Báo Công An Đà Nẵng

Bác Hồ trong ký ức tuổi thơ tôi

Thứ tư, 20/05/2015 09:59

(Cadn.com.vn) - Đầu những năm 1960, Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) quê tôi chìm đắm trong khói lửa chiến tranh, vùng được địch xếp vào địa danh tự do bắn phá, bởi chúng sợ Việt cộng tiến đánh thị xã Đà Nẵng từ hướng nam. Cha tôi lao tâm khổ tứ để cùng mẹ nuôi bầy con 7 đứa. Quê nghèo lại bị chiến tranh tàn phá, tuổi thơ chúng tôi chìm trong đắng cay, cơ cực, thiếu thốn trăm bề. Cha lâm bệnh mất sớm, anh chị em tôi lâm vào cảnh khốn cùng, ngoài mấy buổi đi học bữa đực bữa cái, thời gian còn lại thì rủ nhau ra cồn Ông Giới chơi u, hoặc kéo ra dốc Ông Kinh lượm đá cục rồi leo lên bốt gác của Pháp để lại trên đỉnh dốc, hì hục mài cho đến khi nào cục đá thành hòn bi thì chơi trò bắn bi, chiều hè thì ra sông tắm chơi trò cút bắt.

Cái sự học của lớp chúng tôi thời đó cũng lắm nhiêu khê, đứa mô có cơ may được đi học liên tục thì 2 hay 3 năm liền cũng chỉ học mỗi lớp năm (lớp 1 bây giờ), bởi cả làng chỉ có một trường duy nhất, một lớp năm duy nhất và một thầy giáo duy nhất. Nhưng lũ chúng tôi còn may mắn chán, bởi các anh chị trước chúng tôi đi học phải ngồi bệt dưới sân đình để nghe thầy dạy...

Cuộc đấu tranh chống bè lũ bán nước làm tay sai cho thực dân, đế quốc của người dân quê tôi ngày càng sôi sục, hy sinh mất mát, đau thương ngày càng nhiều. Ban ngày địch hung hăng cày ủi, lập ấp chiến lược, tạo vành đai trắng, mở rộng vùng kiểm soát, nhưng ban đêm co cụm lại run sợ trước khí thế cách mạng của quê tôi. Ban đêm, anh chị du kích đội hầm bí mật hòa vào không khí kháng chiến, hòa vào lòng dân, làng trên xóm dưới rộn vang tiếng cười đùa vô tư trẻ trung của thanh thiếu niên. Đêm rằm tháng 5 năm 1961. Chiều hôm đó, ăn chưa hết chén cơm độn khoai lang khô, chưa kịp húp chút canh lưỡi long nấu với cá cấn mới bắt hồi chiều ở ven sông Cổ Cò, chị tôi đã giục mau uống nước để chuẩn bị đến sân đình làng xem văn nghệ giải phóng.

Văn nghệ giải phóng là gì tôi mù tịt, nhưng nghe anh chị lớn bảo nhau là hay lắm, vả lại nghe có phát bánh kẹo nữa, chu choa như rứa thì phải đi sớm mới được, tôi thầm nghĩ. Thế là, duy nhất mặc trên người chiếc quần đùi vá chằng vá đụp, tôi nắm tay chị hổn hển chạy vội đến sân đình, tới nơi mới biết rất nhiều bạn cùng trang lứa đã tới trước tự bao giờ, định bắt đền chị nhưng chị bảo chưa đến giờ phát kẹo, thế là tôi ngoan ngoãn vào ngồi trong hàng dành cho trẻ con theo hướng dẫn của mấy chị du kích.

Trăng vừa nhô lên khỏi lũy tre đầu làng thì chương trình văn nghệ giải phóng bắt đầu. Chúng tôi háo hức nghe những lời ca, tiếng hát đằm thắm tình quân dân, những bài hát ca ngợi công ơn trời biển của Bác Hồ, tình cảm ruột thịt của đồng bào miền Bắc đối với đồng bào miền Nam. Xen lẫn vào những bài ca, điệu múa là những mẩu chuyện kể về cuộc đời sự nghiệp Bác Hồ, về cuộc đấu tranh oanh liệt của quân và dân ta, đặc biệt là về tội ác của kẻ thù bán nước và quân xâm lược.

Tôi như nuốt từng lời theo chuyện kể của cô du kích về Bác Hồ Chí Minh, tôi lơ mơ hình dung Bác Hồ như một ông Tiên vừa đẹp như tranh vẽ, vừa hiền từ, phúc hậu trong các câu chuyện cổ tích mà tôi từng nghe cha kể vào những đêm mưa mùa biển động. Đâu chừng đến nửa chương trình văn nghệ, bọn trẻ chúng tôi được phát bánh kẹo, các anh chị du kích bê từng giỏ bánh kẹo đi phát, mấy đứa có túi áo thì có chỗ cất kẹo, còn tôi thì lận đầy lưng chiếc quần đùi, đến nỗi hai ống quần đã co lên sát bẹn! Quả thật, từ hồi mẹ sinh ra và biết ăn quà cho đến lúc ấy, chưa bao giờ tôi được nhận bánh kẹo nhiều đến thế, thơm ngon ngọt ngào đến thế.

Bỗng một anh du kích nhắc chúng tôi trật tự rồi đột nhiên hỏi: “Các em có biết bánh kẹo đang ăn là của ai cho không?”. Có tiếng đáp lí nhí: “Dạ của cô chú du kích cho ạ”. Một cô du kích giải thích: “Không phải đâu, đó là quà của Bác Hồ ở miền Bắc gởi cho thiếu niên xã ta nhân dịp sinh nhật của Bác ngày 19 tháng 5. Bác Hồ luôn mong các em phải ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, giúp anh chị du kích đánh thắng giặc, đặng rước Bác Hồ vào thăm, các em có đồng ý không?”, thế là râm ran cả sân đình: đồng ý!... đồng ý!. Lại tiếng một chị du kích khác: “Các em có thấy đêm nay trăng sáng không khác chi đêm rằm trung thu, đúng không?, vậy chúng mình hát bài Trung thu nhớ Bác nhé, hai... ba...

Trung thu em nhớ

Em nhớ Bác Hồ

Bác Hồ ở đâu

Ở nơi Việt Bắc

Việt Bắc xa vời

Nhớ lắm Bác ơi!...”

Ca từ của bài hát đó đã theo tôi vào giấc ngủ của đêm rằm tuyệt vời năm ấy, cũng từ đó hình bóng Bác Hồ luôn in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Và ký ức đó đã theo tôi đến cuối cuộc đời này.

Mai Mộng Tưởng