Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện ghi ở Hòa Xuân

Bài 4: Đã trọn lý, vẹn tình

Thứ năm, 10/08/2017 11:09

Tính đến nay, mặc dù lãnh đạo thành phố và Q. Cẩm Lệ đã hàng chục lần trực tiếp đối thoại, giải thích; các bộ, ngành Trung ương như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra Chính phủ cũng đã kiểm tra, rà soát việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ; sau đó Thủ tướng đã có ý kiến không chấp nhận những khiếu nại của các hộ dân Cồn Dầu tại Công văn 2619 ngày 16-4-2015. Tuy nhiên, bất chấp ý kiến kết luận ấy, số ít hộ dân này vẫn bất hợp tác và thiếu thiện chí, cố tình không chấp hành...

Dự án khu ĐTST ven sông Hòa Xuân sẽ không được kết nối cơ sở hạ tầng,
đồng nghĩa với việc sẽ chậm tiến độ nếu mấy chục hộ dân còn lại không chịu di dời.  
Ảnh: D.HÙNG

Không phải chỉ ngày một ngày hai, mà dai dẳng từ ngày đầu triển khai Dự án đến nay, số ít hộ dân này vẫn cương quyết tỏ thái độ bất hợp tác, mặc cho các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương nhiều lần đối thoại, cố gắng tìm giải pháp và tiếng nói chung trên tinh thần trọn lý, vẹn tình... Liên quan đến vấn đề này, ngày 27-8-2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng và các ngành liên quan. Đến ngày 12-9-2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 288 nêu kết luận buổi làm việc. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo với các nội dung cụ thể: UBND thành phố Đà Nẵng cần chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nếu chưa chính xác thì xem xét điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời tiếp tục xem xét, giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân thuộc các hộ có đất bị thu hồi để ổn định cuộc sống.

Thông báo cũng nêu rõ, UBND thành phố tổ chức đối thoại một lần nữa với một số người dân đang khiếu nại, làm việc lại với chủ đầu tư dự án để thống nhất xử lý theo hướng chủ đầu tư mua lại nền nhà tái định cư đã cấp cho những hộ dân phải di dời nhưng đang khiếu nại theo giá thị trường và bán lại cho các hộ này nền nhà của dự án với giá hợp lý nếu có nhu cầu; đồng thời yêu cầu cam kết bàn giao mặt bằng cho dự án. Nguồn kinh phí trả cho khoản chênh lệch về giá đất nói trên sẽ do UBND thành phố và chủ đầu tư dự án hỗ trợ. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ngày 30-9-2016, lãnh đạo thành phố tiếp tục tổ chức đối thoại với các hộ dân. Tiếp đến, ngày 19-4-2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2138 về điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Nhà thờ Cồn Dầu thuộc Khu ĐTST ven sông Hòa Xuân theo hướng điều chỉnh quy hoạch một phần công viên cây xanh thành các lô đất xung quanh Nhà thờ để thực hiện việc hoán đổi đất theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Có thể khẳng định, cách giải quyết vấn đề ở Cồn Dầu của các cấp, các ngành từ Trung ương lẫn địa phương đưa ra là hợp tình hợp lý, nói đúng hơn là đáp ứng được yêu cầu cốt lõi, nguyện vọng "lớn nhất" của người dân khi được ở gần nhà thờ.

Ông Trần Quang Anh chỉ vào lô đất vừa hoán đổi và cho biết
"sẽ xây nhà xong trước mùa mưa này cho bà con xem". 
       Ảnh: D.Hùng

