Báo Công An Đà Nẵng

Lấp lánh tình thầy cô, tình đời

Bài 1: Chuyện ở Trường Tiểu học Ngô Mây

Thứ ba, 08/08/2017 10:14

Không hiểu sao, những mẩu chuyện góp nhặt trong quá trình đi thu thập tư liệu viết bài trước thềm năm học mới 2017-2018 khiến tôi xúc động, muốn viết một điều gì đó về những con người hết mực vì thế hệ tương lai...

Thầy Tạ Văn Cương - Hiệu Phó Trường Tiểu học Ngô Mây dạy Huyền Linh viết chính tả.     Ảnh: P.T

Đập vào mắt tôi khi bước vào phòng làm việc của thầy Tạ Văn Cương - Hiệu Phó Trường Tiểu học Ngô Mây (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) sáng ngày 4-8 là hình ảnh bé gái tầm 10 tuổi đang ngồi ghi chép bài vở. Thấy tôi bước vào, bé dừng tay bút cất tiếng chào và cho biết, thầy Cương vừa sang văn phòng trường có việc. Trên tấm bảng dùng để ghi chú công việc, lịch công tác của nhà trường, tôi chú ý đến tờ giấy ghi danh sách giáo viên đăng ký kèm theo lịch phân công thời gian dạy kèm cho một HS có hoàn cảnh đặc biệt (nhân vật sắp kể dưới đây). Trong đó, số buổi do thầy hiệu phó Tạ Văn Cương dạy chiếm phân nửa, còn lại là của 5 giáo viên khác.

Chuyện rằng, khoảng tháng 4-2017, một công dân sinh sống trên địa bàn P. Phước Mỹ phát hiện một bé gái người dân tộc thiểu số theo cha mẹ từ Nghệ An vào Đà Nẵng lập nghiệp, mới đến ở trọ tại tổ 13. Cháu đã 10 tuổi nhưng không đến trường học. Trăn trở trước hoàn cảnh này, anh báo cho lãnh đạo UBND Q. Sơn Trà biết. Tiếp nhận thông tin từ lãnh đạo UBND quận, Trưởng Phòng GD-ĐT Sơn Trà gọi điện ngay lãnh đạo Trường Tiểu học Ngô Mây yêu cầu xác minh, nếu đúng có trường hợp này thì phải tạo điều kiện đưa em ra lớp dạy kèm để biết đọc, biết viết rồi cho học hòa nhập.

Qua xác minh, Trường Tiểu học Ngô Mây xác nhận thông tin trên là có thật. Bé tên Lô Thị Huyền Linh, 10 tuổi, dân tộc Thái, quê ở H. Tương Dương, Nghệ An. Hoàn cảnh bé Linh khá đặc biệt, cha mẹ chia tay khi em còn rất nhỏ. Sau đó, mẹ em đi bước nữa với một người dân tộc ở địa phương. Do cuộc sống khó khăn, gia đình mới của bé Linh thường xuyên di chuyển nơi ở để mưu sinh nên em không có điều kiện được đến trường... Thầy  Tạ Văn Cương cùng tổ trưởng dân phố đến vận động gia đình cho em ra lớp. Ban đầu, mẹ và cha dượng không mặn mà lắm với việc cho bé ra lớp. Nhưng trước sự nhiệt tình, hết lòng vì con trẻ của thầy Cương, gia đình đã đồng ý. Thế là, bé Linh được đến Trường Tiểu học Ngô Mây để học. Ngoài việc dạy kèm cho em biết đọc, viết, làm toán, nhà trường còn tạo điều kiện cho em ăn ở bán trú miễn phí. Hè về, ngày 2 buổi, Linh lại đến trường để thầy Cương cùng các cô giáo khác dạy kèm học. Đến nay, em đã đọc thông, viết thạo...

Nhớ lại những ngày đầu đưa em ra lớp, thầy Cương bùi ngùi thương cảm: “Hôm đến nhà trọ tìm hiểu về trường hợp của cháu, tôi thương không chịu nổi. Ba mẹ cháu đều là người dân tộc, nay đây mai đó để mưu sinh nên không mấy quan tâm đến việc học hành của cháu... Sau hơn 4 tháng được các thầy cô trong trường dạy kèm đặc biệt, từ chỗ không biết đọc, biết viết, đến nay cháu Linh đã đọc thông, viết thạo, viết chính tả tốt, có thể qua được chương trình lớp 2. Riêng môn Toán chưa thật sự ổn. Vì vậy, nhà trường sẽ tiếp tục dạy kèm đặc biệt hết hè này để cháu “cứng cáp” rồi sẽ cho học hòa nhập chương trình lớp 2 trong năm học mới 2017-2018”.

