Bãi nà của ngoại!
(Cadn.com.vn) - “Ông tha mà bà chẳng tha/mần cho trận lụt hăm ba tháng mười". Câu vè ấy quá quen thuộc với người dân xứ Quảng, là chút kinh nghiệm nho nhỏ được đúc kết từ thực tiễn về thiên nhiên để chỉ cái mốc thời gian mà bà con nông dân có thể được trồng tỉa, canh tác, nhất là đối với những vùng đất trũng, thấp tại những bãi bồi ven sông Vu Gia, Thu Bồn.
Từng luống khổ qua um tùm trên bãi nà đang đầy quả non. Ảnh: Thái Mỹ |
Ở xứ Quảng thông thường phải qua ngày 23 tháng 10 âm lịch thì những đợt lũ lụt cuối mùa mới bắt đầu chấm dứt, bầu trời trở lại thoáng đãng, trong xanh, sáng sớm giăng mờ sương khói. Năm nay thời tiết khác lạ, thất thường, những cơn mưa chỉ xuất hiện lẻ tẻ, ào ào rồi bất chợt tạnh ráo, hanh hao, hửng nắng như tiết trời phương Nam. Mực nước các sông Thu Bồn, Vu Gia ở đỉnh cao nhất cũng chỉ mấp mé ở phía ngoài rặng tre chạy dọc bờ sông nên bà con nông dân có điều kiện làm nà sớm. Nà là những bãi đất phù sa ven sông rất màu mỡ, tươi tốt, mỗi năm đều được các dòng sông ban tặng. Trước đây, nà thường được trồng dâu để nuôi tằm, trồng dưa hấu, rau, đậu... song năng suất thấp nên bây giờ nông dân canh tác các loại cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao hơn như đu đủ lùn Đà Lạt, dây khổ qua, ớt Thái Lan...
Ngoại tôi cũng có hơn một sào đất nà phía bãi bồi trước nhà. Năm ngoái, ngoại tỉa đậu xanh xen canh dưa hấu nhưng khi những quả dưa vừa mới hườm hườm còn nằm ngổn ngang, chen chúc như những chú lợn con trên đất cát mịn bóng thì trận lụt trái mùa tháng 4 nhấn chìm trong biển nước đỏ ngầu giận dữ. Thế là ngoại cũng như bao người nông dân lam lũ quê tôi mất trắng nên sợ bị rủi ro lặp lại, năm nay ngoại chỉ trồng khổ qua với các loại rau, may ra còn có chút thu nhập để bù lại công sức nhọc nhằn của những tháng ngày dầm mưa, dãi nắng. Vừa rồi về quê thăm ngoại, tôi lững thững ra bãi nà để xem những luống khổ qua xanh mướt mọc san sát bên nhau thật mát mắt. Loanh quanh ở bãi nà khổ qua một màu xanh ngắt trong sáng sớm mới tận hưởng được sự yên ắng, trong lành của chốn đồng quê. Tôi thả những bước chân chậm chạp theo từng đường rãnh những luống khổ qua đã phủ xanh cỏ dại. Nghe tiếng sột soạt, những chú chim quốc đang chui rúc, kiếm ăn trong bãi nà đập cánh, rần rật bay đi làm tôi không khỏi giật mình. Thỉnh thoảng tiếng chim cu cườm gù từ phía xa xa vọng về và ký ức thuở mục đồng trong tôi bỗng thức giấc...
Cũng tại bãi nà này đây, ngay trên mảnh đất ven sông Thu Bồn này hơn bốn thập niên về trước cứ qua 23 tháng 10 là đám trẻ chúng tôi vác cuốc ra nà đào bắt những con sùng to bằng ngón chân cái mang về làm sạch nướng giòn chấm với muối ớt, món ngon nhất của trẻ thơ đồng quê hồi đó. Năm nào lụt lớn, sùng đất càng nhiều vô kể nhưng bây giờ hiếm hơn, nếu có nhiều cũng là món đặc sản trên bàn nhậu của những người lắm tiền nơi phồn hoa phố thị. Nhìn những luống khổ qua của ngoại, lòng tôi khấp khởi mừng thầm, bởi mới hơn một tháng mà những dây khổ qua mảnh khảnh của ngoại đã phủ kín, xanh rì, lún phún vô kể những quả non bằng ngón tay út. Lác đác còn thấy lủng lẳng những quả ra sớm đã to bằng trái bắp, có thể hái nấu canh với thịt bò rất ngon hoặc mang ra chợ bán cũng được giá hơn khi khổ qua rộ mùa.
Từng đợt gió sáng sớm giữa đông băng qua bãi nà nhè nhẹ làm cho các luống khổ qua khẳng khiu, yếu ớt lao chao. Các chú ong vẫn cứ rập rờn theo từng đợt gió miệt mài bám riết vào những cánh hoa mỏng manh tí xíu vàng rực để hút mật. Những giọt sương đêm còn treo lơ lửng trên các tán lá khổ qua trong veo đợi nắng giống như những hạt ngọc càng làm cho những luống khổ qua ven bờ sông đẹp như tranh. Tôi rời bãi nà mà bàn chân như bị níu lại bởi trong lòng lại chộn rộn hai tiếng: quê hương!
Tạp văn: Thái Mỹ