Báo Công An Đà Nẵng

B-52 Mỹ thách thức "vùng cấm bay" Trung Quốc

Thứ năm, 28/11/2013 07:00

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc đã không phản ứng gì trước việc máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay vào Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt trên biển Hoa Đông.

Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát quân sự bằng ADIZ mới, hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay vào khu vực này, thách thức “vùng cấm bay” do Bắc Kinh tự đặt ra.

Lầu Năm Góc cũng xác nhận hai máy bay B-52 bay quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và không thông báo trước cho Trung Quốc. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren khẳng định: “Chúng tôi tiến hành các hoạt động trong khu vực thuộc quần đảo Senkaku và làm theo các thủ tục thông thường”. Theo ông Warren, 2 máy bay này hiện diện tại ADIZ trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ và “không gặp sự cố nào”.

B-52 vào ADIZ, Trung Quốc không phản ứng

Washington mô tả đây là hoạt động nằm trong cuộc diễn tập huấn luyện được lên kế hoạch từ lâu, bao gồm 2 máy bay bay khứ hồi từ đảo Guam. Nhưng rõ ràng, việc thực hiện 2 chuyến bay tầm xa này là lời khẳng định, Mỹ sẽ không bao giờ công nhận yêu sách lãnh thổ mới của Bắc Kinh.

Trung Quốc lệnh cho tất cả các máy bay vào khu vực ADIZ mới phải thông báo cho họ và khẳng định sẽ áp dụng biện pháp quân sự khẩn cấp nếu không tuân theo. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng, cho biết, Bắc Kinh không có phản ứng nào khi B-52 của Mỹ bay vào ADIZ mới mà không thông báo.

Phản ứng không đối đầu của Bắc Kinh vấp phải chỉ trích của đa số cư dân mạng trong nước. Các công dân mạng thậm chí còn kêu gọi chính phủ áp dụng các biện pháp cứng rắn để thực thi ADIZ. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, chỉ có chiến tranh mới dạy cho Nhật Bản không nên can thiệp vào chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết, Bắc Kinh có thể không bao giờ có ý định áp đặt vùng ADIZ bằng vũ lực.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh khẳng định, quân đội nước này đã giám sát toàn bộ diễn biến, tiến hành nhận dạng kịp thời và xác định chủng loại máy bay của Mỹ. Theo ông, Bắc Kinh có năng lực kiểm soát không phận này một cách hiệu quả. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc về vụ việc này song không bao gồm bất kỳ biểu hiện hối hận hay giận dữ.

Máy bay B-52 của Mỹ bay vào vùng ADIZ của Trung Quốc, song không gặp bất kỳ
sự phản đối nào. Ảnh: WST

Thách thức đón chờ Bắc Kinh

Washington, có hàng trăm máy bay quân sự đóng đô tại khu vực này, chắc chắn sẽ không tuân thủ quy định của Bắc Kinh. Nhật, Hàn Quốc cũng tương tự.

Ngày 27-11, các hãng hàng không Nhật Bản cho biết đã chấm dứt việc tuân thủ các quy định về ADIZ của Trung Quốc. Quyết định đảo ngược trên được đưa ra sau khi chính quyền Tokyo khẳng định tuyên bố trên của Trung Quốc là không có hiệu lực và một loạt nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ quan điểm trên của Nhật. Vì thế, hiện tại, Trung Quốc đại lục đang cố lôi kéo Đài Loan về phía mình. Ngày 27-11, nữ Phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, bà Phạm Lệ Thanh khẳng định, ADIZ mới thiết lập trên biển Hoa Đông là phù hợp với lợi ích của cả 2 bờ eo biển Đài Loan.

Việc Trung Quốc lập ADIZ là nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Có thể, Bắc Kinh không nhằm mục đích châm ngòi cho cuộc đối đầu với máy bay nước ngoài. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm, tùy thuộc vào cách hành xử sau đó của nước này và làm thế nào để thận trọng khi chặn máy bay từ Nhật, Mỹ, và các nước khác. Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh có thể đã tính toán nhầm  khi không lường trước việc cộng đồng quốc tế bác bỏ yêu sách ADIZ.

Ít nhất trong ngắn hạn, động thái này sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. “Người Trung Quốc bây giờ có thể bắt đầu đếm và báo cáo những gì họ gọi là hành vi vi phạm của Nhật Bản, trong khi lập luận rằng, phía Bắc Kinh đã rất kiềm chế bằng cách không bắn hạ máy bay. Nhưng rồi, tranh cãi có thể sẽ bùng nổ hơn nữa”, một nhà phân tích nhận định trên báo CS Monitor.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn thực tế phát sinh từ những khoảng trống trong việc tiếp nhiên liệu trên không, cảnh báo sớm và khả năng điều khiển không phận. Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã cho thấy không có dấu hiệu của việc chịu xuống nước, vì họ thực thi tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Khả Anh