Báo Công An Đà Nẵng

Bài toán mở lại nền kinh tế

Thứ năm, 09/04/2020 14:15

Làm thế nào để có thể khởi động lại nền kinh tế đã bị đóng cửa dođại dịch Covid-19? Câu trả lời là: cần phải rất, rất cẩn trọng.

Ngay cả khi Covid-19 vẫn hoành hành và lan rộng khắp thế giới, các chính phủ Châu Âu bắt đầu nghĩ về cách mở lại các nhà máy, văn phòng và trường học trong khi giảm thiểu khả năng bùng phát thêm. Áo hồi đầu tuần cho biết sẽ dần mở lại các cửa hàng sau Lễ Phục sinh (12-4), trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu làm như vậy.

“Cuộc đua marathon”

Áp lực đang đè nặng lên các chính phủ trong việc công bố các kế hoạch chống dịch vì ảnh hưởng kinh tế là quá lớn. Đã có những nỗi sợ rằng nguồn cung cấp thực phẩm và các điều khoản chăm sóc sức khỏe có thể bị hủy hoại nếu các hạn chế đi lại kéo dài quá lâu. Nhưng nếu thực hiện sai việc mở cửa trở lại, đại dịch có thể bùng phát nguy hiểm hơn, lại một vòng hạn chế khác trong công việc và cuộc sống công cộng, và nỗi đau kinh tế sẽ nhiều hơn nữa.

Ở Đức, nơi hơn 100.000 người mắc bệnh với hơn 1.600 người đã chết, một nhóm các nhà kinh tế, luật sư và chuyên gia y tế đang khuyến nghị hồi sinh dần dần nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, theo đó sẽ cho phép các ngành công nghiệp và công nhân cụ thể tiếp tục các hoạt động trong khi vẫn thực hiện các bước đi ngăn chặn virus. Một số chuyên gia cho rằng, sẽ khó có được vaccine hoặc thuốc điều trị hiệu quả Covid-19 trước năm 2021. Do đó, Đức nên tiếp cận cuộc chiến chống lại căn bệnh “giống như một cuộc đua marathon hơn là chạy nước rút”. “Các biện pháp trong tương lai phải được thiết kế và chuẩn bị theo cách, một mặt, chúng đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt và mặt khác, chúng có thể được duy trì trong những khoảng thời gian cần thiết”, các chuyên gia viết.

Đức đã ra lệnh đóng cửa các trường học, nhà hàng, sân chơi, các sân chơi thể thao và hầu hết các cửa hàng... cho đến ít nhất là ngày 20-4, đẩy một nền kinh tế đang đứng trước bờ vực suy thoái xuống hố sâu.

Làm thế nào để khởi động lại nền kinh tế

Chính phủ Đức đã triển khai gói giải cứu kinh tế trị giá tới 750 tỷ EUR (825 tỷ USD) bao gồm các biện pháp thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp, tham gia vào các Cty và hỗ trợ công nhân làm việc. Gói này là một trong những gói lớn nhất được tung ra trên thế giới.

Báo cáo của tổ chức Ifo cho thấy, nước này nên thành lập “đội đặc nhiệm” quốc gia gồm các chuyên gia và đại diện công chúng sẽ đưa ra khuyến nghị về cách giảm bớt các hạn chế trong công việc và đời sống công cộng, và khi nào các ngành công nghiệp nên khởi động lại sản xuất. Và nhân viên có quyền quyết định sẽ quay trở lại làm việc như thế nào. Các ngành công nghiệp như viễn thông và sản xuất ô-tô xa xỉ ở Đức nên được ưu tiên, trong khi công việc có thể dễ dàng thực hiện tại nhà nên tiếp tục được thực hiện từ xa. Nhà trẻ và trường học sẽ sớm mở cửa trở lại nhanh chóng, vì những người trẻ tuổi hiếm khi có các triệu chứng nghiêm trọng và cha mẹ không thể làm việc nếu các cơ sở chăm sóc trẻ em và trường học vẫn đóng cửa.

Không có câu lạc bộ hay sự kiện lớn

Các Cty sản xuất các sản phẩm hoặc linh kiện chăm sóc sức khỏe cũng nên nhanh chóng mở cửa trở lại, trong khi các khách sạn và nhà hàng nên thực hiện “rất cẩn thận và có kiểm soát” vì mọi người khó giữ khoảng cách tại những nơi như vậy. Các vũ trường và câu lạc bộ nên đóng cửa cho đến khi an toàn, và cũng không tổ chức các sự kiện với số lượng lớn khán giả.

Các chuyên gia nói rằng, có thể có các tiêu chuẩn khác nhau được đặt ở các khu vực khác nhau. Hạn chế có thể được nới lỏng trước tiên ở những nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp hoặc giảm nguy cơ lây, chẳng hạn như nông thôn. Các chuyên gia cũng khuyến nghị Đức gia tăng sản xuất quần áo và mặt nạ bảo hộ, tăng cường năng lực sản xuất thuốc và vaccine và thiết lập một nền tảng công nghệ thông tin cho phép hoạch định chiến lược. Và trong khi các lực lượng liên quan đưa ra khuyến nghị, các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đưa ra lời kêu gọi cuối cùng khi nào cần dỡ bỏ các hạn chế.

Nhìn sang Trung Quốc

Các quốc gia đang cố gắng khởi động nền kinh tế trong khi ngăn chặn làn sóng nhiễm bệnh thứ hai bùng phát. Và họ đang nhìn sang Trung Quốc. Nền kinh tế số 2 thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ sau khi chính quyền trung ương ở Bắc Kinh áp đặt các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Và giờ đây, khi dịch bệnh tạm lắng, Trung Quốc bắt đầu một kế hoạch tích cực để cứu nền kinh tế, đưa ra các chính sách và chiến dịch nhằm đẩy mọi người trở lại làm việc, khuyến khích niềm tin kinh doanh và bảo vệ càng nhiều Cty khỏi phá sản. Bắc Kinh đang chi hàng tỷ USD cho vật tư y tế và điều trị, và bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng để tạo việc làm. Nước này cũng dỡ bỏ phong tỏa ở thành phố tâm dịch Vũ Hán sau 76 ngày.

Nhưng vẫn còn quá sớm để nói Trung Quốc đã kiềm chế hoàn toàn dịch bệnh. Câu hỏi mới đang được đặt ra về việc liệu dữ liệu lây nhiễm mà Bắc Kinh báo cáo có thể tin cậy hay không, và một số lượng lớn người đã được nhìn thấy đổ về các địa điểm du lịch vào cuối tuần. Một số doanh nghiệp đã vội vã quay trở lại làm việc quá sớm, làm phức tạp các nỗ lực phục hồi.

KHẢ ANH