Báo Công An Đà Nẵng

Bài học đắt giá cho nông nghiệp Iraq

Thứ năm, 06/03/2014 10:08

(Cadn.com.vn) - Đầu những năm 1970 tại Iraq đã diễn ra thảm họa nông nghiệp kinh hoàng. Do lỡ vụ, nông dân sử dụng hạt giống qua xử lý Methyl thủy ngân (Methylmercury) nhập từ Mexico và Mỹ làm thức ăn.

Hậu quả, chỉ trong 2 năm, 450 người bị thiệt mạng và trên 100.000 người khác bị tổn thương não vĩnh viễn.

Tai họa “nhập ngoại”

Trước những năm 1970, trên toàn thế giới có khoảng 300-400 vụ ngộ độc Methylmercury.

Tại Iraq, từ năm 1969, hạn hán kéo dài khiến nông nghiệp bị kiệt quệ, ảnh hưởng cuộc sống của hơn 500.000 người. Năm 1970, Saddam Hussein lúc đó là nhân vật đứng số 2 trong chính phủ, đứng sau Ahmed Hassan al-Bakr, phụ trách nông nghiệp đã ra lệnh nhập khẩu hạt giống được xử lý Methylmercury để dùng cho vụ Đông năm 1971.

Số lượng hạt giống nhập khẩu ước khoảng 95.000 tấn, 73.201 tấn lúa mì và 22.262 tấn lúa mạch. Tất cả được đựng trong bao màu hồng cam để cảnh báo. Lô hàng do hãng SS Trade Carrier vận chuyển, lúa mì cập cảng Basra từ  ngày 16-9 đến 15-10-1971 còn lúa mạch chậm hơn từ 22-10 đến 24-11.

Ngoài yếu tố nhiễm độc Methylmercury, còn phải kể đến những tác động khách quan.

Do hàng hóa đến muộn trong khi vụ gieo trồng đã xong nên mọi việc làm gấp gáp, được cấp miễn phí, kể cả chi phí vận chuyển. Nhiều người sau khi nhận giống về đã đem đi bán nên nguy cơ nhiễm độc lại càng lan rộng.

Các bao chứa hạt giống được in nhãn mác bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, kèm theo hình vẽ “đầu lâu xương chéo” bên ngoài, nhưng nông dân lại không thạo tiếng nước ngoài, không quan tâm đến hình vẽ nguy hiểm nên đã dùng làm thức ăn, nhất là khi vụ gieo trồng đã kết thúc.

Thảm họa bùng nổ còn có do lỗi của những người có trách nhiệm, khi giao hàng cho nông dân lại không giải thích rõ cho mọi người hiểu, thậm chí có người không biết chữ phải điểm chỉ khi nhận hạt giống. Ngoài ra, nhiều bao tải do để quá lâu nên màu sắc, hình vẽ bị phai mờ hoặc bị mất. Số hạt giống này được người nông dân tiêu thụ bằng cách sản xuất bánh mì, dùng chăn nuôi, sản xuất bánh kẹo... nên ngoài việc nhiễm độc trực tiếp gây ô nhiễm nguồn đất và nước.

Do tiêu thụ trực tiếp nên nhiều người mắc bệnh tê da (parathesia), mất khả năng điều phối các hoạt động của cơ bắp, giảm thị lực.

Nhiều người mắc các triệu chứng giống như bệnh Minamata xảy ra cách đó ít lâu tại Nhật Bản do ăn sò và cá ở vùng biển bị ô nhiễm Methyl thủy ngân thải ra ở vùng Vịnh Minamata, gây tê liệt, mệt mỏi, ù tai, mờ mắt, điếc và nói lắp. Đến ngày 26-12-1971, Bệnh viện Kirkuk chính thức phát lệnh cảnh báo dịch, nhưng mãi đến cuối tháng 1-1972 chính phủ mới yêu cầu cấm ăn ngũ cốc nhập khẩu. Lệnh này ra đời quá muộn, phần lớn những người ăn hạt giống đã bị ốm. Quân đội Iraq được điều động đi thu gom, phạt những người cố tình bán hạt giống này.

Người dân đưa đi chôn nhưng việc làm này khiến nước sông River Tigris bị nhiễm độc thủy ngân nặng. Trong khi tình trạng vô cùng nguy hiểm, chính phủ Baghdad lại ban hành lệnh cấm rò rỉ thông tin ra ngoài. Hậu quả, 6.530 người nhập viện, 459 người bị tử vong. Đây là con số chính thức, thực tế còn cao hơn nhiều bởi những người ốm nhập viện kéo dài tới 27-3-1972 và cả những ca chết tại nhà mà người dân không báo. Hơn 100.000 người bị tổn thương não vĩnh viễn.

Hạt giống nhiễm Methylmercury được chế biến thành bánh mì.

Bài học cảnh tỉnh

Từ lâu, việc dùng thủy ngân để xử lý hạt giống đặc biệt là nấm được xem là hiệu quả. Nhưng chính thủy ngân lại là con dao hai lưỡi, bởi gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho con người, vì vậy mà Methylmercury bị cấm ở nhiều quốc gia như Thụy Điển, Anh và nhiều nước khác. Ngay tại Iraq từ năm 1956-1960, có nhiều ca tử vong liên quan đến nhiễm độc thủy ngân nhưng chính phủ không rút ra được bài học.

Ngay sau khi sự việc vỡ lở, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) gửi thuốc, chuyên gia đến hỗ trợ. Nhiều phương pháp khử độc được đưa vào ứng dụng như dùng thuốc Dimercaprol nhưng mặt trái của nó lại làm tăng biến chứng nên người ta hạn chế dùng. Ngoài ra, nạn nhân còn được chạy thận để giảm nồng độ thủy ngân trong máu và giảm độc tố hồng cầu.

Cũng qua vụ ngộ độc nói trên, WHO khuyến cáo cần kiểm soát chặt chẽ trong việc dùng thủy ngân để xử lý hạt giống, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu các biện pháp mới khử độc thủy ngân. Cũng từ đây, các nhà khoa học cho ra đời phương pháp khử nhiễm độc thủy ngân mới để hạn chế hội chứng “quiet baby syndrome”, - tức là nhóm trẻ nhỏ bị nhiễm thủy ngân không bao giờ khóc - do não của các bé bị tổn thương nghiêm trọng vì thủy ngân.

Kim Hùng

(Theo WP/CD)