Bại liệt đe dọa Trung Đông
(Cadn.com.vn) - Các cơ quan y tế đang cảnh báo về nguy cơ bệnh bại liệt từ Syria lan rộng khắp Trung Đông. Hiện Syria có hơn 100 trẻ em có triệu chứng mắc bệnh - mặc dù một chiến dịch tiêm chủng lớn đang được thực hiện cho hàng triệu trẻ em ở các nước xung quanh.
Muhammad, 5 tháng tuổi, vừa được chẩn đoán mắc bệnh bại liệt. Là một trong những bệnh lây nhiễm nhiều nhất và đáng sợ trong thế kỷ XX, bại liệt đã tấn công hàng ngàn trẻ em. Một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu nhằm loại trừ bệnh này đang được thực hiện. Nhưng giờ đây, do cuộc nội chiến, căn bệnh quay trở lại, dấy lên nỗi hoảng sợ trên khắp Trung Đông, và khiến nhiều gia đình tuyệt vọng. Cha mẹ đã đưa cậu bé qua biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm tra.
Tái xuất
Syria tuyên bố chấm dứt bệnh bại liệt vào năm 1999. Nhưng bệnh tái xuất hiện vào năm 2013, sau 2 năm nội chiến.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện nay có 25 trường hợp bị bệnh được xác nhận ở Syria. Nhưng theo các bác sĩ Syria, số trẻ em với các triệu chứng lâm sàng cao hơn nhiều, ít nhất là 110. Một số bác sĩ nói con số lên đến 1.000 người.
Bác sĩ Basel al-Khader của Tổ chức từ thiện “Tay trong Tay” tại Syria, người đưa bé Muhammad đến Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra, cho biết, tình trạng đang tồi tệ hơn bởi virus bại liệt là một sát thủ thầm lặng”. Virus bại liệt sống trong nước, thực phẩm và nước thải ô nhiễm. Virus này lần đầu tiên được phát hiện tại một trong những tỉnh kém phát triển nhất Syria - Deir ez- Zor, nơi cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp điện và nước sạch bị phá hủy phần lớn.
Một trẻ em ở miền đông Syria với đôi chân bị tê liệt vì bệnh bại liệt. Ảnh: BBC |
Căn bệnh do chiến tranh
Tỷ lệ tiêm chủng vaccine bại liệt ở Syria giảm từ 91% trước chiến tranh xuống còn 68% trong năm 2012. Tại các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, mức độ tiêm chủng thấp hơn nhiều. Chính phủ Syria cho biết, họ tiếp tục tiêm chủng trong cả nước dù xảy ra xung đột, nhưng nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế nước ngoài vẫn tỏ ra nghi ngờ.
Annie Sparrow, bác sĩ nhi khoa Mỹ, người thường xuyên đến đây giám sát các ổ dịch, cáo buộc WHO báo cáo giảm nhẹ quy mô của dịch bệnh và phản ứng quá muộn. Cơ quan này chỉ mới đưa ra một cảnh báo quốc tế từ tháng 10-2013, mặc dù trường hợp trẻ em đầu tiên mắc bệnh xuất hiện từ tháng 7 và loại virus này lần đầu tiên được tìm thấy ở Trung Đông vào tháng 12-2012. Trợ lý Tổng giám đốc WHO Bruce Aylward bác bỏ cáo buộc.
Tuy nhiên, ông thừa nhận WHO vấp phải nhiều cản trở trong việc hỗ trợ xuyên biên giới. WHO làm việc thông qua chính phủ các nước và không được phép cung cấp vaccine trực tiếp đến khu vực do quân nổi dậy kiểm soát thông qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, các bác sĩ Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực vào cuộc. 8.500 tình nguyện viên tiêm chủng cho 1,5 triệu trẻ em.
Đó là công việc nguy hiểm. 2 nhân viên tiêm chủng bị giết và nhiều người khác bị thương. Nhiều trẻ em sống ở các vùng xảy ra giao tranh nên đội y tế không thể tiếp cận.
Lây lan khắp Trung Đông
Chính phủ các nước có biên giới với Syria và các cơ quan LHQ hiện đang tiến hành chiến dịch lớn chủng ngừa cho khoảng 23 triệu trẻ em, trong nỗ lực để ngăn chặn bệnh bại liệt lây lan rộng bởi dòng người tị nạn từ Syria.
Lebanon, với hơn 1 triệu người tị nạn, và một hệ thống y tế ọp ẹp là nước có nguy cơ cao nhất. Trong thung lũng Bekaa, Tổ chức Nhi đồng LHQ (UNICEF) đang phân phối vaccine tại một trong những “khu định cư không chính thức”, nơi người tị nạn sống trong những lều tạm được dựng từ các vật liệu bỏ đi. Bác sĩ Melhem Harmouche, phụ trách nhóm nghiên cứu, thừa nhận không có danh sách tất cả những người tị nạn và không thể chắc chắn, tất cả các trẻ em tị nạn đều được tiêm phòng.
Nhưng nếu trẻ em nhận được ít hơn 6 liều, không đảm bảo 100 % sẽ được miễn dịch, nhất là nếu hệ miễn dịch của trẻ suy giảm do suy dinh dưỡng, điều kiện đông đúc, và sử dụng nước bị ô nhiễm.
An Bình
(Theo BBC)