Báo Công An Đà Nẵng

Hiểm họa ma túy

Bài 2: Phía sau những lần “ngáo đá”

Thứ tư, 16/08/2017 10:26

Ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam (xã Sông Trà, H. Hiệp Đức) có hàng trăm thanh thiếu niên đang được điều trị để từ bỏ ma túy. Mỗi học viên ở đây là một câu chuyện đau lòng về tác hại của ma túy.

Giám đốc Nguyễn Thành Trung (trái) trò chuyện với học viên trong Cơ sở cai nghiện tỉnh Quảng Nam.

Đến Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam, tôi tình cờ gặp lại nhân vật trong một bài viết của mình cách đây gần 1 năm, đó là Huỳnh Bá Minh (25 tuổi, trú xã Điện Dương, TX Điện Bàn). Không giống như trước, bây giờ Minh đã có thể tự chủ được hành vi của mình và điềm tĩnh ngồi may giày, một sự tiến bộ đáng mừng mà trước đây gia đình Minh mong chờ không có được. Từ khi Minh dính vào ma túy đá thì gia đình em chẳng lúc nào yên. Suốt ngày bỏ đi đâu không rõ, nhưng sau mỗi lần sử dụng ma túy đá là Minh về nhà đập phá tài sản, từ bàn ghế đến tivi. Không ít lần sử dụng lượng ma túy lớn, Minh rơi vào tình trạng “ngáo đá” biến thành con người hoàn toàn khác. “Lúc bình thường nó ngoan hiền lắm, nhưng mỗi khi nó dùng ma túy thì như người điên, la hét, đập phá tài sản trong nhà, tưởng tượng có người đuổi đánh mình. Gia đình khuyên đủ đường mà nó không nghe, nhiều khi nó còn trộm tiền để chơi ma túy” - ông P. (bố của Minh) chia sẻ với tôi.

Thấy con lâm vào con đường ma túy, gia đình ông P. đã đưa Minh ra Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chữa trị, sau một tháng, khi không còn tình trạng ảo giác thì Minh được đưa trở về nhà. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó Minh lại theo bạn chơi ma túy đá. “Có khi em chơi cả ngày, không có tiền thì mấy đứa cùng góp vào để chơi” - Minh nhớ lại. Dùng ma túy đá liên tục nên trí não của Minh ảnh hưởng, bị ảo giác và về quậy phá gia đình. Hết chịu nổi với sự điên dại của con, gia đình ông P. nhờ đến lực lượng CA giúp đỡ và sau đó CATX Điện Bàn đã lập hồ sơ đưa Minh vào cai nghiện bắt buộc. Vào cơ sở cai nghiện, Minh phải mất mấy tháng mới dần lấy lại được trạng thái bình thường. Anh Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Cơ sở cai nghiện tỉnh Quảng Nam kể: “Minh bị ảo giác nặng, lúc nào cũng nói mình là cao thủ võ lâm, chuyên đi đánh nhau. Khi mới vào Minh còn bẻ thanh giường làm kiếm, dùng chiếu đan thành bao kiếm rồi đeo vào người đi khắp nơi trong cơ sở. Bây giờ thì Minh đã khá hơn, tuy nhiên đôi khi vẫn còn những hành vi vô thức”.

Không riêng gì Minh, rất nhiều thanh thiếu niên khác khi vào cơ sở cai nghiện đều phải chật vật vượt qua những lần lên cơn và đó là khoảng thời gian khó khăn đối với những thầy cô trong cơ sở cai nghiện. Anh Trung cho biết, các học viên mới vào trại thường bị ảo giác nặng, nhất là những người sử dụng ma túy đá. “Trong 6 tháng đầu năm 2017, tại Cơ sở xảy ra 17 vụ vi phạm của các học viên, trong đó xảy ra các trường hợp đánh nhau, tự vẫn và xúc phạm cán bộ. Những trường hợp này phần lớn đều do các học viên bị ảo giác, khi được điều trị cắt cơn nghiện nhưng rất may là các vụ việc đều được ngăn chặn kịp thời. Các học viên sử dụng ma túy đá khi lên cơn thường có xu hướng bạo lực hoặc hủy hoại bản thân. Có trường hợp cán bộ cơ sở yêu cầu đi nhặt lá rụng thì học viên này lại trèo lên cây hái hết lá cây. Hay chuyện một thiếu niên về nhà xin tiền bà nội để tiếp tục đi mua ma túy đá, bà nội không cho thì cầm dao đuổi chém. Thế nên giai đoạn đầu cai nghiện cho học viên là rất khó khăn và nguy hiểm” - anh Trung nói.

Các học viên Cơ sở cai nghiện Quảng Nam tham gia hoạt động thể thao.

Trò chuyện với tôi, em Ph. (19 tuổi, trú H. Thăng Bình) kể đã từng trải qua những cơn “ngáo đá” như vậy. “Lúc trước nghe bạn bè nói về ma túy đá nên em cũng muốn thử một lần cho biết, không ngờ sau đó nghiện. Mỗi lần chơi là sau đó em bị ảo giác. Bây giờ nhớ lại em mới thấy sợ” - Ph. tâm sự. 19 tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra phải đang lo học hành, tìm kiếm tương lai thì nay Ph. lại đang chật vật cai nghiện. Tuổi trẻ của Ph. đã mất đi một khoảng thời gian vô nghĩa. Còn đối với anh B. (35 tuổi, trú H. Phước Sơn) thì cuộc đời có phần bi kịch hơn. Đi làm vàng ở nhiều cánh rừng Phước Sơn và để khỏa lấp nỗi sầu, anh B. đã dùng heroin và chẳng lâu sau đó anh đã mắc phải căn bệnh HIV. “Từ ngày biết mình nhiễm bệnh, tôi càng chán nản, rồi lại nghiện hút nhiều hơn. Vợ con tôi đã về quê sinh sống, còn tôi vào cai nghiện bắt buộc. Bây giờ tôi mất tất cả” - anh B. rơm rớm nước mắt kể về hoàn cảnh của mình.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam) thì hiện tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy và người sử dụng trái phép các chất ma túy trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số đối tượng. Qua rà soát thống kê của các địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 1.857 người sử dụng trái phép chất ma túy, 17/18 huyện, thị xã, thành phố có người sử dụng trái phép chất ma túy (chiếm tỷ lệ 94%). Thành phần người nghiện ma túy chủ yếu tập trung vào nhóm trẻ có độ tuổi 16-30 tuổi, nếu như số ma túy bị phát hiện trong những năm trước đây chủ yếu là thuốc phiện, cần sa thì trong những năm gần đây chủ yếu ma túy tổng hợp. Hiện số học viên có mặt tại Cơ sở cai nghiện là 129 người, do khả năng tiếp nhận của Cơ sở cai nghiện còn hạn chế, chỉ đủ diện tích để quản lý số học viên hiện có nên không thể tiếp nhận thêm học viên mới.

Tâm sự về công tác giúp học viên cai nghiện, anh Trung chia sẻ, có không ít học viên chỉ sau vài tháng trở về địa phương thì lại tái nghiện. “Sau khi về lại địa phương, các học viên rất dễ bị tái nghiện, bởi sự kỳ thị của xã hội và cả công tác quản lý sau cai còn khó khăn. Tôi cho rằng, cần phải có sự giúp đỡ và cảm thông từ gia đình, xã hội đối với người nghiện, bởi chỉ có thế mới giúp họ quay trở lại con đường thiện và chỉ có thế mới giảm được thực trạng ma túy ở các làng quê” - anh Trung chia sẻ.

HOÀNG ANH