Bài toán kinh tế cho Tổng thống đắc cử Pháp
(Cadn.com.vn) - Giới phân tích nhận định, nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế Pháp của Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron sẽ không hề dễ dàng.
Macronomics - cũng giống như Abenomics (chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe) - chính là “liều thuốc” được Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron kê đơn để chữa trị căn bệnh kinh tế trầm kha của nước Pháp trong một thập kỷ qua.
Tổng thống đắc cử Macron và những người ủng hộ. Ảnh: AP |
Chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử hôm 7-5 đã giúp ông Macron theo đuổi chương trình nghị sự kinh tế đề ra trong suốt chiến dịch tranh cử, từ việc cắt giảm thuế cho các Cty và người lao động, đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập tại Liên minh Châu Âu (EU). Tất nhiên, mục đích cuối cùng của ông là vực dậy nền kinh tế lớn thứ 2 Châu Âu này, đưa nó trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ hoặc ít nhất là ở mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào năm 2008.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng này, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Pháp là 1% mỗi năm, và nhiều người đổ lỗi cho thị trường việc làm tương đối thiếu linh hoạt. Đức và Anh - những quốc gia mà Pháp so sánh nhiều nhất, đã làm tốt hơn rất nhiều. Mức tăng trưởng đó là quá thấp để đủ lực tạo ra công ăn việc làm nhằm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, vốn ở mức hơn 10% trong nhiều năm, gấp đôi tỷ lệ ở Đức. Thậm chí, tỷ lệ thất nghiệp trong những người dưới 25 tuổi là ở mức 25%, gấp 3 lần ở Đức.
Đối với hầu hết người lao động, mức giảm tương đối được thể hiện rõ ràng trong số tiền lương hàng tháng. Vào đầu thiên niên kỷ này, thu nhập trung bình ở Pháp ngang bằng với Đức – nhưng hiện đã tụt còn khoảng 10%. Và nợ công đã tăng lên, đứng ở mức cao trong lịch sử. Tất cả đều đẩy người dân Pháp sống trong một thập kỷ đáng thất vọng tại một quốc gia có tiềm năng mạnh mẽ, từ năng suất kinh tế cao đến ngành công nghiệp quy mô lớn.
Là một cựu Bộ trưởng Kinh tế, ông Macron xem việc khôi phục nền kinh tế Pháp là nhiệm vụ sống còn khi lên nắm quyền ở Điện Élysée. Giới quan sát cho rằng, ông Macron, vốn là chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, sẽ đưa nước Pháp đến với “cơ hội cải cách thực sự”, sẽ đẩy nền kinh tế Pháp đi lên và củng cố vị thế ở Châu Âu.
Các nỗ lực của ông Macron tập trung vào việc giảm chi tiêu ngân sách xuống 52% sản lượng kinh tế hàng năm, so với 55% hiện nay, mức cao nhất ở EU. Ông muốn giữ thâm hụt ngân sách trong các quy tắc chi phối đồng EUR, dưới 3% GDP hàng năm. Ông đã đề xuất những thay đổi tiếp theo đối với thị trường lao động, đặc biệt là chuyển sang thương lượng tập thể, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể linh hoạt hơn trong việc ký kết các thỏa thuận.
Ông muốn hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 25% so với mức 33,3% hiện nay. Thuế lao động, thuế nhà cũng được giảm. Trong nỗ lực lớn mạnh hơn cho kế hoạch giảm tỷ lệ thất nghiệp, tổng thống đắc cử đề xuất các quy tắc nghiêm ngặt hơn về trợ cấp thất nghiệp nhưng nỗ lực gia tăng đào tạo nghề. Cuối cùng, ông muốn đầu tư 50 tỷ EUR để hiện đại hóa đất nước, chẳng hạn như công nghệ xanh, chăm sóc sức khỏe và giao thông vận tải.
Chữa bệnh cho nền kinh tế Pháp sẽ là điều rất quan trọng để đánh tan hoàn toàn giấc mộng lên nắm quyền của ứng viên đối thủ Marine Le Pen trong cuộc bầu vào năm 2022. Mong muốn thay đổi, hy vọng vực dậy nền kinh tế của người Pháp được thể hiện rõ trong thực tế lá phiếu dành cho ông Macron và bà Le Pen tại cuộc bầu cử vừa qua.
Tổng thống đắc cử Macron có thể đang khởi động guồng máy với nhiều may mắn. Nền kinh tế Pháp dường như đã tăng đà trong những tháng gần đây. Các khảo sát về hoạt động kinh doanh của Cty tài chính IHS Markit cho thấy, tăng trưởng ở mức cao nhất trong 6 năm qua. Điều đó có vẻ như một phần nhờ những cải cách trước đây về đào tạo và tuyển dụng, nhưng cũng nhờ vào sự tăng trưởng của Châu Âu nói chung.
Nhưng việc tìm lối thoát cho nền kinh tế Pháp không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Thực tế, hai người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy và Francois Hollande đã không làm được gì bất chấp nhiều nỗ lực thay đổi.
Khả Anh