Bác sĩ Hàn Quốc đình công giữa đại dịch, vì sao?
Vào thời điểm Hàn Quốc đang trải qua đợt bùng phát đại dịch Covid-19 thứ hai, hàng chục nghìn bác sĩ nước này đình công để phản đối kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc nâng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y và một số biện pháp cải tổ y tế khác nhằm cải thiện dịch vụ y tế công cộng.
Các bác sĩ giơ biển chỉ trích chính phủ tại một bệnh viện ở Seoul hôm 26-8. Ảnh: Yonhap |
Hành động tập thể kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 26-8, tập hợp bởi các bác sĩ, bao gồm cả bác sĩ thực tập và nội trú ở các bệnh viện đa khoa và bác sĩ tại bệnh viện quy mô nhỏ ở các khu dân cư và các phòng khám trên toàn quốc, những người là thành viên của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) gồm 130.000 người.
Cuộc đình công đang làm gián đoạn hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tại các bệnh viện lớn ở thủ đô Seoul trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng. Không kể các bác sĩ làm việc cho những bệnh viện lớn, việc các cơ sở y tế nhỏ đình công cũng làm ảnh hưởng đến dịch vụ chăm sóc y tế nước này. Theo Yonhap, một cuộc khảo sát do Bộ Y tế và Phúc lợi thực hiện cho thấy 58,3% cơ sở y tế trên toàn quốc chịu ảnh hưởng của cuộc đình công. Theo báo cáo, số lượng hoạt động tại các bệnh viện lớn ở khu vực Seoul đã giảm gần một nửa. Các bác sĩ cấp giáo sư đã được điều động đến các bệnh viện đa khoa để thay thế cho các sinh viên thực tập, làm việc tại các phòng cấp cứu và giám sát những người bệnh nặng.
Phản đối những cải cách y tế
Mục đích đình công là phản đối quyết định của chính phủ Hàn Quốc về cải cách ngành y tế như tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y và thành lập trường y tế cộng đồng mới. Trong chương trình cải tổ được đề ra, Bộ Y tế Hàn Quốc có kế hoạch nâng hạn ngạch tuyển sinh cho các trường y thêm 4.000 chỉ tiêu trong 10 năm tới kể từ năm 2022, và cũng mở thêm các trường y tế công nhằm mở rộng tầm bao phủ các dịch vụ chăm sóc y tế trong cả nước. Theo kế hoạch, các trường y sẽ phải tiếp nhận số lượng sinh viên từ 3.058 hiện nay lên 3.458 trong giai đoạn 2022-2031.
Một y tá cấp cao tại một bệnh viện đa khoa lớn ở Seoul, cho rằng, những cải cách này tồn tại nhiều bất cập. Theo bà, vấn đề khiến các bác sĩ tức giận là các đề xuất của chính phủ, nếu được ban hành, sẽ dẫn đến sự lãng phí quỹ y tế công cộng, vốn đã rất hạn chế. Bà khẳng định, số lượng bác sĩ mới tốt nghiệp tăng lên sẽ được gửi đến các vùng nông thôn, nhưng thực tế ngành y tế ở Hàn Quốc là bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng thường đến các bệnh viện hàng đầu ở thành thị, nơi có cơ sở vật chất tốt nhất và bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm nhất.
Rủi ro gia tăng
Cuộc đình công kéo dài 3 ngày đang gây thêm áp lực cho hệ thống y tế Hàn Quốc vốn đang phải đối mặt với đợt bùng Covid-19 gần đây.
Ngày 26-8, đã có 320 ca nhiễm mới trên toàn quốc, trong đó có 202 ca ở khu vực Seoul. Con số này, mặc dù thấp hơn nhiều so với nhiều nước lớn khác, là một cú sốc đối với Hàn Quốc. Đất nước này đã trải qua một đợt bùng phát Covid-19 vào cuối tháng 2 và tháng 3, nhưng nhờ kịp thời triển khai rộng rãi xét nghiệm và sử dụng hệ thống theo dõi công nghệ cao, Seoul đã xử lý tốt tình hình. Chỉ 3 tuần trước, Hàn Quốc đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày ở mức hai con số. Hiện nay, số trường hợp nhiễm bệnh đã ở mức ba con số trong 13 ngày liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn diễn ra ở Seoul hôm 15-8, và vụ bùng phát hàng loạt tại nhà thờ Sarang Jeil, nơi có nhiều tín đồ tham gia vào các cuộc biểu tình. Khoảng 933 trường hợp lây nhiễm bắt nguồn từ nhà thờ này.
Hôm 26-8, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Se-kyun cho biết, chính quyền sẽ “xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với hành động tập thể này” để “bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của người dân”. Thủ tướng Chung cảnh báo sẽ áp dụng hình phạt "cao nhất" theo quy định của pháp luật đối với các bác sĩ tham gia đình công bất hợp pháp nếu họ không chấp hành lệnh yêu cầu quay trở lại làm việc. Phát biểu trước đó cùng ngày, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, các nhà chức trách cần phản ứng “mạnh mẽ”. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kang Min-seok cho biết, Tổng thống Moon Jae-in chỉ thị xử lý nghiêm cuộc đình công theo "đúng quy định của pháp luật" cùng với nỗ lực tiếp tục thuyết phục người biểu tình quay trở lại làm việc. Ông Moon Jae-in yêu cầu chính phủ đảm bảo điều hành hiệu quả hệ thống chăm sóc y tế khẩn cấp, không để phát sinh "lỗ hổng y tế".
AN BÌNH