Báo Công An Đà Nẵng

Chung tay phòng, chống tội phạm mạng

Bài cuối: Nâng cao sức đề kháng với tội phạm mạng

Thứ tư, 10/04/2024 07:05
Công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu) tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng ngừa tội phạm mạng cho người dân, nhất là người lớn tuổi.

Công dân số thông thái

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhằm cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm mạng được xem là giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này. Trung tá Cao Lê Duy Hùng- Trưởng Công an phường (CAP) Thuận Phước (Q. Hải Châu) cho biết, toàn bộ Cảnh sát khu vực (CSKV) của đơn vị đều tham gia nhóm zalo của các tổ dân phố. Ngay khi xuất hiện các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mạng, nhất là các thủ đoạn lừa đảo qua mạng thì CSKV lập tức chia sẻ, cảnh báo ngay lên các nhóm zalo này để người dân theo dõi, cảnh giác. "Việc sử dụng công nghệ, thông qua facebook, zalo để tuyên truyền tới người dân rất nhanh, hiệu quả, bởi lẽ người dân đi làm, không phải lúc nào cũng có thể gặp. Ngoài ra, trong nội dung tuyên truyền, chúng tôi đều nhấn mạnh việc Công an không giờ bao làm việc qua điện thoại, mạng xã hội mà chỉ làm việc trực tiếp, tại trụ sở. Điều này sẽ giúp bà con cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn qua mạng để lừa đảo, nhất là với người lớn tuổi", Trung tá Cao Lê Duy Hùng chia sẻ.

Đà Nẵng đạt nhiều thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số, đặc biệt tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh kết nối mạng rất cao, vì vậy việc sử dụng chính công nghệ để tuyên truyền, nâng cao khả năng "tự đề kháng" với tội phạm mạng sẽ có hiệu ứng lan tỏa rất nhanh. Tại huyện Hòa Vang có hàng trăm hội nhóm mạng xã hội thu hút đông đảo thành viên tham gia. Từ thực tế đó, Công an huyện đã triển khai mô hình "Hội, nhóm, trang mạng xã hội hành động vì môi trường mạng Hòa Vang an toàn, lành mạnh". Mô hình này đã huy động được hơn 100 hội, nhóm trang mạng xã hội đông thành viên tham gia, là kênh thông tin tuyên truyền tin cậy đến người dân. Từ đây, hàng ngàn thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, ngừa tội phạm mạng đã đến với đông đảo người dân.

Ông Trần Huyền Dinh- Chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng Firteach -VBA (Hiệp hội Blockchain Việt Nam) cho biết, chính lỗ hổng về sự chủ quan của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình đã tạo điều kiện cho tội phạm lừa đảo qua mạng lợi dụng hoạt động. Trong thời đại công nghệ số, dữ liệu cá nhân chính là tài sản, tiền bạc cần phải bảo vệ. Vậy nhưng, không ít người, chỉ vì được trả vài trăm ngàn đồng, sẵn sàng chụp lại chứng minh thư, đưa ảnh khuôn mặt… cho người mua. Hậu quả, thông tin dữ liệu cá nhân đó được tội phạm sử dụng trong các app lừa đảo, lập tài khoản ngân hàng để giao dịch, nhận chuyển khoản tiền lừa đảo…

Cũng theo ông Dinh, việc chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh lên các trang mạng xã hội hiện nay rất nguy hiểm, tạo điều kiện cho tội phạm thu thập, sử dụng vào mục đích phi pháp. Trong thời đại công nghệ số, mỗi người dân phải trang bị trở thành một công dân số thông thái, phải biết bảo vệ mình, không để tội phạm mạng lợi dụng hoạt động.

VietinBank Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an triển khai nhiều giải pháp công nghệ ngăn ngừa tội phạm mạng hiệu quả.

Chủ động nhiều giải pháp ngăn ngừa

Tại Đà Nẵng, Công an TP đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin tài khoản ngân hàng. Nổi bật như đường dây của Nguyễn Văn Hiếu (1993, Thừa Thiên-Huế). Hiếu vào Đà Nẵng thuê chung cư, tuyển dụng 5 người để dùng thông tin CCCD của nhiều người khác mở tài khoản ngân hàng trực tuyến rồi lên mạng bán lại thu lợi bất chính. Nhóm của Hiếu đã đăng ký được khoảng 20.000 tài khoản ngân hàng và ví điện tử các loại rồi bán cho các đối tượng khác. Từ thực tế đó, Trung tá Trần Ngọc Thành- Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng cho rằng, các ngân hàng cần rà soát, làm sạch các tài khoản ngân hàng dựa trên việc kết nối khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc các đối tượng mạo danh hoặc mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng vào mục đích thực hiện các giao dịch chuyển tiền trong hoạt động phạm tội của mình.

Ông Đào Xuân Tuyên- Giám đốc VietinBank Đà Nẵng cho biết, ngân hàng đã áp dụng tính năng xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt) khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền và có thể cài đặt hạn mức chuyển tiền cần xác thực theo nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng cũng ban hành bộ tiêu chí để cán bộ có thể nhận diện tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo. Riêng việc mở tài khoản, VietinBank quản lý rất chặt chẽ, kể cả việc bảo mật thông tin khách hàng nhằm ngăn chặn gian lận thanh toán, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cũng theo ông Tuyên, VietinBank Đà Nẵng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Công an TP trong cung cấp thông tin của đối tượng điều tra. Khi phát hiện trang web giả mạo, đơn vị liên hệ ngay với các cơ quan liên quan ngăn chặn truy cập vào trang web giả mạo này. Đặc biệt, VietinBank Đà Nẵng thường xuyên khai báo kịp thời khách hàng đen, khách hàng nghi ngờ lên hệ thống, đồng thời rà soát đối tượng nghi ngờ giả mạo các loại giấy tờ với dữ liệu sinh trắc của CCCD phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mạng.

Thượng tá Nguyễn Đại Đồng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm trên không gian mạng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao khả năng "tự đề kháng" của các tổ chức, cá nhân. Công an TP cũng thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, tập trung mạnh vào tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc qua mạng, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân… Ngoài ra, Công an TP chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng chuyên trách về đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ.

HẢI QUỲNH