Báo Công An Đà Nẵng

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đối mặt nhiều nguy cơ bị xâm hại

Bài cuối: Tiếng kêu cứu từ vùng đệm

Thứ sáu, 21/07/2017 07:09

Không chỉ những loài động vật bị săn bắn mà những cây gỗ quý trong Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh cũng bị lâm tặc nhòm ngó. Diện tích rộng, nguồn thu từ rừng lớn khiến việc quản lý khó khăn, vất vả hơn bao giờ hết. Chưa kể những vùng giáp ranh (vùng đệm, vùng kết nối) của Di sản ASEAN này với các khu vực bảo tồn khác đang bị xâm hại từng giờ, từng ngày một cách nghiêm trọng. Điều đó đe dọa trực tiếp hệ sinh thái nơi đây, trong đó có cả những loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ của thế giới.

Người dân phá rừng làm rẫy tại xã Đắc Roong (H. Kbang, Gia Lai) - khu vực kết nối
của VQG Kon Ka Kinh và KBTTN Kon Chư Răng.

TỪ NHỮNG CON SỐ “BIẾT NÓI”...

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, vùng đệm VQG Kon Ka Kinh có dân số hàng chục nghìn người gồm 11 dân tộc khác nhau sinh sống. Dù tập quán du canh đã giảm rõ rệt nhưng việc đốt rừng làm nương rẫy vẫn diễn ra cũng như việc khai thác các nguồn lâm sản từ rừng gây trở ngại lớn đối với công tác bảo tồn ở đây. Bên cạnh đó, dân số vùng đệm tăng kéo theo nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng, hậu quả là tăng thêm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng.

Theo đợt khảo sát, nghiên cứu đầu năm 2017 của nhóm nhà nghiên cứu của Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam, Trung tâm đa dạng sinh học Nước Việt Xanh và Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng tại khu vực hành lang kết nối VQG Kon Ka Kinh và khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kon Chư Răng (H. Kbang, Gia Lai), xác định: tại tuyến kết nối, vùng đệm thuộc xã Đắc Roong, xã Sơn Lang (H. Kbang) có 82 loài gồm 14 loài thú, 38 loài lưỡng cư, trong đó có đến 19 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng (10 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, 14 loài trong Danh lục đỏ của thế giới), như: Voọc chà vá chân xám, ếch cây kio, rắn sọc dưa, rắn cạp nong, rùa bốn mắt, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, cu li nhỏ...

Dù sự đa dạng sinh học cũng như tính bảo tồn cao như vậy nhưng khu vực này đang bị tác động lớn của con người từ những hoạt động khai thác trái phép lâm sản, săn bắn động vật hoang dã, phá rừng làm nương rẫy. Thậm chí, một số hoạt động phá hoại này còn diễn ra ngay trong các khu vực VQG Kon Ka Kinh và KBTTN Kon Chư Răng. Người dân không chỉ sử dụng súng tự chế mà còn cả súng quân dụng trái phép để săn bắn động vật. Đồng thời, tập quán lâu đời sinh sống dựa vào rừng nên còn nhiều người dân địa phương sử dụng bẫy, nỏ để săn bắt động vật khác làm thực phẩm. Chưa kể, giá trị về mặt kinh tế các loài động vật hoang dã, đặc biệt các loài thú lớn như: gấu, geo rừng, khỉ, voọc… nên các loài này là đối tượng bị săn bắn thường xuyên. Ở các làng của xã Đắc Roong, tạp hóa cũng bán các loại cồn y tế và mục đích sử dụng lại là làm nguyên liệu cho các khẩu súng hơi tự chế.

Những cây rừng bị đốn hạ tại các khu vực vùng đệm đang đe dọa nghiêm trọng đến hệ động thực vật của VQG Kon Ka Kinh.

...ĐẾN THỰC TẾ

Trong chuyến thực tế tại khu vực rừng giáp ranh giữa VQG Kon Ka Kinh và lâm phần của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắc Roong (xã Đắc Roong, H. Kbang, Gia Lai) - nơi được những nhà nghiên cứu tìm hiểu, đánh giá mới thấy sự tác động của con người như thế nào. Trên con đường mòn rẽ vào rừng nơi có trụ bê-tông ghi “Ranh giới VQG Kon Ka Kinh, Mốc: Kon Ka Kinh 05” hằng ngày có thể bắt gặp cảnh người dân vào rừng lấy củi, thậm chí chở cả những tấm gỗ lớn từ rừng ra. Những cây rừng bị đốn hạ, những thân gỗ đã xẻ thành từng bìa để dọc đường đi nhằm dễ vận chuyển là cảnh không hiếm tại khu vực này.

Hay ngay tuyến đường vào làng Kon Bông 1, Kon Bông 2 (xã Đắc Roong), nhiều khoảnh rừng bị đốn hạ, cũ có, mới có và thay thế vào đó là những  rẫy cà-phê mọc lên. “Dạo quanh” một khu vực rẫy rộng ước cả chục héc-ta, bên cạnh những cây cà-phê chuẩn bị vào kỳ thu hoạch là những cây cà-phê mới được trồng, cạnh đó là những cây rừng đường kính từ 20-40cm bị đốn hạ. Dưới những thân gỗ bị hạ chưa kịp đưa đi hoặc bị đốt cháy nằm chỏng chơ là những cây cà-phê mới được trồng thế chỗ vào. Và xung quanh những cánh rừng đều nằm chung số phận bị đốn hạ trong sự quản lý đến khó hiểu của các đơn vị chủ rừng nơi đây.

Ngay tại làng Kon Bông 1, Kon Bông 2 đều có thể bắt gặp những lóng gỗ lớn hay nhưng hộp gỗ đã xẻ được chất trước sân, dưới mái nhà. Thậm chí, nhà của trưởng thôn cũng không ngoại lệ. Theo đánh giá của TS Sinh thái học Hà Thăng Long - Trưởng đại diện Hội động vật Frankfurt (CHLB Đức) tại Việt Nam: “Cũng như các VQG và khu bảo tồn khác ở Tây Nguyên, VQG Kon Ka Kinh đang đứng trước những tác động tăng dần từ hoạt động khai thác trái phép của con người. Những loài động thực vật thường xuyên chịu sức ép khai thác quá mức từ các cộng đồng dân cư sống xung quanh vườn quốc gia. Các loài nguy cấp và cực kỳ nguy cấp thì lại càng dễ tổn thương và có nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ cao. Bởi vì các loài này thường có số lượng quần thể nhỏ, loài đặc hữu và có vùng phân bố hẹp. Đối với loài chà vá chân xám, đây là loài đặc hữu của Việt Nam, chỉ phân bố ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Do vậy, cần có những ưu tiên đặc biệt trong chương trình bảo vệ các loài nguy cấp và cực kỳ nguy cấp nhằm tránh nguy cơ bị tiệt chủng cục bộ”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc VQG Kon Ka Kinh cũng thừa nhận: việc khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở các vùng đệm, vùng kết nối. Dù ngoài khu vực của Vườn quản lý thế nhưng nó tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, môi trường sống của các loài động, thực vật nơi đây. Phía Vườn đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền nhưng để nâng cao ý thức của người dân cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, của các chủ rừng và địa phương.

 Có thể thấy, dù nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ Di sản ASEAN này, thế nhưng vẫn còn nhiều thách thức tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái đa dạng, phong phú và nhiều loài đặc hữu ở đây. Nếu không có sự đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương thì nguy cơ Di sản ASEAN này sẽ bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.

MINH TÂN