Bài học sóng thần
(Cadn.com.vn) - Sau vụ động đất 8,9 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra hôm 11-4, một loạt nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Malaysia công bố cảnh báo sóng thần, yêu cầu người dân khẩn trương sơ tán khỏi các vùng bờ biển và theo dõi tình hình một cách chặt chẽ. Mặc dù các chuyên gia Mỹ, Australia, Anh và cả Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương, cho biết, nguy cơ xảy ra sóng thần lớn sau trận động đất này dường như không cao, nhưng vì sao các nước này lại nâng mức cảnh báo cao đến như vậy? Câu trả lời nằm trong bài học thảm họa sóng thần năm 2004. Năm đó, sau trận động đất mạnh khoảng 9,3 độ Richter xảy ra ngoài khơi tỉnh Aceh của Sumatra, một trận sóng thần khủng khiếp xảy ra khắp Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và 8 nước khác.
Mặc dù khoảng cách thời gian giữa lúc xảy ra động đất và thời điểm sóng thần ập đến lên đến vài tiếng đồng hồ, nhưng hầu hết nạn nhân đều hoàn toàn bất ngờ khi đột nhiên thấy những cơn sóng khổng lồ vồ lấy mình. Bởi lúc đó, không hề có hệ thống cảnh báo sóng thần nào trên Ấn Độ Dương và quan trọng hơn là người dân cũng không được dạy những kiến thức cơ bản nhất để nhận biết sóng thần sắp xảy ra.
Ở các nước Thái Bình Dương, học sinh các trường đều được dạy về những dấu hiệu cảnh báo về sóng thần, trong đó có hiện tượng là trong ít phút trước khi sóng thần đánh vào bờ, nước biển thường rút ra xa và sủi bọt. Một số du khách nước ngoài khi có mặt ở các nước vào thời điểm đó đã nhận biết được hiện tượng này và nhờ đó cứu sống được rất nhiều người. Tuy nhiên, đa số người dân ở các nước Ấn Độ Dương khi thấy hiện tượng hiếm hoi này lại tỏ ra tò mò tìm đến để quan sát, lượm bắt cá bị trôi dạt mà không biết tai họa đang ập đến. Chính sự ngây thơ đến khó hiểu này đã khiến con số thiệt hại về người sau thảm họa sóng thần năm 2004 quá lớn, trở thành trận sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của loài người. Chỉ sau khi xảy ra thảm họa, người ta bắt đầu quan tâm đến nhu cầu lắp đặt một hệ thống cảnh báo sóng thần cho vùng biển Ấn Độ Dương và trang bị kiến thức phòng hộ cho người dân.
Và đó là lý do vì sao các nước tỏ ra quá lo ngại như thế, họ sợ thảm họa sóng thần 2004 tái diễn. Nhưng cho đến nay, mối lo đó đã được loại bỏ. Theo giới chuyên gia, sóng thần không xảy ra sau trận động đất này vì cường độ không đủ mạnh và quan trọng là nó hoàn toàn khác về bản chất so với trận động đất 8 năm trước.
Thanh Văn