Báo Công An Đà Nẵng

Bài học đắt giá cho việc phá rừng làm rẫy

Thứ ba, 14/09/2021 07:20

Gia đình ông Hồ Văn Dõa (59 tuổi) là một hộ nghèo ở thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, H. Đakrông, Quảng Trị. Bản ông ở cách không xa cánh rừng phòng hộ, nơi có vạt rẫy mà cha mẹ ông khai phá để lại cho ông canh tác. Bẵng qua nhiều mùa không trỉa lúa để đất hồi phục theo tập quán canh tác, ông Dõa quay lại khai phát luỗng. Ông Dõa nhờ nhiều người làng vào rừng đốn chặt hàng loạt cây to nhỏ thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Hành vi của người đàn ông nghèo dân tộc Vân Kiều – Pa Cô này bị lực lượng chức năng xử lý về hành vi: “Hủy hoại rừng”.

Phát rừng phòng hộ làm rẫy, bị cáo Dõa lãnh án 3 năm tù.

Ngày 13-9, TAND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa xét xử phúc thẩm vụ án: “Hủy hoại rừng” do bị cáo Hồ Văn Dõa có đơn kháng cáo xin giảm án. Vụ án này không khác các vụ hủy hoại rừng trước đó, người phạm pháp đều là đồng bào dân tộc thiểu số, vì thiếu đất sản xuất, canh tác mà khai phát rẫy ngay trong những cánh rừng phòng hộ. Họ sống cả đời bên rừng, chưa từng tiếp tay cho lâm tặc, nhưng thiếu hiểu biết, suy nghĩ phát rẫy trồng lúa, trỉa ngô trượt ra ngoài nhận thức không đầy đủ thông thường ấy.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hồ Văn Dõa cho biết, vạt rừng mà mình khai phá làm rẫy cách nhà chừng 1km. Đó là rẫy mà hàng chục năm về trước, cha mẹ ông phát trồng lúa, sau đó giao lại cho ông canh tác. Mỗi vụ trỉa lúa, ông cùng vợ và đàn con lại lên rẫy. Nhà có 7 đứa con tuổi ăn, tuổi học nên quanh năm thiếu thốn, đói nghèo bao vây. Đến khoảng năm 2002, đất rẫy trên bạc màu nên dừng canh tác. Theo tập quán canh tác “chặt đốt cốt trỉa”, ông và gia đình lại chuyển tìm đất màu mỡ hơn.

Gần 20 năm sau, vào đầu tháng 8-2020, ông Dõa tìm lại rẫy cũ do cha mẹ giao năm ấy, cây lớn thân to, cây nhỏ cũng tầng lớp che nhau. Do nghĩ đất do cha mẹ giao lại nên dù không có giấy tờ gì chứng minh, ông Dõa cũng không báo hay hỏi thông tin trợ giúp từ chính quyền mà gấp rút vào khai phát cho kịp mùa rẫy. Trung tuần tháng 8-2020, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Trạm quản lý bảo vệ rừng TT Krôngklang tuần tra, phát hiện ông Dõa cùng những người được thuê đang đốn hạ cây.

Qua khám nghiệm hiện trường và giám định, diện tích rừng bị xâm hại là 13.000m2; độ che phủ của rừng bị xâm hại là 0,74; chức năng của loại rừng là rừng phòng hộ, thuộc lô 8, 12, khoảnh 10, Tiểu khu 681 (xã Hướng Hiệp, H.Đkrông) thuộc BQL rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông. Tổng số gỗ bị đốn hạ gồm: 148 cây gỗ với tổng khối lượng hơn 66m3, trị giá hơn 112 triệu đồng và 10 ster củi, trị giá 1,6 triệu đồng.

Với diện tích rừng phòng hộ xâm hại như trên, ông Dõa bị khởi tố về tội “Hủy hoại rừng” với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND H. Đakrông nhận định cáo trạng truy tố đúng người đúng tội. Khi xem xét nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, Tòa cấp sơ thẩm nhận thấy bị cáo là người đồng bào thiểu số, ở vùng đặc biệt khó khăn, mặc dù đã được tuyên truyền về chính sách bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhưng do nhận thức không đầy đủ và để có đất canh tác phục vụ cho nhu cầu cuộc sống nên phạm tội. Bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, phạm tội lần đầu nên xử dưới khung hình phạt cũng đủ tác dụng giáo dục và cải tạo, đồng thời thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước. Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Dõa 3 năm tù.

Theo trợ giúp viên pháp lý thực hiện bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm thì diện tích đất rừng trên trước đây do gia đình canh tác, được nhiều người cao tuổi trong bản xác nhận. Nhưng do đất bạc màu nên gia đình bị cáo không tiếp tục làm rẫy, phải để hoang một thời gian mới quay lại luỗng phát. Xuất phát từ sự thiếu hiểu biết nhưng sau khi xảy ra vụ án đã rất ăn năn, nhận thức được lỗi lầm, cố gắng để bồi thường được 5 triệu đồng, dù là một phần nhỏ trong số thiệt hại song là cả nỗ lực lớn của một hộ nghèo… Trợ giúp viên đề nghị xem xét cho bị cáo Dõa được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy bản án sơ thẩm đã thấu tình đạt lý, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo, tuyên y án 3 năm tù.

Điều đặc biệt tại phiên tòa phúc thẩm chính là HĐXX dành nhiều thời gian để nâng cao nhận thức pháp luật cho bị cáo và giải thích cặn kẽ về tội danh: “Hủy hoại rừng”, về bảo vệ rừng phòng hộ. Những lời này còn hướng đến những người con của bị cáo Dõa ngồi dự thính ở phía dưới để tránh lặp lại sai lầm. 

BẢO HÀ