Bài cuối: Bước chân giữa lằn ranh sinh tử
Trưa ngày 12-10, một người phụ nữ ngồi chênh vênh trên tháp cầu với ý định tự tử. Tổ cứu nạn của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH- Công an quận Sơn Trà cũng nhanh chóng có mặt, khởi động một cuộc giải cứu đầy căng thẳng và kịch tính, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau nửa bước chân.
Khi tổ cứu hộ đến nơi thì thấy người phụ nữ ngồi trên tháp cầu trong trạng thái tinh thần bất ổn, mặc cho gia đình đứng dưới thành cầu liên tục khuyên ngăn. Thượng úy Trần Quang Tùng, người trực tiếp tham gia cuộc giải cứu, nhớ lại: “Dù có người thân đứng ở dưới khuyên can nhưng người phụ nữ không nghe. Mẹ và hai con gái của người phụ nữ cũng được lực lượng chức năng đưa đến thuyết phục với hy vọng người phụ nữ hồi tâm chuyển ý. Nhưng dù đã ngoảnh mặt lại nhìn một hồi lâu, người phụ nữ trung niên lại quay mặt về phía trước, ánh mắt đầy vô định…”.
Cùng tham gia ứng cứu còn có 2 đội nghiệp vụ khác của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH- Công an TP Đà Nẵng. Trong suốt quá trình giải cứu, không chỉ có những chiến sĩ trực tiếp leo lên tháp cầu để tiếp cận người phụ nữ, mà phía dưới sông Hàn, lực lượng cứu hộ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông cũng đã triển khai ca nô quần thảo liên tục. Các chiến sĩ sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp xấu nhất xảy ra nếu nạn nhân quyết định nhảy xuống sông. Trong bầu không khí căng thẳng, sự hiện diện của lực lượng cứu hộ dưới sông tạo thêm một lớp bảo vệ vững chắc và thêm phần an tâm cho những người làm nhiệm vụ bên trên.
Tình huống nguy hiểm càng trở nên căng thẳng khi mọi biện pháp khuyên can không mang lại kết quả khả quan. Trước tình trạng này, tổ cứu nạn quyết định xin chỉ đạo để thực hiện phương án “cưỡng chế” người phụ nữ khỏi vị trí nguy hiểm. Thượng úy Tùng chia sẻ: “Xác định việc khuyên can không thể tiếp tục, chúng tôi đã xin ý kiến chỉ huy để tiến hành tiếp cận”.
Sau khi có sự đồng ý, Thượng úy Tùng nhanh chóng cởi giày và mũ, chuẩn bị cho cuộc tiếp cận đầy mạo hiểm. Bước lên giàn lan can sắt trên trụ tháp, anh bắt đầu thực hiện động tác “chân nhện” để di chuyển về phía nạn nhân. Từng bước chân thận trọng, anh di chuyển theo dây thừng cứu hộ, bám chặt vào thanh sắt mỏng manh. Đồng thời, một mũi công tác khác từ xa cố tình tạo sự chú ý để đánh lạc hướng người phụ nữ, tạo điều kiện cho Thượng úy Tùng tiếp cận từ phía sau.
“Khi di chuyển đến gần nạn nhân, chỉ còn cách nửa bước chân thì cô ấy quay mặt lại và nhìn thấy tôi. Không để cô kịp phản ứng, tôi nhanh chóng quàng tay qua người, ôm chặt rồi kéo ngược về phía mình,” Thượng úy Tùng kể lại.
Mọi thứ diễn ra chỉ trong tích tắc, nhưng từng giây trôi qua đều đẩy cao áp lực và sự nguy hiểm. Để có thể giải cứu thành công mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của cả người phụ nữ lẫn lực lượng cứu hộ, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác tuyệt đối. Ngay sau khi Thượng úy Tùng ôm chặt lấy nạn nhân, các chiến sĩ khác nhanh chóng lao vào hỗ trợ, giữ chặt người phụ nữ đang vùng vẫy chống cự. Không khí khẩn trương đến mức Hạ sĩ Phan Minh Nhật quên rằng mình chưa thắt dây an toàn nhưng vẫn nhảy vọt qua lan can để hỗ trợ. Tất cả mọi việc diễn ra chỉ trong vài giây ngắn ngủi, nhưng ai cũng biết đó là những giây phút quyết định, khi mà tính mạng của người phụ nữ có thể thay đổi chỉ trong tích tắc.
Bên thành cầu, gia đình và người thân của nạn nhân đã không thể kìm nén cảm xúc, họ ôm chầm lấy các chiến sĩ khi chứng kiến cảnh tượng thân nhân của mình được cứu sống. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của họ, xen lẫn sự biết ơn và cảm giác nhẹ nhõm. Đây là giây phút mà mọi người chứng kiến sự kỳ diệu của lòng quả cảm và sự chuyên nghiệp từ những người lính cứu nạn. Tất cả đã tạo nên một hình ảnh đẹp về lòng quả cảm của những người lính PCCC và CNCH khi đứng trên lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết.
MAI VINH