Bài toán GSOMIA
Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA) hiện đang trở thành bóng mây đen u ám đeo bám lên mối quan hệ vốn không mấy êm ả giữa Nhật Bản và Hàn Quốc khi Seoul kiên quyết chấm dứt GSOMIA với Tokyo bất chấp những kêu gọi và nỗ lực hàn gắn của Mỹ.
Trong bối cảnh này, Washington vẫn đang làm mọi cách để kéo hai nước láng giềng Châu Á này xích lại gần nhau hơn trong vấn đề GSOMIA này. Hôm 18-11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết, Mỹ đang hối thúc cả Hàn và Nhật nỗ lực thu hẹp bất đồng để duy trì GSOMIA. Nhưng xem ra, vẫn rất ít dấu hiệu cho thấy hai bên thay đổi lập trường.
Tại cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono, khi được hỏi về bất cứ đề xuất mới nào từ Tokyo liên quan hiệp định này, Bộ trưởng Jeong Kyeong-doo nói: “Không có câu trả lời khả quan nào từ đó (phía ông Kono) dẫu cho chúng tôi đã rất cố gắng”. Đây là một kết quả đáng thất vọng bởi cuộc gặp trên được xem là cơ hội cuối cùng để hai nước đạt được đột phá trong bối cảnh chỉ còn mấy ngày nữa GSOMIA sẽ hết hạn.
Hồi tháng 8, Seoul quyết định chấm dứt GSOMIA trong bối cảnh tranh cãi về thương mại và vấn đề lịch sử thời chiến với Tokyo. Quyết định chấm dứt thỏa thuận này, như một hành động đáp trả việc Tokyo áp đặt các hạn chế xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Dự kiến, hiệp định này, nhằm chia sẻ thông tin về các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, sẽ hết hạn vào ngày 23-11. Seoul mới đây đã ra điều kiện để xem xét lại quyết định này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này sẵn sàng xem xét lại quyết định nếu Tokyo rút lại các biện pháp hạn chế về xuất khẩu “bất công” đối với Seoul. Tuy nhiên, cho đến nay, Tokyo chưa có động thái gì về vấn đề này.
Seoul cũng phớt lờ luôn trong bối cảnh đa số người dân Hàn Quốc cũng muốn chấm dứt GSOMIA. Theo kết quả cuộc khảo sát ý kiến do RealMeter công bố ngày 18-11, đa số người dân Hàn Quốc muốn chính phủ nước này thúc đẩy quyết định không xem xét lại GSOMIA với Nhật Bản.
THANH VĂN