Nhìn cuốn vở của bé Linh với những nét chữ cứng cáp, đẹp lên từng ngày, tôi cảm nhận được tình thương yêu, sự kiên trì, nhẫn nại của thầy Cương, cô Phượng, cô Hồng, cô Chinh, cô Hà, cô Kiều - những người đảm trách nhiệm vụ dạy cho em trong suốt 4 tháng qua. Chia sẻ cảm xúc được vào học tại trường Ngô Mây, bé Linh bộc bạch: “Hồi ở quê, cháu được mẹ cho đi học mẫu giáo, học thêm hè để chuẩn bị vào lớp 1. Nhưng sau đó, bố mẹ dắt nhau đi làm ăn xa, cháu không được đến trường nên dần quên mặt chữ. Vào đây học, cháu được thầy Cương, cô Nga hiệu trưởng và các thầy cô trong trường thương lắm, cho sách vở, được dạy học và tham gia các hoạt động khác. Cháu thích lắm, muốn học giỏi hết các môn tiếng Việt, Toán... Cô Nga, thầy Cương nói phải học giỏi thì sau này mới bớt khổ!”.

Nhân nói về trường hợp bé Linh, cô Trần Thị Thu Nga (Hiệu trưởng) không ngớt lời kể về sự quan tâm của người đã cung cấp thông tin cho lãnh đạo quận để từ đó có sự chỉ đạo, quan tâm kịp thời, giúp cháu được đến trường học chữ. “Nghe đâu anh ấy làm trong lĩnh vực xây dựng.  Sau khi cháu được vào học tại đây, biết nhà trường quan tâm, tạo điều kiện cho cháu ăn ở bán trú miễn phí vì gia cảnh quá khó khăn, anh ấy đã đến trường gửi tiền ủng hộ... Chúng tôi lấy làm cảm kích, xúc động trước sự quan tâm của anh ấy, một người không công tác trong ngành sư phạm nhưng rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục!”, cô Nga chia sẻ.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây, bé Linh không phải là trường hợp đặc biệt duy nhất mà trường tiếp nhận. Nhiều năm trở lại đây, trường thường xuyên tiếp nhận những HS theo cha mẹ từ các tỉnh khác đến Đà Nẵng mưu sinh. Có nhiều trường hợp cha mẹ ly hôn, con theo mẹ hoặc cha đến tạm trú tại địa bàn phường, làm nghề phổ thông. Những trường hợp này thường không ổn định chỗ ở, nay tạm trú chỗ này, mai tạm trú chỗ kia. Nếu làm ăn không được, họ lại dắt díu nhau đi. “Có không ít trường hợp sau khi xin cho con nhập học được một thời gian thì họ rời khỏi địa phương nhưng không đến trường rút hồ sơ, không thông báo cho nhà trường biết. Điều này gây không ít khó khăn trong công tác quản lý. Dù vậy, quan điểm của tập thể hội đồng sư phạm trường Ngô Mây vẫn tiếp nhận, tạo điều kiện để những trường hợp HS có hoàn cảnh như trên được vào nhập học. Bởi, nếu trường nào cũng chỉ muốn nhận những cháu có gia cảnh tốt thì những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương như em Linh và nhiều em khác nữa sẽ học ở đâu? Điều chúng tôi mong là cha mẹ các cháu làm ăn được để không phải di chuyển đi nơi khác. Có như thế các cháu không phải bị thất học”, cô Thu Nga trăn trở.

Qua trao đổi với bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Sơn Trà, được biết, một trong những thuận lợi nhất của ngành GD-ĐT quận là luôn được sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền địa phương, các cấp, ngành đóng trên địa bàn. Chính sự quan tâm đó đã tạo thêm động lực để đội ngũ những người làm công tác giáo dục Sơn Trà hăng hái thi đua dạy tốt.

(còn nữa)

P.THỦY