Báo Công An Đà Nẵng

Australia và “cuộc chiến” với những gã khổng lồ công nghệ

Thứ hai, 25/05/2020 20:05

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) đã mở đường cho các hãng thông tin truyền thông khả năng tẩy chay Google và Facebook trong nỗ lực buộc các gã khổng lồ công nghệ này cung cấp cho các doanh nghiệp tin tức mức thù lao phù hợp hơn khi sử dụng nội dung của họ.

Chính phủ Australia yêu cầu các Cty công nghệ, như Google, Facebook phải trả tiền khi lấy nội dung tin tức trên các hãng tin, báo đài.

Các Cty công nghệ phải trả tiền khi lấy nội dung tin tức

Ngăn chặn các Cty công nghệ sử dụng tin tức của Australia là một trong những khả năng được nêu trong một bài viết trong tuần này  của ACCC.

Chẳng hạn như, hãy tưởng tượng khi gõ trên Google tìm kiếm “Covid-19 ở Australia” và kết quả không bao gồm bất kỳ phân tích hoặc bình luận nào từ các nhà báo, chuyên gia chính trị hoặc chuyên gia y tế về các ca nhiễm hiện tại hoặc về việc chính phủ dỡ bỏ các hạn chế? Liệu điều này có khiến công cụ tìm kiếm này kém hấp dẫn hơn đối với người dùng hay không, là câu hỏi trọng tâm ACCC để từ đó đi đến quyết định cuối cùng. Chủ tịch ACCC Rod Sims nói với các phóng viên rằng, các Cty công nghệ có rất nhiều cách để kiếm tiền từ các nguồn tin tức có uy tín xuất hiện trên nền tảng của họ.

Hồi cuối tháng 4, chính phủ Australia tuyên bố sẽ buộc Google và Facebook trả tiền nội dung của các hãng tin, trong động thái mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ truyền thông truyền thống trước sự thống trị của hai gã khổng lồ công nghệ của Mỹ.  Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho biết, chính phủ sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử bắt buộc trả tiền cho nội dung tin tức vào tháng 7 tới. Theo bộ quy tắc ứng xử bắt buộc, các Cty công nghệ như Facebook và Google phải trả tiền cho các hãng tin, báo đài ở Australia nếu sử dụng tin tức và nội dung của họ. “Những gì chúng tôi muốn thấy là sân chơi bình đẳng. Chúng tôi muốn đảm bảo sự công bằng cho những hãng tin nỗ lực sản xuất nội dung tin tức”, ông Frydenberg nhấn mạnh.

Australia đưa ra quy định bắt buộc sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng của ACCC. Trước Australia, chính phủ Pháp ra lệnh buộc Google đàm phán với các hãng tin, báo đài về khoản tiền thanh toán nếu sử dụng lại nội dung của họ trong công cụ tổng hợp tin tức (Google News) và công cụ tìm kiếm của Google.

Google và Facebook nói gì?

Google và Facebook tác động lớn đến nền báo chí ở Australia với số lượng phóng viên báo in và trang tin giảm hơn 20% kể từ năm 2014 vì doanh thu quảng cáo trên mạng bị các gã khổng lồ công nghệ áp đảo.

Trước động thái mạnh mẽ của chính quyền Canberra, Google và Facebook đã lập luận rằng, internet đã phá vỡ phương tiện truyền thông truyền thống nhưng lỗi không phải do doanh nghiệp của họ. Hai gã khổng lồ này cho rằng, chính nền tảng của họ đã hỗ trợ các hãng tin tức truyền thông bằng cách giúp tiếp cận đối tượng quy mô lớn hơn và đa dạng hơn. Google và Facebook cho biết họ đã thất vọng vì chính phủ Australia tiếp tục nỗ lực rút tiền từ họ sau khi các cuộc đàm phán tự nguyện kết thúc.

Đáp trả, Bộ trưởng Frydenberg nói với các phóng viên rằng, trận chiến với các Cty công nghệ là một cuộc chiến đáng giá. Ông cho biết, bản thân đã giành chiến thắng trước “các mối đe dọa của họ”. “Chúng tôi hiểu những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt. Đây là một ngọn núi to. Đây là những Cty lớn mà chúng tôi đang giao dịch nhưng cũng có rất nhiều cổ phần, vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc chiến này”, ông nhấn mạnh.

Mối lo của báo chí truyền thống

Cuộc chiến này bùng nổ khi trang tin tức kỹ thuật số của BuzzFeed của Australia tuyên bố rằng sẽ đóng cửa, khiến hàng chục người mất việc. Vào tháng 3, hãng tin APP tuyên bố sẽ sa thải tất cả 180 nhân viên và đóng cửa vào tháng 6 tới. Vì vậy, các hãng truyền thông báo chí ủng hộ động thái lần này của chính phủ.

Hai trong số các nhà xuất bản truyền thông thống trị ở nước này là News Corp và Nine Entertainment ủng hộ mạnh mẽ nhất. News Corp đã công bố đầu tháng này rằng, họ sẽ đình chỉ 60 tờ báo trong khu vực do doanh thu quảng cáo giảm mạnh. Ông chủ của Newscorp Australasia, Michael Miller tin rằng, Google và Facebook nên trả cho các doanh nghiệp truyền thông tin tức ít nhất là 1 tỷ USD mỗi năm. Chủ tịch Peter Costello của Nine Entertainment thì cho rằng, họ cần trả ít nhất 600 triệu USD, hoặc 105 trong số 6 tỷ USD mà họ kiếm được một năm từ quảng cáo ở nước này.

Tất nhiên, việc các hãng tin tức truyền thống đóng cửa không phải chỉ xảy ra ở Australia. Nhiều quốc gia từ lâu đã tranh luận làm thế nào để đáp ứng với sự tăng trưởng nhanh chóng của các Cty công nghệ với chi phí của các hãng truyền thông báo chí truyền thống. Và đây được xem là một trận chiến không hề dễ dàng và chưa thể đi đến hồi kết.

KHẢ ANH