Báo Công An Đà Nẵng

Bản báo cáo “nhìn thẳng vào sự thật” của Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Thứ năm, 25/08/2016 09:09

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-8, trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã trình bày một bản báo cáo rất đáng chú ý về thực trạng môi trường Việt Nam hiện nay.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà 

Thực trạng môi trường: SOS

Báo cáo do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày nêu rõ, áp lực và các vấn đề môi trường bức xúc ở nước ta hiện nay đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong nước, sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập quốc tế cùng các tác động xuyên biên giới. Hàng năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nếu không được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả thì sẽ là những nguy cơ rất lớn đến môi trường. Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mê Kông, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Việc xây dựng các dự án thủy điện của một số quốc gia trên dòng chính sông Mê Kông đã và đang có những tác động, ảnh hưởng lớn đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp (KCN) với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế.

Có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô-tô và hơn 2 triệu ô-tô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí. Hàng năm, có 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng... Hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan... Đó là những nguồn tác động rất to lớn đến môi trường ở nước ta.

Tính từ năm 2006 đến nay đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.229 tổ chức, đồng thời buộc các đối tượng vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

 Thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Nhiều vấn đề cấp bách

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, môi trường nước ta vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn và vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý, cụ thể như  hoạt động khai thác khoáng sản, chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân... Đặc biệt, đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng; nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp chất thải công nghiệp; tình trạng đổ thải, chôn lấp chất thải công nghiệp trái quy định còn xảy ra ở nhiều nơi; nguồn nước mặt, nước dưới đất trong các đô thị, khu dân cư ở một số địa phương bị ô nhiễm nặng và chậm được xử lý, cải tạo, phục hồi; diện tích các hệ sinh thái tự nhiên giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái nhanh...

Các vấn đề môi trường cấp bách nêu trên nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động tiêu cực ngày càng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cũng như tác động trực tiếp tới an toàn sức khỏe và sinh kế người dân.

Cần những giải pháp mạnh

Đề cập đến một trong những chủ thể gây tổn hại môi trường hiện nay- các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Cơ chế thu hút FDI được ưu tiên cao và chưa tính toán đầy đủ các chi phí cơ hội về môi trường; các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao; quy hoạch bảo vệ môi trường chậm được ban hành làm căn cứ thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong khi đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế  thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường...

* Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường, không cấp phép đầu tư công nghệ lạc hậu, phê duyệt các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thủ tướng yêu cầu cấp phải chịu trách nhiệm về các vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý của mình, phải phát hiện, chỉ rõ ai chịu trách nhiệm, ai đã cấp phép cho các dự án gây ô nhiễm môi trường. Thủ tướng nói: Bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về môi trường trong lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Đã đến lúc phải có kế hoạch, chiến lược ngắn hạn, dài hạn và ngay lập tức về môi trường. Môi trường có sạch, bền vững mới góp phần nâng giá trị kinh tế”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành phải xây dựng cơ chế kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đồng thời đề xuất cơ chế thu gom rác thải, nước thải từ các khu dân cư, khu kinh tế. Các địa phương cần có nghị quyết chuyên đề về môi trường, phải đưa vấn đề môi trường thành một tiêu chí đánh giá, xếp hạng các địa phương. Ngoài ra, Thủ tướng đánh giá cao cách làm của nhiều địa phương trong bảo vệ môi trường, như xã hội hóa công tác môi trường để tạo nguồn lực từ nhiều phía chứ không chỉ dựa vào kinh phí Nhà nước; công bố danh sách các dự án không tiếp nhận đầu tư vì có tác động xấu tới môi trường; phân loại mức độ, nguy cơ gây ô nhiễm của các cơ sở để kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên các cơ sở hay gây ô nhiễm; trồng rừng ngập mặn; nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội...

Hải Quỳnh

Từ thực tế tồn tại nhiều loại hình sản xuất, công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang dần hiện hữu, do vậy, nếu chậm trễ, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, lạc hậu và ô nhiễm của thế giới.

Để giải quyết hàng loạt vấn đề nóng về môi trưởng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề cập hàng loạt giải pháp đáng chú ý. Theo Bộ trưởng, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 bắt đầu hoạt động của mình với phương châm là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, trong đó coi tài nguyên, môi trường vừa là đối tượng phải bảo vệ, vừa là nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động phát triển. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trước hết cần khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường.

Bộ trưởng kiến nghị: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương xem xét, ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương đến năm 2020, có tiến độ hoàn thành và định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

Kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới; trong đó, chú trọng xây dựng các tiêu chí sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý chất thải, công nghệ môi trường. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, chỉ đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

Quan tâm tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường bảo đảm yêu cầu trong giai đoạn mới, đặc biệt là có cơ chế phù hợp và tăng chi ngân sách cho các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016 - 2020.

Đề nghị UBTƯMTTQ tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thực hiện quyền phản biện, giám sát, tham gia quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải bảo đảm bố trí không dưới 1% ngân sách của địa phương chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; tăng cường theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn chi này một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chi đúng mục tiêu và đủ kinh phí theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của địa phương; tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Lê
(lược trích)