Báo Công An Đà Nẵng

Bài ca dâng mẹ

Thứ bảy, 22/03/2014 12:16

(Cadn.com.vn) - Qua người bà con của bà, tôi tình cờ nghe được câu chuyện xúc động về cuộc đời bà: một phụ nữ 65 tuổi có đến hơn 50 năm chăm sóc mẹ bị liệt. Thế nhưng, để thuyết phục bà kể chuyện đời mình là rất khó. Bởi nghe đâu, trước đó cũng có nhà báo đến gặp, nhưng bà kiên quyết từ chối.

Song, tôi đã  gặp may...

Người phụ nữ đáng ngợi ca đó có cái tên rất dung dị: Nguyễn Thị Nữ (1949), ở thôn Hà Tân xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc, Quảng Nam. Nhà bà ở gần bến Hà Tân, nhìn ra sông Vu Gia. Thật ra, ngôi nhà này không phải là nhà bà, mà là nhà của ông bà ngoại bà để lại. Nhà được xây vào năm 1935 theo kiểu nhà ba gian, lợp ngói, cột gỗ. Lúc chúng tôi vào nhà, bà đang làm vườn, trên giường có cụ bà 90 tuổi đang nằm. Nếu không nhìn vào đôi chân co quắp của cụ, khó ai nghĩ bà cụ bị bại liệt nhiều năm rồi.

Bởi gương mặt cụ bà thật hồng hào. Nghe tiếng gọi, bà từ vườn chạy vào. Đó là người phụ nữ có gương mặt phúc hậu với ánh nhìn cam chịu. Biết được ý định của cuộc viếng thăm, bà dè dặt từ chối với một câu nói dung dị đến nao lòng: "Mẹ mình, mình lo thôi. Đừng viết, xấu hổ lắm cháu ơi!!!". Phải khó khăn lắm, bà mới tiếp chuyện cùng tôi, nhưng phần lớn câu chuyện về đời bà thì được vợ chồng người bà con ở gần nhà kể lại. Thi thoảng bà thốt lên xấu hổ: "Trời ơi! Cậu cứ quan trọng hóa vấn đề. Có chi đáng để viết đâu hè...!".

Chuyện rằng, năm 1952, khi bà chưa tròn 4 tuổi, mẹ bà sinh thêm đứa út. 3 tháng sau, không hiểu vì nguyên nhân gì, mẹ bà lâm bệnh dẫn đến liệt nửa người, nói không được. Đứa em út vắn số, không bao lâu sau đó thì qua đời. Gia đình nội, ngoại tìm cách để chạy chữa, mẹ bà mới nói lại được nhưng không tròn vành rõ chữ. Tuy nhiên, đôi chân thì không khắc phục được, cứ teo dần, teo dần, chỉ ngồi được một chỗ trên giường. Bà không nhớ rõ quãng thời gian ấy, chỉ nhớ, khi 8 tuổi thì bà cùng mẹ được cha đưa về nhà nội để chăm sóc.

Lúc đó, bà cũng đã biết phụ giúp người lớn chăm mẹ rồi. Một thời gian sau, cha bà có vợ khác nên việc chăm sóc mẹ đều do nội và bà đảm trách. Hằng tháng, cha vẫn gửi tiền về cho nội để lo chi phí, sinh hoạt. Năm 1964, khi đó bà 15 tuổi, hai mẹ con bà được đưa ra Đà Nẵng ở cùng với em gái cùng cha khác mẹ. Rồi anh trai có vợ, cũng về ở chung trong nhà. Để có điều kiện chăm sóc mẹ, chăm đứa em thua mình 8 tuổi khác mẹ, ngoài tiền cha phụ gửi để lo cho mẹ và em, bà phải đi làm thêm...

Khi 20 tuổi, cũng có một lần bà có ý định lập gia đình, nhưng  nghĩ đến mẹ bà không nỡ nên lại thôi. Năm 1975, bà đưa mẹ và em gái theo gia đình anh trai vào Bình Thuận lập nghiệp. Tại đây, bà thay mặt cha mẹ, cùng anh trai lo cho em gái khác mẹ yên bề gia thất. Năm 1979, do không nghe lời bà dặn, mẹ bà tìm cách lết ra khỏi giường để lấy thóc cho gà ăn dẫn đến bị té đứt mạch máu mắt. Hay tin, dì ruột liền gọi điện kêu 2 mẹ con về quê để có điều kiện chăm sóc hơn.

Nhưng cuộc đời đôi khi cũng thật trớ trêu, thiếu công bằng đối với bà. Cả thời xuân sắc chưa có lấy một ngày vui, đến khi về ở với dì, cứ nghĩ từ nay có người sớm hôm thủ thỉ, tâm sự, chia sẻ gánh vác công việc chăm sóc mẹ già bệnh tật. Nhưng rồi, năm 1995, người dì ruột có tấm lòng bác ái đáng kính cũng rời mẹ con bà để sang định cư tại Mỹ cùng con gái. Ngôi nhà của ngoại giao lại cho bà quản lý. Cũng kể từ đó cho đến nay, trong căn nhà ngói ba gian ấy, chỉ còn có bà thui thủi chăm sóc mẹ. Bà mặc nhiên chấp nhận điều đó như là định mệnh đời mình, không một lời thở than.

