Báo Công An Đà Nẵng

Bài toán “thay máu” NAFTA

Thứ bảy, 19/08/2017 10:20

Các cuộc thảo luận về đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico đã bắt đầu hôm 18-8, 23 năm sau ngày thỏa thuận này có hiệu lực chính thức.

Tổng thống Donald Trump từng gọi NAFTA là một “thảm họa” khi cho rằng đây là nguyên nhân khiến hàng triệu lao động trong ngành công nghiệp của nước này mất việc làm. Vì vậy, ông chủ Nhà Trắng đã đòi đàm phán lại hiệp định này nếu không Mỹ sẽ rút lui. Tất nhiên, Mỹ đang nắm lợi thế khi yêu cầu đàm phán lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mexico và Canada đều nhất nhất làm theo những gì Washington yêu cầu.

Phía Mỹ vẫn cho thấy quan điểm cứng rắn, yêu cầu những nhượng bộ lớn nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại với Mexico và Canada. Khi các cuộc đàm phán bắt đầu tại Washington, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, Robert Lighthizer, cho biết, ông chủ Nhà Trắng không quan tâm đến “việc chỉnh sửa” thỏa thuận 23 năm này, mà điều quan trọng là “sự hợp tác” của hai đối tác. Phía Mỹ đưa Mexico và Canada vào trạng thái e dè khi tuyên bố sẽ sử dụng sức mạnh của mình như là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của cả hai nước để tìm kiếm nhượng bộ. Washington muốn có những quy định xuất xứ nghiêm ngặt hơn, bao gồm yêu cầu về “nội dung đáng kể của Mỹ” đối với ô-tô.

Tuy nhiên, xem ra Mexico và Canada cũng không vừa bởi cả hai nước giờ đây đang nắm nhiều thế mạnh hơn so với ở thời điểm đàm phán và ký kết NAFTA ban đầu với Mỹ. Mexico đang muốn đưa thêm nội dung vào đàm phán, gồm nội dung về các ngành dịch vụ tài chính mới, như cái gọi là các Cty công nghệ tài chính đang phát triển nhanh trong khu vực. Trong khi đó, Canada đã cảnh báo có thể rút khỏi NAFTA nếu Mỹ khăng khăng đòi loại bỏ hệ thống giải quyết tranh chấp “Chương 19”, đòi hỏi phải sử dụng các tấm pin mặt trời.

Thương mại Mỹ-Canada-Mexico tăng gấp 4 lần kể từ khi NAFTA có hiệu lực vào năm 1994, vượt con số 1.000 tỷ USD vào năm 2015. Con số này cho thấy, cả ba đều có lợi khi ký kết NAFTA và “rất cần có nhau”. Vì vậy, trong cuộc chiến đàm phán lại lần này, ắt hẳn sẽ không dễ để Canada Mexico chấp nhận những yêu cầu mà họ cho là quá quắt của Mỹ. Dù chưa đi đến đâu, dù Mỹ cảnh báo mạnh miệng, nhưng nguy cơ hiệp định này bị chết yểu là không nhiều.

THANH VĂN