Báo Công An Đà Nẵng

Bác Hồ dạy về nâng cao tinh thần, trách nhiệm

Thứ ba, 22/10/2019 07:00

Trách nhiệm của cán bộ, công chức trong nền công vụ của một quốc gia thường thể hiện ở việc họ tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy và luôn căn dặn, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, công chức phải thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đồng thời phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật...

Thứ nhất, theo Người, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức được thể hiện trong việc nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện đúng đường lối quần chúng.

Tinh thần trách nhiệm là gì? Theo Bác: “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v. là không có tinh thần trách nhiệm” (1).

Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên không chỉ thể hiện trong công việc được giao, đối với Đảng, Nhà nước mà theo Bác, nó còn thể hiện trong mối quan hệ với quần chúng. Bác khuyên mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện trách nhiệm, phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng; cán bộ, đảng viên phải biết lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Người nói: Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân.

Thứ hai, theo Người, cán bộ, công chức phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác.

Bác cho rằng, trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải "có gan phụ trách", dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân và hết sức cẩn thận trong mọi việc. Bác nói: “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và làm việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái, phải có trách nhiệm đối với công việc và đối với bản thân mình. “Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi” (4).

Thứ ba, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với công việc, nhất là người giữ vai trò lãnh đạo thể hiện ở tính tiết kiệm và liêm chính.

Theo Người, người có tinh thần trách nhiệm là phải thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm không đơn thuần chỉ là tiền bạc, vật chất, thời gian mà còn rất quan trọng là sắp xếp, bố trí, phân phối công việc, kể cả phân phối cán bộ - tiết kiệm nguồn nhân lực. Trong công tác cán bộ, theo Bác, nếu không bố trí đúng người, đúng việc theo kiểu “thợ mộc làm thợ rèn, thợ rèn làm thợ mộc”, “Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động” (5) khiến cho cả hai người đều lúng túng, thì nhất định không thể nào hoàn thành nhiệm vụ được. Người tài không được sử dụng đúng chỗ là lãng phí chất xám, đây là lãng phí lớn nhất về nguồn lực cho phát triển.

Ngoài ra, theo Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức phải luôn luôn thực hành chữ liêm, chống tham ô, tham nhũng để làm kiểu mẫu cho dân. Người cho rằng, nhân dân, dù muốn tham nhũng cũng không thể, mà chỉ có thể tham ô. Còn cán bộ - có quyền - mới có điều kiện nhũng lạm. Cán bộ có chức vụ cao càng có điều kiện tham nhũng lớn.

Thứ tư, theo Người, người có tinh thần trách nhiệm là

“1) Không tự kiêu, không có cái bệnh “làm quan cách mạng”.

2) Phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm.

3) Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm.

4) Trung thành với mục đích cách mạng: giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do” (6).

Trong suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã nung nấu ý chí làm cách mạng, ý thức về trách nhiệm của người thanh niên mất nước. Khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh mang theo hoài bão, khát vọng giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh tự xác định trách nhiệm phải thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp trí thức thanh niên yêu nước, về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc; sự nghiệp giành độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi lãnh đạo cách mạng thành công, với tư cách là người đứng đầu bộ máy Nhà nước cho đến cuối đời, Người đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với Đảng, đối với nhân dân.

Có thể khẳng định rằng, suốt cuộc đời hoạt động của mình, trong mọi công việc, mọi lúc mọi nơi, Bác luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình một cách cao nhất có thể đối với nhân dân, đối với Đảng, đối với Chính phủ. Bác luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm để Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập, noi theo. Chính vì lẽ đó, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao cao tinh thần trách nhiệm là việc làm cần thiết và có nhiều ý nghĩa quan trọng.               

TS. NGUYỄN HUY HOÀN -
Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị khu vực III

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.345.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.39.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.106.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.26.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.38-39.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.34.