Là một trong 4 hộ gia đình đầu tiên đồng ý hoán đổi đất, khi được hỏi có hài lòng với việc hoán đổi hay không, ông Trần Quang Anh, tổ 21 Cồn Dầu thẳng thắn: "Nếu không hài lòng thì sao tôi hoán đổi". Theo ông, ngay từ đầu giải tỏa, đền bù, gia đình ông đã có nguyện vọng ở gần khu vực Nhà thờ để tiện việc sinh hoạt tôn giáo. Vì vậy, khi thành phố có chủ trương hoán đổi, ông thấy hợp lý nên đã liên hệ với chủ đầu tư tiến hành các thủ tục liên quan. "Hiện tại bản thân tôi cùng các thành viên trong gia đình thực sự thấy thoải mái", ông Anh vui vẻ nói. Được biết, sau khi giải tỏa, gia đình ông Anh được bố trí 3 lô đất tái định cư của thành phố, trong đó có 1 lô đường 10,5m, 1 lô 7,5m và 1 lô 5,5m. Sau khi thành phố có chủ trương hoán đổi đất, ông Anh là một trong những người đi tiên phong. Ông cho biết, gia đình đã quyết định bán 2 lô (đường 10,5m và 5,5m), sau đó dùng số tiền này để mua 2 lô đất đường 7,5m tại khu vực nhà thờ Cồn Dầu của chủ đầu tư. Như vậy, cùng với 1 lô đất được hoán đổi, hiện tại gia đình ông có 3 lô đất liền kề đường 7,5m gần nhà thờ. "Ý định của tôi là 3 năm nữa mới xây nhà, nhưng giờ tôi quyết định rồi, ngay khi hoàn thành thủ tục và nhận bàn giao đất, tôi sẽ xây nhà luôn cho bà con thấy", ông Anh phấn khởi nói.

Về chủ trương hoán đổi đất của thành phố, ông Đoàn Cảng, một trong những giáo dân Cồn Dầu cho rằng rất nhân văn, hợp tình hợp lý. "Thời gian qua chắc có lẽ bà con đã nhìn thấy rồi, vì tương lai con em, vì cuộc sống bình yên và vì chính bản thân mình, nên bà con cũng cần xem lại", ông Cảng thành thật. Theo ông, đến nay thành phố có chủ trương hoán đổi, có nghĩa là nguyện vọng của bà con muốn ở gần khu vực Nhà thờ cũng đã được đáp ứng. Vậy còn gì nữa mà phản đối. "Nếu bà con cứ lăm lăm nghĩ cho mình, rằng có bao nhiêu đất bị thu hồi thì thành phố phải trả lại bấy nhiêu, như thế liệu có công bằng", ông Cảng nói. Ông phân tích, hồi trước ở quê, 100m2 đất chỉ bán được với giá 25-30 triệu, giờ 100m2 bán được 500-700 triệu, thậm chí thời cao điểm có thể lên đến cả tỷ. Vậy vì sao lại có được như vậy? "Mình cũng phải đặt câu hỏi chứ. Đường sá ở đâu, cống rãnh, vỉa hè, điện, trường học, giao thông đi lại ở đâu mà có... Bà con phải nhìn nhận kỹ chỗ đó. Cứ đưa con số ấy ra để so sánh thì sẽ thấy được cái lợi hay không. Theo tôi bà con hãy tự suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, công tâm nhất. Không nên nghe theo những lời xúi giục, lôi kéo của kẻ xấu để ảnh hưởng đến chính mình", ông Cảng nhắn nhủ.

Đồng quan điểm nói trên, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ cho rằng, nếu không có dự án, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ như hiện nay thì liệu rằng vị thế của "đất Hòa Xuân" có được như ngày hôm nay? Chính quyền luôn mong muốn người dân được chuyển đến nơi ở mới ổn định cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện cho việc kết nối cơ sở hạ tầng của dự án. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì dự án sẽ không được kết nối với nhau, đồng nghĩa sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố, của quận và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân hiện nay chưa chấp hành bàn giao mặt bằng.

Một góc khu ĐTST ven sông Hòa Xuân hôm nay.    Ảnh: D.Hùng

Ông Sơn cho biết, đến nay thành phố và quận đã thực hiện tất cả các giải pháp có thể, tuy nhiên nếu các hộ này tiếp tục không đồng thuận, không chấp nhận hoán đổi để bàn giao mặt bằng thì sẽ đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp xử lý dứt điểm. Về phía thành phố, mới đây, ngày 19-6-2017, tại buổi tiếp các hộ dân khu vực Cồn Dầu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nêu quan điểm: Khiếu nại của các hộ dân khu vực Cồn Dầu về việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất và yêu cầu bố trí tái định cư tại chỗ đã được các cấp chính quyền của thành phố trả lời và giải quyết đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có kết luận và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến thống nhất với kết quả giải quyết của thành phố.

"Có thể khẳng định rằng, việc giải quyết này là có tình có lý. Lãnh đạo thành phố đã đối thoại, tổ chức nhiều cuộc tiếp dân và đưa ra giải pháp phù hợp. Các cấp chính quyền thành phố sẽ làm việc với nhà đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thực hiện chủ trương hoán đổi đất nói trên", ông Minh cho biết.

(còn nữa)

D.N.H