Bà Kamala Harris: Đã đến lúc kết thúc cuộc xung đột Israel – Hamas
"Israel có quyền tự vệ, song cách họ làm điều đó cũng là vấn đề quan trọng. Những gì đã xảy ra ở Dải Gaza trong 9 tháng qua thực sự tàn khốc",hãng tin Reuters dẫn lời bà Harris nói trong một tuyên bố trên truyền hình sau khi bà có cuộc hội đàm trực tiếp với Thủ tướng Netanyahu. Hình ảnh trẻ em thiệt mạng, những người đói khát tuyệt vọng tìm chỗ trú ẩn, có những người đã mất nhà hai, ba, thậm chí 4 lần. Chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những thảm kịch này. Chúng ta không thể ngoảnh mặt trước những thảm kịch đó, để mình trở nên vô cảm trước sự đau khổ như vậy và tôi sẽ không im lặng", bà nhấn mạnh, thêm rằng đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza với ông Netanyahu. “Đã đến lúc cuộc chiến này kết thúc. Chúng ta không thể cho phép mình ngồi yên trước những đau khổ và tôi sẽ không im lặng”, bà tuyên bố. “Đã có những tiến triển đầy hy vọng trong các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo một thỏa thuận, và như tôi vừa nói với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đã đến lúc phải thực hiện thỏa thuận này”, Phó Tổng thống Harris nói thêm bà đang dần mất kiên nhẫn với phương án tiếp cận quân sự của Tel Aviv mặc dù với tư cách là cấp dưới của Tổng thống Biden, bà vẫn ủng hộ ông Biden hỗ trợ hết sức cho quyền tự vệ của Israel.
Phát biểu này thể hiện quan điểm rõ ràng nhất của bà Harris với xung đột Gaza. Tổng thống Biden trước đó chủ yếu gây sức ép với Israel về chiến sự ở Gaza đằng sau hậu trường, ít khi đưa ra các tuyên bố công khai. Bà Harris trong quá khứ cũng tỏ ra thẳng thắn hơn về vấn đề Gaza so với ông Biden. Trước đó, vào tháng 3, Phó Tổng thống Harris thẳng thừng tuyên bố Israel chưa hành động đủ để giảm bớt thảm họa nhân đạo trong chiến dịch quân sự trên bộ vào Gaza. Bà Harris không loại trừ hậu quả mà Israel phải gánh nếu nước này tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Rafah – nơi trú ẩn đông đúc người Palestine di tản.
Những tuyên bố của Phó Tổng thống Harris được đánh giá là mang giọng điệu sắc bén và nghiêm túc, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu bà có quyết liệt hơn trong mối quan hệ với ông Netanyahu hay không nếu được bầu làm tổng thống vào ngày 5-11 tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Israel – đồng minh thân cận nhất với Washington ở Trung Đông - trong trường hợp bà đắc cử.
Xung đột ở Gaza đã khiến đảng dân chủ bị chia rẽ và trong nhiều tháng qua, người dân biểu tình bày tỏ sự phản đối tại các sự kiện của Tổng thống Biden. Sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ của người Mỹ gốc Arab có thể làm tổn hại đến cơ hội giành chiến thắng của đảng Dân chủ ở Michigan, một trong số ít bang dao động có khả năng quyết định cuộc bầu cử ngày 5-11. Đáp lại những lo ngại đó, Harris kêu gọi người Mỹ “khuyến khích những nỗ lực tìm hiểu sự phức tạp, sắc thái và lịch sử của khu vực”. “Đối với tất cả những người đang kêu gọi ngừng bắn và khao khát hòa bình, tôi nhìn thấy các bạn và tôi đang lắng nghe các bạn. Hãy hoàn thành thỏa thuận để chúng ta có thể đạt được lệnh ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh”, nữ Phó Tổng thống nhấn mạnh.
Dẫn số liệu từ Israel, CNN cho biết cuộc xung đột tại Gaza nổ ra từ ngày 7-10-2023, sau khi lực lượng Hamas tấn công miền Nam Israel, khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người khác bị bắt làm con tin. Tiếp đến, các cuộc tấn công trả đũa của Israel ở Gaza đã khiến hơn 39.000 người Palestine thiệt mạng và gây ra thảm họa nhân đạo với hầu hết vùng đất bị phong tỏa, người dân phải rời bỏ nhà cửa, nạn đói và thiếu viện trợ khẩn cấp.
Trước khi gặp Phó Tổng thống Harris, Thủ tướng Netanyahu đã gặp Tổng thống Biden. Theo thông cáo của Nhà Trắng, tại cuộc gặp, Tổng thống Biden cho rằng Israel và Hamas cần thu hẹp khoảng cách, nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận, đưa các con tin trở về nhà và chấm dứt lâu dài cuộc xung đột ở Dải Gaza. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc dỡ bỏ các trở ngại đối với hoạt động viện trợ, bảo vệ mạng sống của dân thường trong các chiến dịch quân sự. Các cuộc gặp diễn ra một ngày sau khi ông Netanyahu phát biểu trước quốc hội Mỹ, khẳng định chiến sự ở Dải Gaza chỉ chấm dứt sau khi nước này "giành chiến thắng hoàn toàn" trước lực lượng Hamas, bất chấp thương vong ngày càng tăng ở dải đất.
Cựu chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, thành viên đảng Dân chủ, chỉ trích bài phát biểu của Thủ tướng Israel và nhấn mạnh cần phải có thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Khoảng một nửa nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện và Thượng viện không có mặt khi Thủ tướng Israel phát biểu vì phản đối chiến sự. Hàng nghìn người Mỹ cũng đã tổ chức biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội trong lúc Thủ tướng Israel phát biểu để phản đối chiến sự Gaza.
Thủ tướng Israel sẽ gặp ứng viên tranh cử tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump trong ngày 26-7 tại khu nghỉ dưỡng của cựu tổng thống ở Florida.
AN BÌNH