Bà Nguyễn Thị Nữ ân cần chăm sóc mẹ. Ảnh: P.T

Nhưng chuyện không dừng lại ở đó. Năm 2000, một trận ốm kinh hoàng đã khiến mẹ bà từ đó "bán thân bất toại", không cử động như trước được nữa. Mọi sinh hoạt của cụ từ đại tiện, đến tiểu tiện đều ở trên chiếc giường... Để mẹ không bị loét lở lưng, ngoài việc thường xuyên trở bà cụ dậy, việc làm vệ sinh cũng được bà thực hiện thường xuyên, tỉ mỉ hơn. Quan sát nơi bà cụ nằm, tôi chú ý ở vạt giường được khoét một cái lỗ. Phía dưới, có kê một cái thau lớn cùng một cái pô. Khi nào mẹ ra tín hiệu, bà lại xê dịch chỗ nằm về phía có lỗ khoét...

Trong suốt buổi tiếp chuyện cùng tôi, bà rất kiệm lời và hầu như lảng tránh tất cả các câu hỏi của tôi. Lời từ chối khéo của bà khiến tôi rưng rưng: "Ai rơi vào tình cảnh đó cũng phải làm như tui cả thôi. Nếu tui bỏ đó thì ai chăm mẹ? Cứ nghĩ, mình thương người được mà tại sao mẹ mình mình lại không thương, không làm được? Nói là mẹ tui có 5 người con, nhưng thật ra, ngoài tui và anh đầu còn sống, ba người còn lại đều chết yểu cả. Chị gái tui chết năm 3 tuổi, một chị gái nữa chết trong bụng mẹ. Rồi đến đứa út cũng qua đời khi mới ba tháng. Đứa em gái cùng cha khác mẹ không thể bảo nó chăm sóc. Anh tui một bầy con, lo cho chúng đã... đuối sức rồi. Nếu không tôi thì ai? Mà thiệt ra, chăm mẹ còn có dì sáu tui. Nếu không có dì sáu, tôi đâu có thể chăm mẹ được như vầy".

Nghe bà nói vậy, người cậu bà con vội lên tiếng: "Vẫn biết là nhờ có dì sáu giúp đỡ thêm về kinh tế, nhưng của không bằng công. Nói thiệt với bây, chứng kiến cảnh bây sáng tối, đêm hôm lúc nào cũng ân cần với mẹ, không một câu nặng nhẹ, cậu ngưỡng mộ vô cùng. Ai cũng có tình thương với mẹ cha, nhưng không phải ai cũng làm được như bây. Giữa thời buổi đạo đức gia đình không còn được như trước, ai cũng bo bo lo cho phận mình, tấm lòng của bây thật đáng để ngợi ca. Bây đừng từ chối, tội cháu nó từ Đà Nẵng về tìm hiểu...".  Bà im lặng không làm khó nữa, nhưng tỏ ý không muốn tôi chụp hình.

Tận mắt chứng kiến cách bà chăm sóc mẹ, tôi lặng đi. Tất cả động tác đều gọn tưng, thuần thục. Không chỉ có tình yêu vô bờ bến với mẹ, tôi được nhiều hàng xóm cho biết, bà còn có tấm lòng rất rộng mở, bác ái. Dù hoàn cảnh gia đình phần nhiều nhờ sự trợ giúp của dì ruột bên Mỹ gửi về, chẳng dư dả gì, nhưng hễ nghe nói có ai ốm đau, hoàn cảnh khó khăn, bà lại nhờ người quen gửi đến cho họ khi thì thuốc men, khi thì chút đỉnh tiền mà không cần một lời cảm ơn từ phía người được nhận...

Nhẩm tính tuổi hai mẹ con bà, tôi chợt giật mình. Mẹ bà hơn bà 25 tuổi, sinh bà ra được 4 năm thì bị bệnh. Không kể thời gian bà còn bé, lấy mốc từ năm 1964 đến nay, bà đã có 50 năm chăm sóc mẹ.

"Nước mắt chảy xuôi", nhưng vin vào cuộc đời của bà có thể nói là nước mắt đang chảy ngược.

Chia tay bà trong nắng chiều tháng 3 sắp tắt, suốt chặng đường về lại Đà Nẵng, hình ảnh bà cúi xuống bên mẹ vỗ về cứ ám ảnh mãi trong tôi. Biết không giữ trọn lời hứa với bà, nhưng tôi tin sẽ được bà thông cảm. Bởi cuộc đời bà là bài ca tuyệt vời, bài ca về tình mẫu tử.

P.Thủy