Bài 2: Cuộc chiến cam go
Ám ảnh lừa đảo qua mạng
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (1987, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết đã có đơn trình báo gửi Công an TP Đà Nẵng sau khi bị lừa đảo qua mạng mất hơn 5 tỷ đồng. Chị Hương kể, đối tượng tự xưng là "cán bộ Công an quận Hải Châu" đe dọa, cáo buộc "tham gia, là đồng phạm với nhóm rửa tiền, buôn bán ma túy" và yêu cầu chị khai báo lý lịch, quá trình làm việc, di chuyển, các tài khoản ngân hàng và số tiền có trong tài khoản… Sau đó, đối tượng sử dụng thông tin do chị cung cấp để làm giả văn bản "Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản" của Viện KSND tối cao, đe dọa, gây áp lực, không cho chị liên lạc với người khác. Vì quá sợ hãi chị Hương bắt đầu nghe theo lời của đối tượng. Đối tượng tiếp tục hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng có tên là "Phần mềm bảo mật" có logo Bộ Công an. Thực ra đây là ứng dụng có chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại của chị Hương, sau đó thực hiện chiếm đoạt số tiền 5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của chị.
Thủ đoạn giả mạo tài khoản mạng xã hội, dùng công nghệ Al giả cuộc gọi video để mượn tiền, nhờ chuyển tiền hiện diễn ra phổ biến khiến nhiều người sập bẫy, nhất là người lớn tuổi. Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn- Phó trưởng Công an quận Sơn Trà cho biết, đơn vị vừa đấu tranh làm rõ Ngô Minh Khang (24 tuổi, trú Quảng Trị) có hành vi giả tài khoản facebook của người khác để lừa đảo. Cụ thể, Khang lên mạng tìm hiểu biết anh Nguyễn Văn Tuấn (49 tuổi, trú Quảng Trị) có con gái Nguyễn Thị Quỳnh (23 tuổi) sử dụng tài khoản facebook "Quỳnh Nguyễn" đang đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản nên đã lập tài khoản facebook giả của Quỳnh rồi nhắn số tài khoản để anh Tuấn chuyển tiền (số tài khoản này Khang nhờ người khác lên mạng thuê lại với giá 18% tổng số tiền nhận chuyển khoản). Tin tưởng đó là con gái mình nên anh Tuấn đã chuyển khoản 30 triệu đồng và bị Khang chiếm đoạt.
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Thành- Phó trưởng phòng ANM Công an TP Đà Nẵng, việc thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng là một trong những hành vi "tiếp tay" cho tội phạm mạng lợi dụng, thực hiện các hành vi lừa đảo. Vừa qua, đơn vị đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn một vụ mở phong tỏa tài khoản ngân hàng để rút số tiền 1 tỷ đồng. Chủ tài khoản này là Huỳnh Đình Hiếu (1994, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Tuy nhiên trước đó, tài khoản này nằm trong số 108 tài khoản ngân hàng mà Ngô Thanh Mạnh (1997, trú Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã mua để bán qua mạng xã hội cho một đối tượng tên Sáng ở Bình Định, đi lòng vòng trên mạng và trở thành điểm tiếp nhận "tiền bẩn" của các đối tượng tội phạm. Khi tài khoản này bị phong tỏa thì Nguyễn Tấn Tôn (2003, trú Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được thuê đến Đà Nẵng tìm chủ tài khoản là Hiếu để mở phong tỏa. Tôn nói với Hiếu mình là "Công an" yêu cầu Hiếu hợp tác rút số tiền trên. Nhưng cả hai vừa tới một chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng mở phong tỏa thì bị ngăn chặn. Điều đáng nói, qua mở rộng điều tra, chính Tôn cũng có hành vi thu thập, mua gần 400 thông tin tài khoản ngân hàng để bán lại trên mạng xã hội.
Những "cú đấm thép"
Trên không gian mạng, tội phạm hoạt động "tín dụng đen" và đánh bạc thông qua hình thức cá độ bóng đá hiện rất nóng bỏng. Trung tá Trần Ngọc Thành- Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng cho biết, loại tội phạm này thường hoạt động theo đường dây, băng nhóm trên mạng, có tổ chức chặt chẽ và hậu quả gây ra rất lớn. Từ "tín dụng đen" đã kéo theo nhiều tội phạm khác như cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái phép hoặc đe dọa, uy hiếp, khủng bố tinh thần để đòi nợ. Do vậy, đây là những loại tội phạm mà lực lượng Cảnh sát hình sự Đà Nẵng tập trung trấn áp mạnh, quyết liệt, với nhiều chuyên án được xem như những "cú đấm thép". Nổi bật nhất mới đây, từ thông tin một người dân ở Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu vay tiền trực tuyến qua ứng dụng di động với lãi suất trên 500%/năm, đơn vị đã vào cuộc điều tra và phát hiện ra đường dây "tín dụng đen" quy mô hoạt động cả nước do Wang YunTao (quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu với số tiền cho vay gần 9.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 2.500 tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng, không ít gia đình tán gia bại sản chỉ vì có người vướng vào cá độ bóng đá qua mạng. Trường hợp của Nguyễn Văn Hoàng (1983, trú quận Thanh Khê) là một ví dụ. Vì tham gia đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng mà Hoàng đã phải bán nhà trên đường Huỳnh Ngọc Huệ, 2 ô-tô cho thuê dịch vụ du lịch, đẩy vợ và 2 con nhỏ phải ra ở nhà trọ. Chưa dừng ở đó, Hoàng tiếp tục vay mượn người thân, rồi vay "tín dụng đen" để "gỡ lại những gì đã mất". Nhưng càng gỡ, càng dấn sâu, càng thua… đến nay Hoàng đã bỏ trốn khỏi địa phương để tránh các đối tượng đe dọa, khủng bố tinh thần…
Trung tá Trần Ngọc Thành kể, có những đường dây cá độ bóng đá khi bị triệt xóa thống kê số tiền đánh bạc lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đơn cử như đường dây đánh bạc hơn 470 tỷ đồng bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng do Đinh Văn Công Thanh (1983, trú P.Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cùng đồng bọn đứng ra tổ chức. Hoặc đường dây cá độ bóng đá qua mạng do Bùi Mạnh Trí (1985, trú P. An Khê, Q. Thanh Khê) cầm đầu với số tiền đánh bạc hơn 10 ngàn tỷ đồng.
Có thể nói, chống tội phạm qua mạng là hành trình cam go, nhất là tội phạm lừa đảo, tín dụng đen, đánh bạc và tổ chức đánh bạc…Việc tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với những "cú đấm thép" đã trấn áp, răn đe, góp phần đẩy lùi loại tội phạm này trên địa bàn.
(còn nữa)
HẢI QUỲNH