Báo Công An Đà Nẵng

Bác Hồ, nhà báo vĩ đại

Thứ sáu, 21/06/2013 00:25

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thiên tài có tầm nhìn xa, trông rộng; trí tuệ uyên thâm, đạo đức cao cả, phong cách sống và làm việc luôn là một mẫu mực tỏa sáng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân noi gương học tập và làm theo. Riêng ở lĩnh vực báo chí, Bác Hồ được tôn vinh là Nhà báo số 1 của làng báo cách mạng Việt Nam. Bác đã để lại cho chúng ta một kho tàng vô cùng quý giá, các bài viết, bài phát biểu của Người trên các báo, các diễn đàn trong nước và quốc tế luôn lưu lại những dấu ấn tốt đẹp, rất sâu đậm trong mỗi con người Việt Nam và bè bạn trên khắp thế giới.

Khi nói về người làm báo, Hồ Chí Minh dạy rằng : "...Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra sức rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:Viết cho ai xem?Viết để làm gì?Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là "tuyệt" rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn,  nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta" (1).

Bác Hồ với nhà báo Xuân Thủy, nguyên chủ bút Báo Cứu Quốc, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao.

Lời chỉ bảo mộc mạc, ngắn gọn, ân cần và dễ hiểu ấy chính là mệnh lệnh của lãnh tụ, là tình cảm của người "anh cả" dành cho những người làm báo cách mạng nước nhà. Còn nhớ năm 1999, vào dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo "Dân vận" đăng trên báo Sự thật ra ngày 15-10-1949, Đảng ta đã có chủ trương tổ chức học tập trở lại những quan điểm, tư tưởng, đạo đức cách mạng, phong cách làm việc mà Người dặn dò cán bộ thể hiện qua bài báo "Dân vận" trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Từ sự lan tỏa mạnh mẽ khi học tập trở lại bài báo trên, Đảng ta đã từng bước cụ thể hóa thành những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, tăng cường các giải pháp có tính khả thi nhằm giữ vững và phát huy quan điểm "lấy dân làm gốc", đây là cơ sở để T.Ư bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng như hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta qua từng thời kỳ cụ thể của lịch sử, đáp ứng với quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, giữ vững thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, theo đó các phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua đã được khơi dậy một cách mạnh mẽ, đạt hiệu quả tốt thông qua việc phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

 

Phóng viên tác nghiệp trong sự kiện Thái tử Nhật Bản đến thăm Đà Nẵng. Ảnh: Anh Tuấn

Bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những bài báo tiêu biểu của Người khi nói về vai trò của quần chúng nhân dân, ý nghĩa chính trị của bài báo có sức thu hút mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào cách mạng của đất nước ta qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc, từ chiến thắng của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Bài báo "Dân vận" tiếp tục ảnh hưởng rất to lớn và sâu sắc đến quá trình cả nước chung sức, chung lòng thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho đến hôm nay. Rõ  ràng ảnh hưởng to lớn từ quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, cả trong quá khứ vinh quang và hào hùng của dân tộc trước đây, cả trong hiện tại và chắc chắn cũng như trong tương lai. Bởi ai cũng biết: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong", thực tế cách mạng của nước ta trong nhiều năm qua đã chứng minh một cách hùng hồn về câu thành ngữ có tính chân lý bất biến ấy, thể hiện sự nhìn nhận về vai trò của quần chúng rất đỗi nhân văn của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trở lại vấn đề báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta phải thừa nhận rằng vào thời điểm lịch sử ấy, tức là từ khi học tập lại bài báo "Dân vận" của Bác Hồ, thì thấy vai trò của nhân dân được khẳng định rõ nét hơn, đề cao hơn, nhận diện một cách đầy đủ hơn. Theo đó, mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa chính quyền với dân được gắn bó mật thiết hơn, "ý Đảng - lòng dân" không còn chỉ là những câu chuyện trên văn bản giấy tờ hay trong lời nói, mà nó đã biến thành một sức mạnh vật chất to lớn, mạnh mẽ tạo nên những công trình đồ sộ có chiều sâu thế kỷ ở thực tiễn, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và mong mỏi chính đáng của nhân dân. Đó  cũng chính là cơ sở chính trị vững chắc để chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức cực kỳ to lớn trong thời gian qua, cũng như sẵn sàng đón nhận những thách thức mới của thời kỳ hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, tiếp tục vượt qua những khó khăn của tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, chặn đứng nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và châu lục, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.

Mai Mộng Tưởng-
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng