Bài học từ Đà Nẵng! (Kỳ 1: Luồng “đại phong” mang tên Nghị quyết 33)
Còn nhớ, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vào giữa tháng 4-2019 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai, Trưởng Đoàn công tác của Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đà Nẵng là câu chuyện rất sinh động trong quá trình triển khai các quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cả về mặt thành công lẫn những vấn đề cần điều chỉnh”. Quả thực, thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng thời gian qua, những nhận định, “đúc kết” nêu trên là hoàn toàn có cơ sở...
Và trong quá trình phát triển ấy, người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm. (Trong ảnh: Lãnh đạo TP qua các thời kỳ luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân). |
* Thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt trong việc triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, ngoài những thành tựu nổi bật được nhắc đến, thì Đà Nẵng cũng phải trả giá cho những sai lầm, khuyết điểm cả về nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Và phải chăng, nhận thức rõ sai lầm, khuyết điểm chính là tiền đề quan trọng để Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển mới một cách mạnh mẽ, bền vững hơn? |
Nhanh chóng xác lập vị thế
Hai thập niên trở lại đây, Đà Nẵng luôn được coi là một hiện tượng, một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Có nhiều “mỹ từ” được ưu ái dành cho Đà Nẵng, như “thành phố đáng sống”, là “điểm đến lý tưởng”. Mới đây nhất, tờ báo danh tiếng The New York Times của Mỹ công bố danh sách 52 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh trong năm 2019, thì Đà Nẵng vinh dự được xếp ở vị trí thứ 15... Sẽ không phải tự trào, cũng không nên cảm thấy ái ngại, mà thực tế đây là sự ghi nhận xứng đáng, là niềm vui, niềm tự hào, là sự khích lệ to lớn đối với những gì mà Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng đã bền bỉ phấn đấu xây dựng TP.
Ngược thời gian hơn 20 năm về trước, lúc ấy Đà Nẵng chỉ là TP trực thuộc tỉnh, không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế, đa phần người dân vẫn sống ở mức trung bình hoặc dưới trung bình... Theo KTS Bùi Huy Trí, mang danh là một TP biển nhưng cả Đà Nẵng khi ấy chỉ có vài ba bãi tắm. Gần như toàn bộ dải bờ biển chỉ là những xóm chài nghèo, TP thực sự quay lưng với biển. “Sông Hàn khi ấy đơn giản chỉ là sự ngăn cách bất tiện giữa đôi bờ với những xóm nhà chồ xơ xác phía bờ Đông. Khu vực phát triển nhất của đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi Q. Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà với diện tích chưa đầy 6.000ha... Qua hơn 20 năm kể từ ngày thống nhất đất nước đến thời điểm trước năm 1997, sự phát triển của Đà Nẵng là rất chậm. Hình hài đô thị không khác là bao so với mấy mươi năm trước đó”, ông Bùi Huy Trí nói.
Thời khắc đánh dấu một giai đoạn đầy triển vọng của Đà Nẵng là ngày 1-1-1997, khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Ngay thời điểm ấy, Đà Nẵng bắt tay đầu tư nhiều dự án cải tạo đô thị, nâng cấp một số tuyến giao thông huyết mạch, chỉnh trang, cải thiện hạ tầng kỹ thuật cho các khu phố cũ. Những nỗ lực ban đầu tuy chưa nhiều nhưng đã tạo nên một luồng gió mới.
Cũng theo ông Bùi Huy Trí, Đà Nẵng chỉ thực sự phát triển bùng nổ ở thời điểm những năm 2000, khi TP có thêm những nền tảng pháp lý và khoa học mang tính chiến lược. Đó là Quyết định số 465 ngày 17-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Và “luồng sinh khí” lớn nhất phải kể đến là Nghị quyết số 33 ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Đây được coi là những nền tảng vững chắc để tạo đà cho một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của Đà Nẵng”, ông Trí nhìn nhận.
Nghị quyết 33 với mục tiêu “xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm KT-XH lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính- ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020...”.
Dựa trên những cơ sở pháp lý mang tính chiến lược đó, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt dự án cùng lúc khiến “cả thành phố như một đại công trường”. Hầu như tất cả các khu vực có đất trống trong đô thị đều được triển khai các dự án. Toàn bộ hai dải ven biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven biển, các khu đô thị mới, các khu du lịch, nghỉ dưỡng... Các xóm nhà chồ trên sông Hàn với hàng ngàn hộ dân được giải tỏa, di dời để hình thành các tuyến đường ven sông cùng các khu phố mới. Các cây cầu lần lượt được xây dựng nối liền hai bờ sông Hàn, tạo động lực cho phát triển... Công cuộc tái thiết và mở rộng đô thị diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử phát triển Đà Nẵng. Đây có thể coi là giai đoạn khai phá, định hình và tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo. “Qua hơn 20 năm phát triển, đô thị Đà Nẵng đã lột xác cả về không gian, chất lượng hạ tầng, kinh tế - xã hội. Sự thay đổi nhanh chóng đó đã biến Đà Nẵng từ vị thế của một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị lớn của miền Trung có nội lực đáng kể. Việc Đà Nẵng được lựa chọn và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là minh chứng rõ nét nhất”, ông Trí khẳng định.
Đà Nẵng đã thực sự “lột xác” sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển. |
Người dân luôn ở vị trí trung tâm
Vấn đề được đặt ra là với sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của Đà Nẵng thời gian qua, thì vai trò, vị trí của người dân, hay nói cách khác, người dân đứng ở đâu trong quá trình phát triển ấy? Bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng khẳng định rằng: “Người dân Đà Nẵng luôn đứng ở trung tâm của sự phát triển”. Theo bà Liên, vai trò của nhân dân Đà Nẵng rất rõ nét, minh chứng là để có được Đà Nẵng khang trang, hiện đại như ngày hôm nay, thì có khoảng hơn 100 ngàn hộ dân phải thay đổi chỗ ở, di dời nhà cửa, mồ mả, thay đổi nếp sống, thay đổi kết cấu cộng đồng đến nơi ở mới theo đúng quy hoạch để giành không gian cho sự phát triển của thành phố. Và ngược lại, những chương trình của thành phố cũng xuất phát vì người dân và phục vụ mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, như chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”... Tất cả chương trình này đều hướng vào người dân, và người dân chính là chủ thể thực hiện và cũng là đối tượng được thụ hưởng.
Một trong những kết quả rõ ràng nhất, biện chứng cho câu trả lời “người dân đứng ở vị trí trung tâm của sự phát triển”, đó là hiện tỷ lệ người nghèo ở Đà Nẵng rất thấp, đề án giảm nghèo theo tiêu chuẩn của TP trong từng giai đoạn đều về đích trước 2 năm. Cụ thể, cả hai giai đoạn (2011-2015 và 2016-2020), chỉ trong vòng 3 năm đầu đã về đích. Thành phố hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của T.Ư, mà đang thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2019-2020 theo chuẩn mới của TP (khu vực nông thôn là 1,3 triệu đồng/người/tháng; thành thị 1,5 triệu đồng/người/tháng)- cao hơn chuẩn mới của cả nước. “Có thể khẳng định, người dân luôn ở vị trí trung tâm sự phát triển của thành phố, và chính sự đóng góp của người dân đã tạo nên sự phát triển của Đà Nẵng như ngày hôm nay”, bà Đặng Thị Kim Liên nói.
Và, để thêm một lần nhấn mạnh đến vai trò, vị trí trung tâm của người dân trong quá trình phát triển của TP, mới đây, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định rằng, Đà Nẵng đang có quyết tâm, cũng là thông điệp gửi đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đó là phát triển TP bền vững và hướng tới người dân. “Đây là thông điệp chung, cũng là đòi hỏi đặt ra cho các cấp chính quyền và các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
DOÃN HÙNG
Kỳ tới: Nhìn thẳng vào khuyết điểm để sửa sai