Báo Công An Đà Nẵng

Bàn cách khai thác “mỏ vàng kinh tế đêm” cho Đà Nẵng

Thứ bảy, 11/07/2020 09:39

Với nhiệm vụ từng bước hiện thực hóa giấc mơ “thành phố không ngủ", ngày 10-7, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp Cty CP Tập đoàn Sun World, Hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” nhằm lắng nghe các hiến kế, đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp để tham mưu chính quyền có những giải pháp đột phá.

Ông Lê Trung Chinh: “Thành phố xác định việc phát triển kinh tế đêm là đòn bẩy quan trọng, vừa khôi phục hoạt động du lịch sau dịch vừa mang tính chiến lược lâu dài”.

Giấc mơ “thành phố không ngủ”

Ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đánh giá, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác và tạo nguồn thu lớn cho ngành du lịch nhưng việc phát triển kinh tế đêm của Đà Nẵng vẫn còn manh mún, chưa có quy hoạch bài bản. Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm mà Đà Nẵng được xem là điển hình với vai trò là thủ phủ du lịch của miền Trung với nhiều lợi thế có sẵn để có thể kéo dài thời gian lưu trú, vui chơi, giải trí cho du khách. Tiềm lực để khai phá, phát triển kinh tế đêm của thành phố được ví là “mỏ vàng”. “Thành phố đang đẩy nhanh hiện thực hóa giấc mơ “thành phố không ngủ” bằng những chủ trương, chính sách mới mẻ. Các ý kiến đóng góp của chuyên gia, cơ quan quản lý, đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp là rất quý để chính quyền có chính sách thu hút nhà đầu tư có tiềm năng và cộng đồng, người dân tham gia. Thành phố xác định việc phát triển kinh tế đêm là đòn bẩy quan trọng, vừa khôi phục hoạt động du lịch sau dịch vừa mang tính chiến lược lâu dài”, ông Chinh cho biết.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, khi dịch Covid-19 có những dấu hiệu an toàn trong nước, phía Sở đã chuẩn bị để triển khai một số biện pháp để phục hồi du lịch, trong đó có phát triển kinh tế đêm. Cụ thể sẽ có 4 nhóm hoạt động được đẩy mạnh là văn hóa - vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và tham quan. Trước mắt, thành phố sẽ tổ chức và khai thác các khu vực/dịch vụ sẵn có trên nguyên tắc đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự, chất lượng, vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Theo kế hoạch, từ 2021-2023, thành phố sẽ thí điểm các dịch vụ sẵn có ở một số khu vực như phố du lịch An Thượng, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Sau đó, Đà Nẵng sẽ quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm/khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư. Thành phố sẽ kêu gọi được những “con sếu đầu đàn” tham gia đầu tư các khu tổ hợp giải trí ban đêm chất lượng ngang tầm quốc tế. “Ngành Du lịch xác định cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về phát triển kinh tế ban đêm, song song với đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ và tăng cường, xúc tiến quảng bá trên những phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, thích ứng với xu hướng du lịch thông minh”, bà Hạnh cho hay.

 Các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý hiến kế phát triển kinh tế đêm Đà Nẵng.

Đà Nẵng phải tiên phong về kinh tế số và kinh tế ban đêm

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, Đà Nẵng là một địa chỉ du lịch có tầm quốc tế và sở hữu những tài sản du lịch chất lượng. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố cũng rất ổn, người dân thân thiện và ẩm thực ngon, rẻ. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại thì cái đáng sống của Đà Nẵng mới chỉ là ban ngày, còn ban đêm thì hầu hết người dân đi ngủ và khách du lịch cũng thiếu chỗ chơi để tiêu tiền. Trong bài toán về phát triển du lịch và đảm bảo cuộc sống người dân, thủ phủ du lịch miền Trung có xu hướng sợ tiếng ồn, đi ngủ sớm nên bỏ qua những cơ hội để phát triển kinh tế đêm.

"Làm du lịch nếu chỉ có ban ngày không thì Đà Nẵng cũng vui nhưng đó là cái vui ngắn. Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều. Với những gì chúng ta đang thấy thì Đà Nẵng mới thực sự chỉ đáng sống vào ban ngày chứ chưa đáng sống vào ban đêm. Có trong tay nhiều lợi thế, lại có chủ trương mới của Chính phủ, Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động kinh tế số, kinh tế ban đêm”, ông Thiên đánh giá. Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để phát triển kinh tế ban đêm ở Đà Nẵng, phải nâng cao nhận thức của lãnh đạo và toàn xã hội về giá trị của nó với tư cách là một nền kinh tế, chứ không phải là sự nối tiếp của ban ngày. Ngoài ra, việc thiết lập các điều kiện đảm bảo như hạ tầng, khung khổ pháp lý, hệ thống an ninh cũng quan trọng không kém.

Với tư cách là đại diện doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours đánh giá, Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ lớn về cạnh tranh điểm đến, đặc biệt với 2 địa phương lân cận là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Trong khi Quảng Nam từ lâu đã triển khai thực hiện phố đi bộ trong khu vực phố cổ Hội An, Thừa Thiên - Huế cũng đã đưa vào hoạt động phố đi bộ ở một số tuyến đường nội thành thì Đà Nẵng vẫn chưa có sản phẩm nào đúng nghĩa. Để du lịch Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và phát triển hơn nữa, thành phố rất cần khu phố đêm thực sự có quy mô và xứng tầm với một đô thị lớn về du lịch. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để có thể xây dựng vững chắc ngôi vị "thủ phủ du lịch ban đêm" của cả nước.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng thì cho rằng, Đà Nẵng có quá nhiều cơ hội, tiềm năng để có thể tạo ra không khí trên bến dưới thuyền, xây dựng một chuỗi liên hoàn các con phố sôi động cả ngày và đêm để kích thích du khách chi tiêu, trải nghiệm. Tuy nhiên để hiện thực hóa giấc mơ đó cần có sự cộng hưởng giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. “Kinh tế đêm phải được nuôi dưỡng bởi cơ chế chính sách, phải có những hoạt động kéo dài đến 22 giờ, 24 giờ. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế hỗ trợ về thuế, huy động đầu tư công, kêu gọi “sếu đầu đàn”. Phải gỡ được những vướng mắc như cơ chế hấp dẫn thì vướng luật, điều chỉnh cho đúng luật thì không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Với vai trò của mình, hiệp hội sẽ đứng ra nhận lấy những nhiệm vụ của mình, thể hiện vai trò của mình trong chiến lược dài hơi này”, ông Dũng nhấn mạnh.

Công Khanh