh, trọng tâm của hội nghị là lương thực, an ninh năng lượng và hợp tác trong việc duy trì hòa bình toàn cầu. Ông cũng “khuyến khích” lập trường ôn hòa của Iran về chương trình vũ khí hạt nhân và lưu ý, ASEAN mong muốn tham gia tích cực hơn. Quốc vương cũng nói rằng, các cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục trong năm tới để phát triển Bộ quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC) đồng thời cảm ơn các nhà lãnh đạo của Singapore và Thái Lan hỗ trợ ASEAN thực hiện tiến bộ về vấn đề này.
Một ngày sau khi Trung Quốc bày tỏ cam kết về COC, Mỹ và các nước đồng minh cũng thúc đẩy các nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên biển Đông, kêu gọi xúc tiến giải pháp ngoại giao. Trả lời báo giới bên lề Hội nghị EAS, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, COC cần thiết về lâu dài, song các nước cũng có thể giảm bớt nguy cơ truyền thông sai lệch và tính toán sai lầm với việc thực hiện các biện pháp của ngày hôm nay. Ông Kerry không đề cập cụ thể bất kỳ nước nào, song Trung Quốc đang đối mặt với sức ép ngày một gia tăng xung quanh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông và những hành động mà một số quốc gia láng giềng đánh giá là hung hăng.
Trong Tuyên bố Chủ tịch, các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại rằng, các nước ASEAN mong muốn tăng cường tham vấn chính thức với Trung Quốc về việc phát triển COC vì tin rằng, COC sẽ thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Hội nghị ASEAN đánh dấu kết thúc phiên họp 2 ngày với việc trao chiếc ghế Chủ tịch ASEAN năm 2014 cho Myanmar.
Khả Anh