Âu bão, âu... lo
(Cadn.com.vn) - Được đầu tư với nguồn vốn 96 tỷ đồng Dự án Âu tránh trú bão Cửa khẩu Kỳ Hà - Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hứa hẹn sẽ là điểm đến an toàn cho 200 tàu thuyền trong mùa mưa bão. Song sau hơn 2 năm thi công, dự án này đang mịt mù ở phía trước ...
Âu lo nơi âu tránh trú bão
Dự án trên gồm các hạng mục: Luồng tàu khu neo đậu, đê chắn sóng, đê chắn cát, cột báo hiệu đầu đê. Dự án do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Sau hơn 2 năm thi công, viễn cảnh của cái gọi là "mục tiêu an toàn cho tàu thuyền tránh trú bão" khu Cửa khẩu này ở đâu thì chưa nhìn thấy nhưng ngày nào người dân cũng phải đối mặt với những trận "bão cát" từ bãi chứa cát của dự án này bốc lên khiến cuộc sống của người dân ở đây bị khuynh đảo. Cát được những vòi bạch tuộc cắm chi chít xuống luồng lạch hút lên rồi trút vào đồng tôm bị bỏ hoang có diện tích 9 ha (bãi số 1), biến khu vực này thành một "bình địa trắng".
Điều trớ trêu ở bãi số 1 này, phía ngoài được bao phủ bởi con đê, nhưng phía trong chỉ cách khu dân cư khoảng 20m lại không hề được che phủ, trong khi lượng cát được lấp đầy và cao khoảng 3m. Mỗi làn gió lớn hoặc cá biệt là lốc xoáy thì toàn bộ xóm Bắc Hà bị bao phủ mù mịt bởi cát bụi. Toàn bộ khu vực xóm Bắc Hà có khoảng 700 hộ dân trong đó có 200 hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn cát bay. Nắng, cát bụi mù mịt. Nhưng nỗi khổ lại không chỉ dừng lại ở đó. Mưa, hàng trăm hộ dân bị ngập chìm trong biển nước vì 2 cống thoát nước số 5,6 của 3 xóm Bắc Hà, Hải Hà, Đông Hà bị cát lấp đầy không thoát ra biển được.
Nơi đây gây những trận "bão cát" từ ngoài bờ biển đổ vào nhà dân. |
Vẫn chưa hết khổ. Nếu thi công theo thiết kế 4m hàng trăm ngôi nhà sống cạnh kề sẽ nằm lọt thỏm xuống 2,5m dưới bãi cát khổng lồ này. Mỗi lần đơn vị thi công hút cát vào bãi số 1 là hàng trăm người dân xông ra ngăn cản. Anh Hồ Hàng Hải- phụ trách thi công công trình không thể biết bao lần người dân ngăn chặn chỉ nhớ là có mặt 4 tháng ở đây không dưới 4 lần phải chạy "bán sống bán chết" vì người dân vác dao rượt đuổi. Ở thời điểm hiện tại, đơn vị thi công chỉ có thể nạo vét phía ngoài đê (bãi số 2), không dám bén mảng hút cát vào bãi số 1 cho dù lượng cát phải đổ thêm 1m nữa mới phù hợp với thiết kế.
Và không chỉ nỗi tận khổ người dân phải hứng chịu mà đơn vị thi công là Cty CP XD& TM Quê Hương, chi nhánh tại Hà Nội cũng lâm vào thế "đi dở ở chẳng xong". Ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc công ty này cho biết: " Mặc dù chuyên ngành nạo vét luồng lạch nhưng chúng tôi chưa hề gặp phải dự án nào như thế này. Ngừng lại có nghĩa là mỗi ngày tiêu tốn chi phí của chúng tôi lên đến 100 triệu đồng. Nhưng nếu hút cát vào thì ống nhựa sẽ bị chặt phá hết".
"Dã tràng xe cát"?
Việc điều hành và giám sát dự án được giao cho BQL các dự án XDCB (thuộc Sở NN & PTNT) nhưng đến nay phương án tháo gỡ các vướng mắc cho nhà thầu cũng như đời sống người dân đến nay đang đi vào ngõ cụt. Mùa mưa bão đến gần, các tàu thuyền đánh cá muốn vào tránh bão cũng gặp khó khăn và đời sống người dân lại càng đảo lộn do ảnh hưởng từ dự án này. Theo ông Lê Minh Cầm, Phó Ban QL các DAXDCB thì tiến độ dự án chậm có nhiều lý do, trong đó có việc người dân đập phá đê bao chắn cát nhưng quan trọng nhất vẫn là thiếu vốn nên một số hạng mục bị buộc phải cắt giảm.
Nhiều người dân xã Kỳ Hà (Kỳ Anh) phản đối việc xây dựng âu thuyền tránh bão. |
Mùa mưa bão đang cận kề không chỉ nỗi lo khắc khoải của người dân về khả năng ngập úng ở bãi số 1, mà nhà thầu cũng lâm vào tình trạng "ngồi trên đống lửa". Bởi cát được nạo vét ở bãi số 2 lên chưa kịp che chắn cũng sẽ bị mưa lũ cuốn trôi theo kiểu "dã tràng xe cát". Trong khi đó, chủ đầu tư lại chưa tìm ra một giải pháp nào hữu hiệu ngoài việc "ngả theo" ý kiến của người dân là hạ bớt lượng cát ở bãi số 1 xuống chỉ còn 3 m thay vì 4 m như đã được phê duyệt thiết kế. "Mới đây chúng tôi đã gửi công văn đến các đơn vị và ngành liên quan về việc thống nhất ý kiến nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Thiếu vốn, lại không được người dân ủng hộ nên ý tưởng của chúng tôi là sẽ hạ thấp cao trình"- ông Cầm cho biết thêm. Hạ thấp cao trình cũng có nghĩa là thay đổi lại thiết kế, điều chỉnh lại nguồn vốn và... trình các cấp các ngành thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét và phê duyệt. Hành trình này xem ra còn khó hơn... "lên trời".
Văn Tuân