Báo Công An Đà Nẵng

Australia tính “đóng cửa biên giới”

Thứ sáu, 20/11/2015 10:14

(Cadn.com.vn) - Các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Paris đang gây chia rẽ các chính trị gia ở Australia. Canberra nên phản ứng thế nào với khủng bố?

Australia phản ứng mạnh mẽ lên án các hành vi khủng bố trên toàn thế giới. Để đối phó với vụ tấn công Paris vừa qua, Andrew Fraser, một nghị sĩ bảo thủ của bang New South Wales, kêu gọi Thủ tướng Malcolm Turnbull đóng cửa biên giới của Australia đối với những người nhập cư từ các nước Trung Đông.

Ông Fraser viết trên trang Facebook: “Thông điệp gửi ông Malcolm Turnbull: Australia không cần người tị nạn Trung Đông hoặc thuyền nhân Hồi giáo! Hãy đóng cửa biên giới, chúng ta có quá nhiều các cư dân vô chính phủ cư trú tại Australia, chúng ta không cần thêm những kẻ cải trang thành người tị nạn!”.

Nhập cư hay chống khủng bố?

Đáp lại, Bộ trưởng Di trú Peter Dutton cho biết, Australia sẽ tôn trọng cam kết tiếp nhận 2.000 người tị nạn từ Syria và Iraq, khẳng định sẽ “đối mặt với tình huống khác với Châu Âu”. Tuy nhiên, ông Dutton cho biết thêm, quá trình tái định cư cho người tị nạn có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường, do phải kiểm tra nghiêm ngặt hơn sau vụ tấn công tại Paris.

Hiện tại, các cơ quan tình báo trên khắp thế giới lo sợ các phần tử thánh chiến bạo lực sẽ xâm nhập vào các nước để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố thông qua con đường “người tị nạn”. Giống như phần lớn các nước phát triển, Australia cũng đang phải vật lộn với những thách thức liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và người tị nạn. Canberra đã chứng kiến vài vụ khủng bố quy mô nhỏ trong nước. 2 ngày trước, vợ của một trong những tay súng IS có tiếng nhất ở Australia đã chết, Mohamed Elomar, tuyên bố sẽ hỗ trợ các tay súng nước ngoài tại Syria. Hiện có 120 người Australia hiện đang ở Syria, chiến đấu cho IS và các nhóm phiến quân khác.

Australia rất lo sợ sau vụ khủng bố tại Paris gần đây. Ảnh: Diplomat

Con dao 2 lưỡi

Thực tế, Australia có một số quy định khá nghiêm ngặt về người nhập cư và tị nạn. Đảng Bảo thủ cầm quyền đối mặt với những lời chỉ trích cả ở trong nước và quốc tế do quy định nhập cư khắc nghiệt và việc bố trí người tị nạn trong các trại ở các nước như Nauru, Papua New Guinea và Campuchia.

Thắt chặt kiểm soát biên giới và chính sách nhập cư cứng rắn là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó có thể giúp kiểm soát dòng người di cư và người tị nạn đến Australia, đồng thời ngăn chặn tình huống xấu nhất - IS hoặc Al-Qaeda có thể lợi dụng dòng người tị nạn để thâm nhập thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở Australia. Mặt khác, chính sách nghiêm ngặt có thể gây bất bình trong dân tộc thiểu số đang sống ở trong nước. Australia là mục tiêu của cả Al-Qaeda và IS, chủ yếu là do sự tham gia của nước này trong cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq.

Ở khía cạnh này, nước này phải đối mặt với 2 mối đe dọa. Thứ nhất, đó là mối đe dọa của các cuộc tấn công lớn, được lên kế hoạch kiểu Paris. Thứ hai là các vụ tấn công khủng bố trong nước như trước đây. Một hoặc vài thủ phạm ít được đào tạo và trang bị thực hiện một cuộc tấn công nhỏ gây ít thương vong. Chính sách nhập cư nghiêm ngặt của Australia có thể dẫn đến sự tha hóa trong các khu vực Hồi giáo, và có thể là nhân tố thúc đẩy các cuộc tấn công khủng bố trong nước.

Câu trả lời về cách đối phó với chủ nghĩa khủng bố là rất phức tạp. Công tác tình báo tốt là rất quan trọng nhưng chỉ là biện pháp tạm thời vì nó không loại bỏ các vấn đề cơ bản thúc đẩy khủng bố. Do đó, giảm mối đe dọa của khủng bố phải liên quan đến các biện pháp thực tế như tăng cơ hội việc làm, tiếp cận cộng đồng, và trò chuyện trung thực về vai trò của tôn giáo và chính trị trong một xã hội mở.

An Bình
(Theo Diplomat)