Báo Công An Đà Nẵng

Bài học dựa vào dân ở một huyện vùng cao

Thứ ba, 01/09/2015 12:04

(Cadn.com.vn) - Nam Giang, cửa ngõ lên các huyện phía Tây Quảng Nam và mở hướng sang nước bạn Lào qua cửa khẩu  Đắc Ốc, là địa bàn có vị trí chiến lược về QP-AN và giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Thời gian qua,  lực lượng CAH Nam Giang đã luôn sát cánh trong suốt hành trình ấy, giữ gìn ANTT tạo nền móng vững chắc cho địa phương phát triển, đồng thời gầy dựng niềm tin với người dân...

Thượng tướng Lê Thế Tiệm-nguyên Thứ trưởng Bộ Công an
đến thăm CBCS CAH Nam Giang năm 2011.

Vùng cao Nam Giang đang đổi thay từng ngày. KT-XH đang từng bước phát triển với nhiều công trình mang tầm vóc lớn như Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọc, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, các dự án thủy điện... Song ở địa bàn cửa ngõ vùng tây Quảng Nam mở hướng sang nước bạn Lào qua cửa khẩu Đắc Ốc này vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp với đa phần rừng núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, bọn tội phạm dễ lợi dụng hoạt động.

Xác định rõ những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng không ít thách thức trong công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn, Cấp ủy và lãnh đạo CAH đã và đang nỗ lực từng ngày, trong đó công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng luôn đặt lên hàng đầu làm nền tảng lãnh đạo hiệu quả các mặt công tác công an của toàn lực lượng. Cạnh đó, CAH chú trọng phong trào TDBVANTQ, tranh thủ già làng trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói, gần 100 già làng, trưởng bản hiện nay ở Nam Giang đã trở thành cánh tay đắc lực của chính quyền và lực lượng công an. Điển hình nhất là già làng A Lăng Rêh (ở thôn Ngói, xã Cà Dy). Có 40 năm tuổi Đảng, già Rêh được bà con tín nhiệm bầu giữ nhiều vị trí quan trọng như trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn. Ở thôn Ngói, già Rêh thực sự là chỗ dựa tin cậy của đồng bào, luôn được mọi người nghe theo. Già Rêh thường nhắc nhở dân làng chấp hành tốt các chính sách pháp luật của nhà nước, vận động người dân không phá rừng, gây mất ANTT. Già còn hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp. Nhiều năm liền, thôn Ngói không để mất ANTT, thôn bản không có người phạm pháp... nhờ công lớn từ tấm gương mẫu mực A Lăng Rêh.

Bài học quý từ dân đã đúc kết nhiều kinh nghiệm cho CBCS CAH, nhất là những người cắm bản với đồng bào để thực hiện 3 cùng hoặc xây dựng mạng lưới an ninh từ cơ sở. Các phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ", "Quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc quốc gia và ANTT khu vực biên giới", "Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc" đã quyện chặt tình cảm và trách nhiệm của người dân với cơ quan chức năng. Rất nhiều thông tin nắm bắt từ cơ sở đã giúp lực lượng công an giải quyết kịp thời những vấn đề ANTT.

CAH Nam Giang vận động già làng, trưởng bản thôn Rô, xã Cà Dy tham gia bảo vệ ANTT. 

Với 6 xã vùng cao (gồm La Dêê, La Êê, Chơ Chun, Zuôih, Đắc Pre, Đắc Pring) chung đường biên giới với tỉnh Sê Kông (Lào), Nam Giang có vị trí chiến lược quan trọng trong việc tăng cường hợp tác, hữu nghị trên các lĩnh vực với nước bạn Lào. Đường biên giới chung có 33 cột mốc, tổng chiều dài hơn 78 km. Kể từ khi Nghị định 32 của Chính phủ quy định về "Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền" được triển khai, nhân dân hai bên biên giới có cơ sở pháp lý và cơ hội để giao thương. Ngược lại, công tác đảm bảo an ninh vùng biên giới cũng đặt ra yêu cầu đặc biệt trong hoạt động của lực lượng CAH. Để giữ gìn khu vực biên giới vững chắc, huyện Nam Giang đã chủ động phối hợp với chính quyền H. Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông) xây dựng các tuyến hành lang biên giới ổn định và phát triển. Công tác phòng ngừa với các loại tội phạm xâm hại đến an ninh biên giới giữa 2 huyện cũng được chú trọng. Hai bên phối hợp tuyên truyền cho nhân dân ở khu vực biên giới chấp hành đúng quy chế biên giới, không để xảy ra trường hợp vi phạm, xâm canh xâm cư, xâm hại cột mốc làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực biên giới. Nạn vượt biên trái phép, tội phạm buôn bán ma túy qua đường biên giới được ngăn chặn.

Những năm gần đây, lượng người đến Nam Giang làm việc cùng với số tài sản lớn, xuất phát từ các dự án thủy điện đã khiến đời sống sinh hoạt ở vùng cao Nam Giang thay đổi nhiều mặt. Để đảm bảo ANTT, lực lượng CAH tăng cường công tác nắm tình hình, thông tin trao đổi kịp thời với ban quản lý các dự án thủy điện, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Sự có mặt của lực lượng CAH trên các công trình đã góp phần tạo niềm tin cho các đơn vị, doanh nghiệp đến xây dựng và phát triển ở Nam Giang. Nhiều vụ trộm cắp tài sản đã được điều tra khám phá, nhiều điểm nóng về khai thác vận chuyển lâm, khoáng sản trái phép bị tháo "ngòi nổ". Ở khía cạnh dân sinh, công tác cải cách hành chính trên lĩnh vực ANTT mà Công an huyện đang theo đuổi với tinh thần "Vì nhân dân phục vụ" đã tạo nên hình ảnh gần gũi, thân thiện của chiến sỹ CAND trong lòng người dân. Đặc biệt, các chiến sĩ còn chủ động đến với dân. Những chuyến đi với lỉnh kỉnh máy móc, phương tiện làm chứng minh cho người dân ở các thôn bản xa xôi sát biên giới Việt - Lào có khi kéo dài hàng tuần hoặc nửa tháng ngày càng thường xuyên, cũng là cách để gần dân hơn.

Và từng đêm, hàng trăm lượt chiến sĩ luôn túc trực trên các tuyến đường, tuần tra bảo đảm an ninh trật tự.  Với họ, từng con đường, ngôi nhà đã trở nên thân thiết, tình yêu quê hương và tinh thần trách nhiệm cùng đồng hành trên mỗi cung đường tuần tra. Họ tìm thấy động lực lớn trong công tác từ khung cảnh bình yên của cộng đồng...

Đại tá LÊ QUANG VỊNH -
Trưởng CAH Nam Giang