Báo Công An Đà Nẵng

Australia lo ngại chủ nghĩa khủng bố cánh hữu

Thứ hai, 13/04/2020 19:00

Dù may mắn chưa xảy ra các cuộc tấn công khủng bố cánh hữu trong thời gian gần đây, nhưng một loạt các vụ bắt giữ, sự xuất hiện của một số nhóm tân phát xít, và những gì trải qua ở các quốc gia khác đều cho thấy mối đe dọa này cần được xem xét nghiêm túc hơn ở Australia. Luật sở hữu súng nghiêm ngặt của Australia, nền văn hóa chính trị tương đối ôn hòa và tính chuyên nghiệp của các cơ quan tình báo và chống khủng bố không đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy.

Thủ phạm của vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố Christchurch, New Zealand được cho là một đối tượng khủng bố cực hữu. Ảnh: THX

Các mối đe dọa

Viết trên tờ Saturday Paper, Drew Rooke nêu lên một trường hợp đáng lo ngại: Joshua Lucas, một người đàn ông Nowra, 21 tuổi, bị bắt vào giữa tháng 3 về hành vi chuẩn bị hoặc lên kế hoạch cho các hành động khủng bố. Vào tháng 12-2019, Phillip Galea, 35 tuổi ở Melbourne, đã bị kết tội âm mưu sử dụng bom hóa học nhắm vào các cuộc biểu tình của phe cánh tả và các mục tiêu liên quan như Tòa nhà Thương mại Victoria. Những vụ bắt giữ này được đưa ra sau khi ABC News đưa tin vào tháng 4-2019 rằng ít nhất 5 người Australia đã ra nước ngoài để chiến đấu bên cạnh các nhóm siêu quốc gia cực hữu của Nga ở miền đông Ukraine.

Thủ phạm của vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố Christchurch, New Zealand, Brenton Tarrant, cũng là một người Australia. Tarrant đã bị cực đoan hóa tại Australia thông qua các diễn đàn trực tuyến. Vào năm 2017, Tarrant đã bị cực đoan hóa đến mức y đến New Zealand để “luyện tập” tấn công vào người Hồi giáo - có thể là ở Australia. Mãi đến khi Tarrant đến New Zealand, y mới nhận ra rằng những mục tiêu phong phú cũng tồn tại ở New Zealand.

Tình hình ở các quốc gia khác cũng khiến Australia thêm lo lắng. Ở Mỹ, 7 trong số 22 âm mưu khủng bố kể từ năm 2017 được quy trách nhiệm cho các nhóm cực hữu. Vụ sát hại chính trị gia đảng Lao động Jo Cox và vụ tấn công Công viên Finsbury năm 2017, khiến một người đàn ông thiệt mạng, cả hai đều do những kẻ khủng bố cánh hữu thực hiện. Canada cũng trải qua ít nhất một vụ tấn công chết người, khi nghi phạm cực đoan cực hữu, Alexandre Bissonnette, 27 tuổi, đã giết chết 6 người tại Trung tâm văn hóa Hồi giáo Quebec vào năm 2017. Mỹ cũng đã chứng kiến một loạt vụ giết người hàng loạt được thực hiện bởi những kẻ cực đoan cánh hữu. Kể từ sau vụ khủng bố 11-9, số người Mỹ thiệt mạng trong các cuộc tấn công cực hữu nhiều hơn các cuộc tấn công Hồi giáo cực đoan - 107 so với 104.

Rõ ràng là chủ nghĩa khủng bố cánh hữu hiện giờ đã trở thành một hiện tượng xuyên quốc gia. Tarrant được cho là đã tiếp xúc với ít nhất một nhân vật cực hữu ở Áo. Kẻ tấn công thành phố Christchurch này ca ngợi hành động của kẻ giết người hàng loạt người Na Uy Anders Behring Breivik và lấy cảm hứng từ các trí thức Pháp chống nhập cư. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trung tâm tình báo và an ninh chiến lược Châu Âu xác định các mạng lưới tuyển dụng, tài chính và tuyên truyền cực hữu phức tạp trải dài khắp phương Tây. Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Tarrant hoặc những người khác nhận được nguồn tài chính hoặc được đào tạo từ nước ngoài, nhưng rõ ràng điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Phản ứng của Australia

Tất cả những điều này đặt ra câu hỏi là liệu Australia có nghiêm túc xem xét mối đe dọa này hay không. Tổng giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) Mike Burgess, từng cảnh báo, mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu là “thực tế và ngày càng phát triển”.

Tuy nhiên, phản ứng sau đó của các quan chức chính phủ đi ngược với lời cảnh báo này. Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton đã phản ứng với những bình luận của ông Burgess, bằng cách cảnh báo về mối nguy hiểm không kém từ “những kẻ mất trí cánh tả”. Trong một cuộc gọi điện thoại sau đó với một thành viên của cộng đồng, một trong những cố vấn của ông Dutton, đã nêu ví dụ nhóm hoạt động vì khí hậu cũng là một nhóm khủng bố cánh tả có đe dọa không kém.

Một điều đáng lo ngại là Australia tụt hậu so với Canada, Mỹ, Anh trong việc liệt kê các tổ chức cực hữu bạo lực là các nhóm khủng bố. Ông Burgess cảnh báo rằng những kẻ cực đoan cánh hữu đang kiểm tra vũ khí, luyện tập chiến đấu. Tuy nhiên, có một số lý do giải thích tại sao cả ASIO và chính phủ Australia đều coi nhẹ mỗi đe dọa từ khủng bố cánh hữu. Một lý do rõ ràng là, như ông Burgess lập luận, khủng bố Hồi giáo vẫn là một mối đe dọa lớn hơn.

AN BÌNH