Báo Công An Đà Nẵng

Bắc Á bên bờ vực chiến tranh hạt nhân

Thứ sáu, 11/08/2017 09:15

72 năm sau ngày Mỹ thả một quả bom hạt nhân xuống thành phố Nagasaki của Nhật, Bắc Á đang đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh cả Mỹ và Triều liên tục khẩu chiến gay gắt quanh vấn đề này.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 28-7.     Ảnh: Yonhap

Trong khi Triều Tiên thường xuyên đe dọa biến thủ đô Seoul của Hàn Quốc thành một "biển lửa", cụm từ tương tự cũng được Mỹ đưa ra để cảnh báo Bình Nhưỡng. Trong bài phát biểu hôm 8-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ "đối mặt với lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến" nếu tiếp tục đe dọa Washington.

Tối hậu thư này của ông Trump khiến những ký ức về sự phá hoại khủng khiếp của các cuộc oanh tạc của Mỹ, trong đó có vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, lại trỗi dậy. "Khu vực này là rất ý thức về các mối đe dọa và phá hủy nếu một cuộc tấn công hạt nhân xảy ra", ông John Lee, nhân viên của Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson và người đứng đầu cơ quan thường trực của hãng tin AP tại  Seoul và Bình Nhưỡng nhận định.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, hàng chục triệu người Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với sự tàn phá thảm khốc trong một cuộc chiến tranh. Vì vậy, ngôn từ khiêu khích của Washington đặt khu vực trên bờ vực chiến tranh và khi bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng gây ra những hậu quả khủng khiếp hơn bao giờ hết. "Tôi lo lắng về những gì người Mỹ đang suy nghĩ về tình hình hiện tại", cư dân Ok Soo-kyung ở Seoul chia sẻ những cảm xúc về mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại.

Kế hoạch tấn công Guam

Mối đe dọa chiến tranh hiện hữu khi Triều Tiên ngày 10-8 tuyên bố sẽ hoàn thành kế hoạch phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào đảo Guam của Mỹ vào giữa tháng này, trước khi trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong-Un.

KCNA dẫn lời ông Kim Rak Gyom, Tư lệnh Lực lượng chiến lược thuộc quân đội Triều Tiên, cho biết. "Tên lửa Hwasong-12 do quân đội Triều Tiên phóng đi sẽ bay qua bầu trời Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản. Chúng sẽ bay xa 3.356,7km trong vòng 1.065 giây và bắn vào vùng biển cách đảo Guam chỉ khoảng 30-40km, để ngăn chặn lực lượng của kẻ thù ở các căn cứ quân sự trên đảo Guam và phát đi thông điệp cảnh báo tới Mỹ", tướng Kim Rak Gyom cho biết. Triều Tiên cũng nói rằng, bình luận trút "lửa và thịnh nộ" của Tổng thống Trump hồi đầu tuần này là "vô nghĩa". Trong thông báo phát đi trước đó, quân đội Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng một cuộc chiến tranh toàn diện, huy động toàn bộ sức mạnh nếu Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh phòng ngừa chống lại Triều Tiên.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên, nước này sẽ bị đáp trả bằng "lửa và cuồng nộ" nếu tiếp tục đe dọa Washington. KCNA cũng đã mô tả lời đe dọa trên của Tổng thống Trump là "quá vô lý", đồng thời cho rằng dùng "sức mạnh tuyệt đối mới có thể đối phó được ông ta", ý chỉ Tổng thống Trump.

Mỹ-Hàn-Nhật đối phó

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này đã chuẩn bị cho kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên trong trường hợp Tổng thống Donald Trump ra lệnh. Điểm mấu chốt trong kế hoạch là cuộc tấn công bằng các máy bay chiến lược B-1B Lancer từ căn cứ Andersen trên đảo Guam. Mục tiêu của cuộc không kích có thể sẽ là khoảng 20 bãi phóng tên lửa, thử nghiệm và các mục tiêu đảm bảo kỹ thuật của Triều Tiên.

Hàn Quốc cũng có phản ứng gay gắt. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS), Roh Jae-cheon cho biết, tuyên bố tấn công lãnh thổ Guam của Triều Tiên là một thách thức chống lại Hàn Quốc và liên minh quân sự Mỹ - Hàn. Hàn Quốc đã chuẩn bị hành động ngay lập tức nhằm chống lại bất cứ hành động gây hấn nào của Triều Tiên. Seoul cũng triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), trong một động thái rõ ràng là để thảo luận về lời đe dọa mới nhất của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản khẳng định có thể không bao giờ khoan dung cho những hành động khiêu khích của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố Tokyo được phép chặn tên lửa do Triều Tiên phóng tới Guam nếu tên lửa này được đánh giá là một mối đe dọa ảnh hưởng tới nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Nhật hiện nay không có khả năng bắn hạ tên lửa bay qua lãnh thổ nước này tới Guam.

Xem nhẹ đe dọa

Thống đốc Guam, ông Eddie Calvo, bác bỏ tuyên bố của Triều Tiên rằng, Bình Nhưỡng sẽ hoàn thiện kế hoạch vào giữa tháng 8 tới để tấn công tên lửa nhằm vào hòn đảo thuộc lãnh thổ Mỹ này, coi đó là "biểu hiện của sợ hãi" và khẳng định không có mối đe dọa gia tăng nào.

Ông cho biết thêm, người dân Guam tỏ ra quan ngại nhưng không hề hoảng loạn và các nhà chức trách địa phương rất tự tin, không hề có mối đe dọa gia tăng nào bất chấp những cảnh báo được Triều Tiên lần đầu đưa ra hôm 9-8. Thống đốc Guam khẳng định: "Lá chắn phòng thủ đã được triển khai bao quát toàn bộ Hàn, Nhật và nhiều cơ sở hải quân nằm giữa bán đảo Triều Tiên, Nhật và Guam cũng như một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Guam tạo thành mạng lưới phòng thủ đa cấp độ. Do đó, dựa trên tình hình thực tế, không cần phải có bất kỳ quan ngại nào về mức độ đe dọa leo thang".

AN BÌNH

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hàn Quốc hoãn khảo sát môi trường liên quan đến THAAD

Chính phủ Hàn Quốc ngày 10-8 quyết định hoãn tiến hành cuộc khảo sát chính thức về ảnh hưởng đối với môi trường của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở khu vực phía nam do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương.

Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng nêu rõ: "Chúng tôi đã quyết định hoãn kế hoạch này sau khi xem xét nhiều điều kiện tại chỗ". Hiện hai bệ phóng tên lửa đánh chặn và cụm radar rất mạnh của khẩu đội THAAD này đang hoạt động tại thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 300km về phía đông nam. Người dân địa phương kêu gọi chính phủ xem xét lại việc triển khai THAAD tại đây.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------