Báo Công An Đà Nẵng

Đổi đời cho đá “mồ côi”

Bài cuối: Đá cũng... đợi xuân

Thứ ba, 23/04/2024 11:00
Hiện trên địa bàn xã Gio Sơn có hơn 20 cơ sở và hộ cá thể chẻ đá viên, thu hút hàng trăm lao động.

Tại lán của hộ anh Cáp Xuân Thanh (54 tuổi, xã Linh Hải) ở dọc tỉnh lộ 74, chúng tôi được chứng kiến tròn vẹn một quy trình chẻ đá nhanh gọn, thuần thục.

Anh Thanh cho biết trước đây làm công nhân, sau đó mới chuyển sang nghề đá. Nghề mưu sinh này đã giúp vợ chồng anh nuôi các con học đại học Kinh tế Đà Nẵng và Sư phạm, hiện một cháu đang học cấp 3. “Có máy móc, thiết bị hỗ trợ khiến cho công việc dù vất vả vẫn nhẹ nhàng so với các cụ, các bác ngày xưa”- anh Thanh chia sẻ bằng tất cả sự thấu hiểu, trân trọng quá khứ. Xã Linh Hải cũng có người làm thợ cho các hộ, cơ sở chẻ đá tại xã Gio Sơn, tập trung tại “thủ phủ” là các thôn Trí Tiến và Đại Đồng Nhất (thuộc xã Gio Hòa cũ).

Phó Chủ tịch UBND xã Gio Sơn Tạ Văn Hòa cho biết, nghề chẻ đá viên trở thành nghề chính của lao động địa phương. Đến nay trên địa bàn có hơn 20 cơ sở và hộ cá thể sản xuất đá viên, thu hút hàng trăm lao động. Bình quân thu nhập hàng năm khoảng từ 80 đến 100 triệu đồng/lao động; tổng doanh thu hàng năm khoảng 9 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, trong đó có ANTT địa phương. Trên dọc tỉnh lộ 74, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở chẻ đá quy mô rất lớn với nhiều loại sản phẩm mang tính nghệ thuật cao. Nhưng chẻ đá viên vẫn là mặt hàng chủ đạo. Anh Phan Văn Dương (40 tuổi) cho biết, đã gắn bó với nghề này được gần 15 năm. Và anh không phải là người duy nhất trong gia đình làm thợ đá. Chỉ vào những khối đá được xếp ngay ngắn, anh Dương cho biết sản phẩm được chia thành nhiều loại. Đá viên từ loại đá xanh trơn là “đỉnh” nhất nên giá thành trội nhất, hơn 15 ngàn đồng/viên. Còn đá viên dành cho lát kè, hoặc chỉ làm đẹp 1 bên mặt thì giá thành rẻ hơn nhiều. Cũng như anh Dương, anh Thanh, chúng tôi được các thợ Cáp Kim Dũng (50 tuổi), Dương Bá Đức, Dương Bá Hải (46 tuổi) và nhiều người nữa cho biết dù đây là công việc vất vả, nặng nhọc nhưng vẫn muốn gắn bó. Không chỉ bởi cho thu nhập ổn định, mà bản thân rất nhiều người thợ thấy yêu nghề hơn khi nghĩ đến những khối đá do mình kỳ công chẻ, chế tác đã góp phần làm nên những công trình đẹp, bền chắc trong đời sống nhân dân. Đặc biệt, họ thấy động lực bởi nghề truyền thống được tôn vinh khi được chính quyền tổ chức thành hội thi, như một lễ hội luôn được đón đợi trên vùng phía tây này.

Trước đại dịch COVID-19 xảy ra, cứ mỗi dịp Tết đến, ngay từ những ngày đầu năm mới, Gio Hòa (cũ) đã tưng bừng với hội thi chẻ đá. Các nhóm thợ đại diện từng thôn tham gia cuộc thi sẽ phô bày kỹ năng, chẻ đục những khối đá to thành các sản phẩm đá viên đẹp mắt với thời gian ngắn nhất. Tiếng hò reo và những tràng pháo tay như thúc giục người thợ thi triển tài năng trong niềm tự hào. Rất đông bà con nơi khác cũng đã đợi hội thi để đến chung vui mỗi dịp đầu xuân, để thấy được sự vất vả và đẹp đẽ của một nghề truyền thống. Qua bàn tay của những người thợ, chẻ thành những viên nhỏ vuông vức như máy cắt chỉ với búa và đục. Hình ảnh này khiến nhiều người đều xúc động nhớ về gần 50 năm trước, khi nghề mới hình thành trong những ngày gian nan lập nghiệp ở vùng đất đá, khắc nghiệt. Dường như đã thấy mồ hôi, thấy cả nước mắt của cha ông thấm từng thớ đá gian nan thuở nào. Khép lại hội thi, đội thua cũng niềm nở bắt tay đội thắng, bởi thông điệp họ mang đến đây là tạo không khí lao động phấn khởi, mở đầu một năm mới làm việc hăng say, hiệu quả trên địa bàn và chung tay gìn giữ một nghề vô cùng ý nghĩa trong lịch sử địa phương và đời sống văn hóa người dân.

Người dân mong muốn hội thi chẻ đá độc đáo sớm trở lại sau nhiều năm gián đoạn.

Phó Chủ tịch UBND xã Gio Sơn Tạ Văn Hòa chia sẻ thêm, hội thi chẻ đá đã qua 7 lần tổ chức và lần gần nhất là Tết Nguyên đán năm 2020. Sau đó là đại dịch COVID-19, đồng thời khi xã Gio Hòa sáp nhập về xã Gio Sơn, tính chất quy mô làng nghề khác đi khiến lễ hội đến năm 2024 này vẫn chưa được tổ chức lại. Điều đó gây nhiều tiếc nuối trong lòng người dân, nhất là những người thợ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây khi chưa sáp nhập thì cả xã Gio Hòa đều có nghề làm đá, có ở tất cả các thôn nên việc tổ chức hội thi có tính quy mô. Nhưng sau khi sáp nhập vào xã Gio Sơn, nghề truyền thống này chủ yếu là một số thôn thuộc Gio Hòa (cũ), không phải diện rộng, phổ biến cả xã. Dù vậy, người dân vẫn rất mong đợi được hòa mình trong không khí lễ hội độc đáo quê mình nhằm tôn vinh nghề truyền thống này. Từ trong mong muốn của người dân, dường như đến đá cũng đợi…xuân về để lễ hội trở lại với sự rộn ràng, khao khát. Biết đâu hội thi chẻ đá mai này còn mở rộng quy mô với nhiều địa bàn tham gia, để khẳng định nghề truyền thống đang sống đẹp trong sự phát triển hiện đại, mạnh mẽ hôm nay.

Bảo Hà