Bài 2: Hỗ trợ doanh nghiệp đừng để có “phao” khó với
Nhiều doanh nghiệp được tiếp sức
Bà Lương Anh Thư, Giám đốc Công ty Central Việt Nam cho biết, từ khi sản xuất xà bông và nến thơm Hiyourarm, DN đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố. Cụ thể, DN được hỗ trợ tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP, hỗ trợ chi phí tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kết nối với các siêu thị phân phối sản phẩm, hỗ trợ thiết kế in ấn bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm nến thơm Hiyourarm vừa được chứng nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao cấp thành phố, được nhiều cơ quan, đơn vị của thành phố đặt mua làm quà tặng trong nhiều sự kiện lớn, nổi bật như Liên hoan phim Châu Á tại Đà Nẵng. Theo bà Thư, nhờ tiếp cận được chính sách hỗ trợ từ thành phố mà sản phẩm của DN được lan tỏa nhanh hơn, doanh thu tăng từ 800 triệu đồng năm 2022 lên khoảng 1,4 tỷ đồng năm 2023, duy trì việc làm ổn định gần 10 lao động.
Đà Nẵng đang thực hiện 38 chính sách hỗ trợ DN của Trung ương và 17 chính sách riêng có của thành phố. Một số chính sách kịp thời đến với DN phần nào tiếp sức để DN vượt khó, duy trì sản xuất kinh doanh. Nổi bật như chính sách giảm tiền thuê đất với DN bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 3 năm với tổng số tiền gần 280 tỷ đồng. Ông Cao Trí Dũng cho biết, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch, các chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch khá hiệu quả. Khi xảy ra đại dịch, Đà Nẵng có 56.200 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm số lượng lao động trực tiếp rất lớn. Để hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khó khăn, thành phố đã linh hoạt triển khai các chính sách hỗ trợ như giảm tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng, tiền điện, nước cho các cơ sở lưu trú, hỗ trợ lao động mất việc, hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng chính sách, miễn giảm phí tham quan các điểm du lịch…
Không chỉ tiếp sức bằng kinh phí, việc tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, quy hoạch cũng được thành phố triển khai tích cực thời gian qua. Đơn cử tại quận Sơn Trà, dự án Khu đô thị Capital Square 2 (diện tích 3,2ha, tổng vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng) và Capital Square 3 (rộng hơn 2,9 ha, tổng vốn hơn 1,8 ngàn tỷ đồng) vướng mắc về thủ tục đất đai nhiều năm hiện đã được tháo gỡ. Bên cạnh đó 8 dự án lớn khác hiện đã có phương án thu nghĩa vụ tài chính, bước quan trọng để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai, nổi bật như Khu du lịch biển Dap 1, Dap 2; The Nam Khang Resort; Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp Empire (phân khu số 1 và 2); Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn Hyatt; Tháp Đà Nẵng. Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, những dự án bị “mắc kẹt” liên quan đến các kết luận thanh tra, bản án nếu được tháo gỡ sẽ khơi thông nguồn lực phát triển ước tính 100 ngàn tỷ đồng. Thành phố đã tập trung triển khai hàng loạt giải pháp quan trọng để tháo gỡ, riêng năm 2023 đã khơi thông nguồn lực đầu tư gần 60 ngàn tỷ đồng, quý I năm 2024 đã thu hút nguồn lực đầu tư gần 13 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, 32 dự án, khu đất khác tiếp tục được thành phố thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Vẫn còn những rào cản
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng cho biết, để tiếp sức DN không nhất thiết bằng kinh phí, quan trọng là cách làm, quy trình thủ tục, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Việc đồng hành cùng DN phải thực chất, phải thấy rõ vì sao GRDP Đà Nẵng liên tiếp sụt giảm để cùng nhau vực dậy. Hiện nay thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ DN (17 chính sách đặc thù) nhưng dàn trải nhiều lĩnh vực, nguồn lực hạn chế, điều kiện đưa ra khiến DN khó tiếp cận, nên chưa thực sự đồng hành, tiếp sức đúng nghĩa. Theo ông Phúc, để các chính sách hỗ trợ DN thiết thực, hiệu quả thì cộng đồng DN cần được tham vấn xây dựng trước khi ban hành chính sách. Bà Phan Như Yến cũng chia sẻ, DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn đã yếu thế mới cần chính sách hỗ trợ, vậy nhưng điều kiện đưa ra để được hưởng hỗ trợ quá cao và rườm rà, DN không đáp ứng được. Đơn cử để được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cần tài sản bảo lãnh, DN siêu nhỏ rất khó đảm bảo. Ngân hàng còn cho vay tín chấp, vì sao Quỹ Đầu tư phát triển thành phố không thể áp dụng được?
Trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng Lương Công Tuấn nói, các cơ quan đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ DN còn chưa mạnh dạn. Có nhiều trường hợp Trung ương cho phép mức hỗ trợ cao hơn nhưng lại đề xuất mức thấp hơn. Đơn cử như hỗ trợ kinh phí cho DN xúc tiến đầu tư, Trung ương cho phép tới 195 triệu đồng nhưng thành phố đề xuất không quá 45 triệu đồng. Cũng theo ông Tuấn, nhiều chính sách của thành phố mức hỗ trợ rất thấp trong khi điều kiện, thủ tục ràng buộc nhiều, công sức bỏ ra để thực hiện lớn nên DN không mặn mà tiếp cận. Đơn cử kinh phí hỗ trợ đi nước ngoài dự hội trợ triển lãm xúc tiến thương mại ở Châu Âu 40 triệu đồng, Châu Á 20 triệu đồng. Ông Tuấn nói: Thủ tục hồ sơ, điều kiện rườm rà, phức tạp. Để được giải ngân số tiền này trăm vạn lần khổ. Vì vậy phải rà soát lại, bỏ bớt thủ tục rườm rà, không cần thiết, tránh tình trạng vừa ban hành chính sách vừa rào lại chính sách. Không khéo chính sách ban hành hay mà rào cản về điều kiện, thủ tục nên mãi nằm trên giấy.
Việc rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN hiện nay rất cần thiết. Những chính sách nào hiệu quả cần tích hợp lại, nới lỏng các điều kiện để DN thực sự tiếp cận được, tạo động lực, tiếp sức DN vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển. Ông Phạm Bắc Bình nói: “Thành phố cần đánh giá lại các chính sách này, cái nào chưa hiệu quả thì mở ra tiêu chí cho DN tiếp cận, không được nữa thì hủy, soạn chính sách khác. Chứ nếu nhìn qua thấy Đà Nẵng quá nhiều chính sách nhưng bản thân không mấy DN tiếp cận được, thành ra mất niềm tin”.
(Còn nữa) HẢI QUỲNH