Bác toàn bộ nội dung khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng
Đây là vụ kiện được dư luận quan tâm, bởi Cty Ngọc Hưng là doanh nghiệp trong “kỳ án” buôn lậu gỗ trắc xảy ra tại Quảng Trị và Đà Nẵng và đã được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vào ngày 26-7-2019; tuyên phạt ông Trương Huy Liệu (Phó Giám đốc Cty Ngọc Hưng) 7 năm tù và bà Trần Thị Dung (1961, Giám đốc Cty Ngọc Hưng) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Trong vụ án hình sự này còn có một số bị cáo khác.
Tại phiên xét xử vụ kiện, diễn biến liên quan vụ án hình sự trên được nhắc lại, trong đó tập trung nội dung ngày 17-12-2011, Cty Ngọc Hưng nhập khẩu 535,8m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam và ngày 19-12-2019 tiếp tục làm thủ tục xuất khẩu số gỗ trắc trên từ Việt Nam đi Hồng Kông. Khi đang làm các thủ tục hải quan để xuất khẩu tại Cảng Đà Nẵng thì lô hàng bị khám xét và tạm giữ. Tháng 4-2012, Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố đối với Công ty Ngọc Hưng về tội: “Buôn lậu” và chuyển cơ quan Công an điều tra.
Đáng chú ý, vật chứng trong vụ án này là hơn 535m3 gỗ đã bị bán đấu giá trước khi xét xử sơ thẩm với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Chính vì thế, các kết luận sau đó về xử lý vật chứng thay vì là gỗ thì liên quan số tiền trên. Tại nội dung bản án phúc thẩm trong phần xử lý vật chứng, TAND Cấp cao tuyên tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4,1 tỷ đồng (tương đương với hơn 78m3 gỗ là hàng buôn lậu); số vật chứng còn lại 59,6 tỷ đồng (làm tròn) được chuyển cho Tổng Cục Hải quan để xem xét, xử lý về hành vi vi phạm hành chính do Cty Ngọc Hưng khai sai với thực tế về tên hàng. Thực hiện bản án trên, Tổng cục Hải quan tiến hành các bước trình tự và ra Quyết định số 3241 (ngày 5-11-2019) tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với 59,6 tỷ đồng. Ngày 16-11-2019, Cty Ngọc Hưng nộp đơn khởi kiện Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan đối với Quyết định 3241 lên TAND tỉnh Quảng Trị.
Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nội dung khởi kiện đề nghị HĐXX xem xét hủy bỏ Quyết định số 3241; yêu cầu Tổng Cục Hải quan trả lại số tiền hơn 59 tỷ đồng cho Cty Ngọc Hưng; bồi thường thiệt hại đối với số tiền trên bị tạm giữ trong gần 4 năm với tiền lãi tính theo lãi suất cho vay kinh doanh (hơn 20 tỷ đồng).
Theo trình bày của Cty Ngọc Hưng, nội dung của Quyết định 3241 không đúng với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; không phù hợp với kết luận của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Cty Ngọc Hưng khẳng định hành vi nhập khẩu 535,8m3 gỗ trắc từ Lào vào Việt Nam và xuất khẩu lô gỗ trên từ Việt Nam sang Hồng Kông (Trung Quốc) là hoàn toàn hợp pháp, không vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan như cáo buộc của Tổng cục Hải quan.
Trình bày tại tòa, phía đại diện Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định Quyết định 3241 là hoàn toàn đúng trình tự và đúng luật. Theo đó, ngay sau khi có bản án của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, Tổng cục Hải quan đã gửi Công văn số 5911 đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng về việc đề nghị giải thích bản án và nhận được công văn số 217 trả lời vào ngày 2-10-2019, với nội dung: “Tổng cục Hải quan căn cứ vào bộ hồ sơ nhập khẩu lô gỗ (theo Tờ khai hàng hóa nhập khẩu số 1505/NK/KD/B033 ngày 17-12-2011) và bộ hồ sơ xuất khẩu lô gỗ (Theo Tờ khai hàng hóa xuất khẩu số 849/XK/KD/C32D ngày 19-12-2011) và các tài liệu có liên quan để xem xét, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực nhập khẩu, xuất khẩu gỗ của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng theo quy định”. Qua xác minh, Tổng cục Hải quan khẳng định hồ sơ khai hàng hóa nhập khẩu của Cty Ngọc Hưng không hợp lệ, như Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cấp cho lô gỗ nhập khẩu không đúng quy định… Cùng các căn cứ khác, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ra Quyết định 3241. Phía bị đơn đề nghị HĐXX bác nội dung khởi kiện của Công ty Ngọc Hưng.
Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị nêu rõ: căn cứ vào các tài liệu, chứng từ có đủ cơ sở xác định các tài liệu như vận đơn, hóa đơn vận tải đường bộ, phiếu đóng gói hàng, lý lịch gỗ mà Công ty Ngọc Hưng nộp kèm theo tờ khai nhập khẩu 1505 ngày 17-12-2011 cho Hải quan CK Lao Bảo để làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam không phải là bản chính do DN xuất khẩu ban hành; Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Trạm Kiểm dịch thực vật Lao Bảo cấp cho lô gỗ nhập khẩu không đúng quy định pháp luật... Theo VKS, Công ty Ngọc Hưng đã có hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động của hải quan và đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Trên cơ sở xem xét toàn diện tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, quá trình tranh luận tại tòa, TAND tỉnh Quảng Trị nhận định quyết định 3241 là đúng quy định. Từ đó tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Ngọc Hưng. Sau phiên tòa sơ thẩm, đương sự có quyền kháng cáo lên cấp phúc thẩm trong thời hạn quy định.
BẢO HÀ