Báo Công An Đà Nẵng

KỶ NIỆM 59 NĂM THÀNH LẬP THÔNG TẤN XÃ GIẢI PHÓNG (12-10-1960 – 12-10-2019)

Bài 1: Thông tấn xã Giải phóng: Cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của cách mạng miền Nam

Thứ sáu, 11/10/2019 17:38

Ngày đầu thành lập

Hiệp định Genève tạm thời chia Việt Nam thành hai miền do hai chính thể quản lý để chờ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ và có sự chỉ đạo của Mỹ, ra sức phá hoại Hiệp định Genève, từ chối hiệp thương với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam trong thời hạn 2 năm theo điều khoản của Hiệp định. Nhằm duy trì chế độ bù nhìn, phản động của mình, Mỹ - Diệm ra sức đàn áp những người yêu nước và phong trào cách mạng ở miền Nam.

Phòng thu - phát tin, ảnh của TTXGP tại chiến khu.

* Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng quý giá cho TTXGP và hơn 200 cá nhân. Năm 1968, Trung ương cục miền Nam khen tặng TTXGP 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Những đóng góp to lớn và sự hy sinh cao cả của các thế hệ phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP là nét son chói lọi tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của TTXVN đã 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Nam và từ yêu cầu tất yếu của cách mạng trong tình hình mới, năm 1960 cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Sau chiến thắng Tua Hai (26-1-1960) Tây Ninh, cơ quan Xứ ủy Nam kỳ dời về căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) và xúc tiến việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Để phục vụ cho việc tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn Xứ ủy đã giao đồng chí Đỗ Văn Ba, nguyên cán bộ phụ trách Chi nhánh Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) Nam Bộ trong thời kháng chiến chống Pháp chịu tránh nhiệm về nhân sự, phương tiện kỹ thuật chuẩn bị cho sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).

Ở Khu V, tiếp nhận nghị quyết của Trung ương, lãnh đạo Liên khu ủy V đã đề nghị Ban Tổ chức Trung ương làm việc với lãnh đạo VNTTX điều động đồng chí Võ Thế Ái (quê ở Đà Nẵng đã từng làm thông tin, báo chí ở Khu V trong thời kỳ chống Pháp) là người đầu tiên của VNTTX được cử vào chiến trường từ năm 1959 làm phụ trách TTXGP Trung Trung Bộ.

Đúng 19 giờ, ngày 12-10-1960 tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15 wat, TTXGP đã phát đi bản tin đầu tiên của mình mang hộ hiệu LPA (Libération Press Agency), công bố chính thức với quốc dân đồng bào và nhân dân trên thế giới sự ra đời của TTXGP (gọi tắt là Giải phóng xã). Từ đó, ngày 12-10 trở thành Ngày truyền thống của TTXGP. TTXGP là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam Việt Nam.

Về cơ cấu tổ chức của TTXGP có bộ phận Tổng xã ở chiến khu Dương Minh Châu (địa bàn trú đóng của Trung ương cục miền Nam - thường gọi là R thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh); bộ phận TTXGP Trung Trung Bộ ở Quảng Nam và các phân xã ở các khu vực trong toàn miền Nam. Tại Tổng xã của TTXGP có các bộ phận: Nghiệp vụ tin, ảnh, kỹ thuật điện báo, đào tạo. Ngoài ra còn có bộ phận chuyên trách theo dõi, tổng hợp nguồn tin của các Hãng Thông tấn trên thế giới, như: AP (Mỹ), Reuter (Anh), AFP (Pháp), Kyodo (Nhật)… để làm tin tham khảo, làm báo cáo nội bộ phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo… Trong từng bộ phận cũng chia thành nhiều đơn vị chuyên sâu, như: Bộ phận Nghiên cứu tổng hợp, Văn phòng và Tài vụ, Thông tin và Tư liệu, Phòng nhiếp ảnh, Phòng tin Thế giới, Phòng tin Trong nước, Phòng tin Đối ngoại, Phòng tin Quân sự, Phòng tin Chính trị, Phòng tin Binh vận... Ngoài ra, ở Tổng xã của TTXGP còn có bộ phận điện đàm đặc biệt phục vụ riêng cho Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.

Không ngừng phát triển

Ngoài Tổng xã tại Trung ương Cục miền Nam, TTXGP còn xây dựng các phân xã ở khắp miền Nam, trong đó lực lượng đông và hoạt động mạnh nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ, khu Sài Gòn - Gia Định, Tây Nam Bộ, Trung Trung Bộ… Hệ thống phân xã này chịu sự quản lý trực tiếp về nhân sự, sinh hoạt Đảng, Đoàn của Ban Tuyên huấn các khu, tỉnh, thành phố từ Cà Mau đến Quảng Trị. Cùng đó, TTXGP cũng có bộ phận thông tấn thuộc Cục Chính trị quân Giải phóng Miền. Ở cả Nam Bộ và Trung Bộ, TTXGP còn có hệ thống các Đài minh ngữ, ngoài đáp ứng yêu cầu truyền tải tin tức phục vụ lãnh đạo cách mạng ở các tỉnh Liên khu, Đài thường xuyên làm nhiệm vụ truyền về Tổng xã tin, bài của các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng về tình hình chiến trường...

