Báo Công An Đà Nẵng

Bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị

Thứ sáu, 04/09/2015 10:28

(Cadn.com.vn) - Cách đây tròn 70 năm, trong không khí sôi sục cách mạng, nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” do tình hình trong nước và thế giới đem lại, Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phát xít giành chính quyền trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt nhất trong hơn 80 năm đấu tranh đánh đổ ách nô lệ thực dân, phát xít của dân tộc ta; là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc của Việt Nam; là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình của thế kỷ XX, kể từ sau cách mạng Tháng Mười Nga. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi”; “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi mở ra một thời đại mới, thời đại mà người dân từ vị thế bị áp bức, bóc lột, bước lên vũ đài chính trị, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ bản thân thông qua chế độ dân chủ nhân dân. Giá trị cốt lõi của dân quyền, nhân quyền lần đầu tiên đã xuất hiện trong lịch sử nước nhà. Xưa, triết lý ứng xử với dân của nhà nước phong kiến “Dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc), nay, Cách mạng Tháng Tám tạo ra một triết lý mới “Dân vi bản” (Dân là gốc, dân là chủ, dân làm chủ). Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng trên lập trường giai cấp công nhân, vận dụng một cách sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc và dũng khí đấu tranh anh hùng, bất khuất của Nhân dân Việt Nam.

Trong rất nhiều yếu tố làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến hai nhân tố, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng và đường lối đoàn kết toàn dân tộc.

Trước hết, ta thấy, năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành về cơ bản. Từ năm 1930 trở đi, tư tưởng đó được hiện thực hóa, từng bước làm chuyển hóa phong trào cách mạng Việt Nam. Cùng với Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng trở thành hạt nhân của phong trào cách mạng. Dù lực lượng còn ít nhưng tập hợp những người tuyệt đối trung thành, sẵn sàng hy sinh cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, hết lòng vì dân vì nước. Bên cạnh đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng các lực lượng cách mạng khác bao gồm lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng...

Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, ở Đông Dương quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, những điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu cũng phải giành cho được độc lập. Phương châm hành động là “Cần phải tranh thủ từng giây, từng phút tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Nắm chắc thời cơ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chuẩn bị gấp và triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu Quốc dân ở Tân Trào. Tại đây đã chủ trương phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta giải giáp quân đội Nhật. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy dùng sức ta mà giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!...".

Hai là, chủ trương “Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền” đã thể hiện tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là thoát khỏi ách áp bức “một cổ hai tròng” của thực dân đế quốc và phong kiến tay sai. Vì thế chủ trương đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của toàn dân tộc. Để xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng, chuẩn bị cho cuộc cách mạng sau này, trong Kinh cáo đồng bào (6-6-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào, các bậc phụ huynh, hiền huynh chí sĩ, các bậc phú hào yêu nước, thương nòi, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương... Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”. Vì vậy khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiến hành xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu để đủ sức tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia đắc lực của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Cùng với việc mở các lớp huấn luyện chính trị và quân sự cho nhiều cán bộ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp yêu nước trong xã hội. Đâu đâu cũng phát triển mạnh mẽ các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh như: Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc... Vai trò và sức mạnh to lớn của Mặt trận Việt Minh được phản ánh trong thực tiễn, có sức lôi cuốn hiệu triệu mạnh mẽ quần chúng đứng lên đấu tranh giành độc lập tự do.

Rõ ràng, cùng với các nhân tố khác, hai nhân tố nội tại nêu trên đã hòa quyện với nhau, cùng hướng tới một mục tiêu chung, nhanh chóng biến thành một sức mạnh vô cùng to lớn để tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi và sự ra đời của nước Việt Nam mới. Có thể nói cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945  thành công là một trong những thắng lợi nổi bật, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi đó cùng với các bài học về vai trò lãnh đạo của Đảng, về lòng dân... luôn trường tồn cùng với lịch sử dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân ta, đã, đang và sẽ là những chỉ dẫn quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta hiện nay.

Lê Minh Hùng