Báo Công An Đà Nẵng

Australia tuyên bố không để Trung Quốc “bắt nạt”

Thứ sáu, 12/06/2020 14:49

Australia hôm 11-6 cảnh báo sẽ không để bị đe dọa bởi những nỗ lực cưỡng chế kinh tế, sau khi Trung Quốc cảnh báo làm suy yếu dòng chảy hàng tỷ USD du khách và sinh viên Trung Quốc đến nước này.

Dịch vụ xuất khẩu lớn thứ 4 của Australia là giáo dục quốc tế, mang về gần 26 tỷ USD/năm. Ảnh: AFP

Thủ tướng Australia kêu gọi bang Victoria hủy BRI với Trung Quốc

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 11-6 kêu gọi bang Victoria nên từ bỏ việc tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh 3AW, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew nên từ bỏ việc tham gia Sáng kiến Vành đai-Con đường vì sáng kiến này “không phù hợp với lợi ích quốc gia của Australia”. “Đây không phải là chương trình mà Australia ký kết tham gia và không phải là chính sách đối ngoại của Australia. Tất cả các bang của Australia không nên có bất kỳ hoạt động nào không phù hợp với chính sách của liên bang”.

B.N

Gần đây, Bắc Kinh đã “đánh” vào ngành du lịch của Australia khi kêu gọi người dân nước này cân nhắc khi du lịch đến “xứ sở chuột túi”, viện dẫn nguy cơ bị tấn công do phân biệt chủng tộc nhắm vào người dân tộc Châu Á trong đại dịch Covid-19.

Hôm 9-6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cảnh báo nhắc nhở du học sinh nước này cần thận trọng khi học tập ở Australia. Trong một thông báo, Bộ này cho hay, gần đây, các trường đại học lớn của Australia có kế hoạch mở lại các khóa học vào khoảng tháng 7. Sự lây lan của dịch Covid-19 chưa được kiểm soát một cách hiệu quả, có những rủi ro trong đi lại quốc tế và tại các trường đại học mở. Bộ trên lưu ý tất cả du học sinh cần đánh giá rủi ro và thận trọng trong việc lựa chọn đi học hoặc quay trở lại Australia học tập.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bác bỏ các cáo buộc của Bắc Kinh về việc đối xử phân biệt chủng tộc đối với người Trung Quốc, cho rằng điều này vô căn cứ. “Đó là chuyện nhảm, một khẳng định nực cười và không thể chấp nhận. Đó không phải là tuyên bố được đưa ra bởi lãnh đạo Trung Quốc”, ông nói trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh. Tuy nhiên ông cảnh báo: “Chúng tôi là quốc gia giao dịch mở, là đối tác, nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị trước sự chèn ép do bất cứ bên nào đưa ra”. Australia cũng gửi công hàm phản đối cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra về các cảnh báo du lịch và du học gây tranh cãi. Bộ Ngoại giao Australia bác bỏ mọi tuyên bố rằng việc du lịch hoặc du học tại nước này không an toàn.

Đây là các  động thái mới nhất trong cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài giữa Australia và đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Căng thẳng giữa hai nước không ngừng tăng lên trong những năm gần đây khi Canberra chuyển sang chống lại các động thái của Bắc Kinh nhằm xây dựng ảnh hưởng của mình tại Australia cũng như trên khắp khu vực Thái Bình Dương. Gần đây, Canberra đã chọc giận Bắc Kinh bằng cách kêu gọi quốc tế mở điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của dịch virus corona. Tháng trước, Hội đồng Y tế Thế giới đã bỏ phiếu ủng hộ đánh giá độc lập về đại dịch sau khi Australia cùng Liên minh Châu Âu (EU) dẫn đầu vận động các thành viên.

Các động thái vấp phải phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Kể từ đó, Trung Quốc đã thực hiện một số bước nhắm mục tiêu thương mại với Australia. Trung Quốc trong vài tuần gần đây đã cấm nhập khẩu thịt bò Australia và áp thuế đối với lúa mạch từ nước ngày.

“Phớt lờ”- chiến thuật mới của Trung Quốc?

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với tổng giá trị thương mại hai chiều hơn 163 tỷ USD. Kể từ tháng 5 khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu thịt bò của 4 nhà máy chế biến thịt lớn nhất Australia, đồng thời áp đặt mức thuế cao hơn với lúa mạch nhập khẩu từ nước này, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham đã không thể liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn.

Hôm 8-6, ông Birmingham tiếp tục bày tỏ thất vọng khi không thể nói chuyện Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, dù đã vài lần cố gắng sắp xếp một cuộc điện đàm. Trung Quốc trả lời rằng yêu cầu điện đàm của Birmingham “không thể được đáp ứng vào thời điểm này”. “Tôi đã nhiều lần công khai nhấn mạnh Australia sẵn sàng thảo luận về những vấn đề chúng tôi bất đồng với các quốc gia khác và sẽ làm như vậy một cách tôn trọng, chu đáo, bình tĩnh. Thật không may khi các quốc gia khác không trả lời hoặc đáp lại tương xứng”, ông nói.

Các chuyên gia nhận định, sự im lặng và phớt lờ của Trung Quốc với Australia là một phần thuộc “nghệ thuật chiến tranh mới”, không phải Bắc Kinh muốn cắt đứt quan hệ hoàn toàn. Giáo sư Zhiqun Zhu tại Đại học Bucknell (Mỹ) phân tích rằng Trung Quốc có một danh sách dài những điều không hài lòng về chính sách của Australia, trong đó có việc Hải quân Australia tham gia tập trận chung với Mỹ, cấm tập đoàn Trung Quốc Huawei gây dựng mạng không dây 5G... “Phớt lờ Australia là một phần của chiến lược ngoại giao quyết liệt này. Đó là biểu hiện cho thái độ thay đổi của Trung Quốc đối với Australia. Thuế quan không phải là vấn đề duy nhất giữa  hai nước.

Rõ ràng, Trung Quốc không hài lòng với những động thái gần đây khi Australia tham gia chiến dịch chống Trung Quốc của ông Trump”, Zhu nói thêm.  Ông Zhu phân tích: “Trong mắt Bắc Kinh, chính phủ Australia đang ngày càng hỗ trợ chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cách tiếp cận với Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh không thể bắt tay như thường lệ với Canberra”. “Trung Quốc đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng với Australia: đừng quá thân với chính quyền Tổng thống Trump và khiến mối quan hệ Bắc Kinh-Canberra gặp khó khăn”, ông Zhu bổ sung.

AN BÌNH