Các phân xã khác được bố trí từ  1- 2 báo vụ là lực lượng trực tiếp truyền tin, ảnh từ cơ sở, nhất là thông tin nóng từ các chiến trường miền Nam cho Tổng xã phát trên các bản tin hàng ngày của TTXGP và cung cấp trực tiếp cho VNTTX ở Hà Nội, Đài phát thanh Giải phóng… Từ năm 1965 trở đi, lực lượng TTXGP tăng nhanh cả về làm thông tin cũng như về kỹ thuật nhờ các nguồn… Năm 1972, khi mặt trận Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt thì lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP được tăng cường rải khắp từ Quảng Trị đến Bình Thuận, lên Kon Tum, Buôn Mê Thuột dọc theo Trường Sơn. Vì vậy, trước trận đánh mở màn giải phóng Buôn Mê Thuột thì lực lượng tại chỗ của TTXGP ở Tây Nguyên đã có không dưới 10 phóng viên và kỹ thuật viên kịp thời theo sát các cánh quân của chiến dịch. Đến năm 1973, TTXGP có số lượng gần 450 phóng viên, kỹ thuật viên ở khắp các chiến trường, nhiều người có trình độ đại học.

Hơn 15 năm ra đời và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tổng xã của TTXGP đã phải thay đổi căn cứ hàng chục lần. Khi ở chiến khu Tây Ninh (năm 1960), lúc dời sang Mã Đà (địa phận Đồng Nai) thuộc Chiến khu Đ (đầu năm 1961)  rồi quay lại Tây Ninh (cuối năm 1961); có lúc ở giáp biên giới Campuchia và thậm chí còn ở tạm trên đất Campuchia khi Mỹ mở rộng chiến tranh Đông Dương (năm 1971) và chuyển về lại Tây Ninh sau khi ký Hiệp định Paris (năm 1973). Bộ phận TTXGP Trung Trung Bộ ở Khu V cũng phải dời địa điểm nhiều lần theo Ban Tuyên huấn Khu ủy V, lúc ở Tắk Pỏ, Nước Là, khi thì ở Sông Thanh, H. Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1970 đến đầu năm 1973 chuyển theo Khu ủy V về Nước Oa, H. Trà My; giữa năm 1973 đến tháng 3-1975, TTXGP Trung Trung Bộ lại chuyển đến trú đóng gần Khu ủy V tại xã Phước Trà, H.  Phước Sơn (nay là xã Sông Trà, H. Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam), sau đó cùng với các cánh quân tiến về giải phóng, tiếp quản Đà Đẵng ngày 29-3-1975.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn, ròng rã suốt 15 năm sống, chiến đấu trên chiến trường miền Nam vô cùng gian khổ ác liệt, được sự đùm bọc, che chở của quân và dân các địa phương, chỉ với “vũ khí” thường trực là cây bút, chiếc máy ảnh, máy thu phát 15W, dưới mưa bom bão đạn của những trận rải thảm B52, bom tọa độ, các phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP vẫn kiên cường bám trụ để chụp ảnh, viết tin ghi lại những hình ảnh, sự kiện nóng hổi ở chiến trường, góp phần cổ vũ, động viên kịp thời quân dân miền Nam anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, TTXGP đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, theo số liệu chưa đầy đủ, TTXGP có 211 nhà báo hy sinh. Đây là tổn thất lớn, cũng là niềm tự hào, là truyền thống dũng cảm kiên cường của các nhà báo TTXGP- những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, đã góp sức cùng toàn quân, toàn dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, đưa giang sơn thu về một mối.

Ngày 12-5-1976, TTXGP được vinh dự sáp nhập với VNTTX, trở thành hãng thông tấn mới của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mang tên: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Hai Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên là những đơn vị thuộc TTXVN được Tổng Giám đốc TTXVN ủy quyền quản lý, chỉ đạo mọi hoạt động của 34 cơ quan thường trú và hơn 20 đơn vị khác thuộc TTXVN trên địa bàn quản lý trước đây của TTXGP. Hai cơ quan khu vực này đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đầy tự hào của TTXGP; góp phần xây dựng TTXVN ngày càng phát triển mạnh, luôn xứng đáng là cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước.

(còn nữa)

NGÔ ANH VĂN

(Bài viết sử dụng nguồn tư liệu của TTXVN)