Báo Công An Đà Nẵng

Bài toán tái thiết Gaza

Thứ ba, 02/09/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Israel ra điều kiện giúp Gaza tái thiết sau chiến tranh, đó là Hamas phải giải giáp vũ khí. Nhưng cũng phải mất hàng chục năm nữa mới có thể đưa Gaza trở lại đúng thời điểm của 2 tháng trước đây khi Israel chưa tấn công dải đất này.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 1-9, Bộ trưởng Tài chính Israel Yair Lapid kêu gọi chính phủ Tel Aviv và các cường quốc khu vực nên hợp tác để tái thiết Dải Gaza và giải giáp các tay súng Hamas đang cai quản vùng lãnh thổ này.

“Chúng tôi có những thành tựu quân sự và giờ chuyển sang mặt trận ngoại giao”, ông Yair Lapid nói với các phóng viên tại Jerusalem. Theo đề nghị của vị bộ trưởng này, việc hỗ trợ tái thiết cho Gaza chỉ nên được thực hiện khi Hamas đồng ý giải giáp vũ khí. Chỉ khi đó, các nước tài trợ trong khu vực và quốc tế, mới gặp nhau tại New York (dự kiến vào ngày 22-9), giúp xây dựng lại các vùng đất bị chiến tranh tàn phá. “Chúng ta phải hành động trước để tránh một cuộc họp trong đó Gaza được tất cả còn Israel chẳng được gì”, ông Lapid nói. Theo ông, “chúng ta cần một hội nghị khu vực với Ai Cập, Saudi Arabia, các nước vùng Vịnh và Đại diện Bộ tứ về Trung Đông”.

Việc tái thiết Gaza thật sự là nhiệm vụ khó khăn và kéo dài. Ảnh: WSJ

Tuy nhiên, đây quả là nhiệm vụ rất khó khăn. “Điều kiện tiên quyết” - yêu cầu Hamas giải giáp vũ khí - dường như chắc chắn là “nhiệm vụ bất khả thi” bởi nhóm này tuyên bố “sẽ không bao giờ chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang chống lại sự chiếm đóng của Israel”. Trong khi đó, AP dẫn đánh giá của Shelter Cluster thuộc Hội đồng người tị nạn Na Uy cho biết, sẽ mất 20 năm mới có thể xây dựng lại dải đất bị tàn phá kinh hoàng này. Ước tính, 17.000 ngôi nhà ở Gaza bị phá hủy hoặc hư hại. 5.000 ngôi nhà khác vẫn sử dụng được nhưng cần sửa chữa.

Báo cáo của Shelter Cluster nhấn mạnh sự phức tạp liên quan đến chương trình tái cấu trúc tổng thể cho Gaza, trong đó một số quan chức Palestine ước tính chi phí vượt 6 tỷ USD. Theo đó, bất kỳ nỗ lực tái thiết nào cũng bị hạn chế từ lệnh phong tỏa của Ai Cập và Israel –vốn áp đặt kể từ khi nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas nắm quyền vào năm 2007.

Tel Aviv hạn chế nghiêm ngặt việc nhập khẩu xi-măng và vật liệu xây dựng vào Gaza, sợ rằng các chiến binh sẽ sử dụng chúng để xây dựng bệ phóng tên lửa và củng cố đường hầm vốn bị phá hủy sau các cuộc tấn công xuyên biên giới. Để giải tỏa mối lo ngại của Israel về Hamas, Anh, Pháp và Đức đề nghị thành lập cơ chế quốc tế giám sát hàng hóa đi vào Gaza. Mục đích là sẽ bảo đảm, Hamas và các nhóm chiến binh khác sẽ không chuyển vật liệu xây dựng như sắt và xi-măng vào các cơ sở lưu trữ vũ khí hoặc cơ sở sản xuất vũ khí.

 Thách thức lại đặt ra khi với dân số 1,8 triệu, Gaza là dải đất ven biển đông dân cư nông thôn và đất nông nghiệp vốn vẫn còn mang những vết sẹo của những cuộc chiến trước đó. Vì vậy, hầu hết các tòa nhà mới sẽ chỉ bù đắp cho sự thiếu hụt nhà ở hiện tại, chứ không phải để giải quyết thiệt hại từ cuộc chiến vừa qua.

Vấn đề tái thiết Gaza đang trở thành mối quan tâm chính sau khi dải đất này ngưng tiếng súng nhờ thỏa thuận ngừng bắn đạt được hôm 26-8. Thực tế cho thấy, thỏa thuận ngừng bắn quan trọng trên giúp chấm dứt giao tranh vốn cướp đi sinh mạng của hơn 2.200 người Palestine, khiến hơn 11.000 người bị thương, song không thể giúp giải quyết được những tranh chấp chính. Tuy nhiên, xuất hiện tại buổi phỏng vấn trên các kênh truyền hình Israel, Thủ tướng Netanyahu cho biết, Tel Aviv chưa sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trừ khi nhà lãnh đạo này phải “tạo khoảng cách” với các chiến binh Hamas.

Và tất cả những vấn đề này đang phủ bóng đen lên cuộc đàm phán gián tiếp ở Ai Cập vào tháng tới, vốn nhằm mục tiêu tiến đến thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.

Khả Anh