Bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt
(Cadn.com.vn) - “Chảo lửa” trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu dần dần hạ nhiệt khi Seoul và Bình Nhưỡng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán cấp cao để giải quyết xung đột.
Phái đoàn Hàn Quốc (bên phải) và Triều Tiên tại bàn đàm phán hôm 23-8. Ảnh: Reuters |
Các trợ lý cấp cao hàng đầu của giới lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc chiều 23-8 nối lại các cuộc đàm phán khi cuộc thương lượng trong đêm 22-8 không đạt bất kỳ thỏa thuận nào.
Liên Triều bắt đầu đàm phán từ đêm 22-8 nhằm tránh nguy cơ đụng độ quân sự đang dâng cao sau khi hết thời hạn chót Triều Tiên đưa ra, trong đó yêu cầu Hàn Quốc ngừng ngay lập tức chương trình tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, cuộc đàm phán kéo dài đến sáng 23-8 vẫn không thành công. Cả hai sau đó quyết định tiếp tục thương lượng sau giờ nghỉ giải lao và ăn trưa. Giới phân tích cho rằng, những cuộc đàm phán cấp cao liên tiếp như thế này là tín hiệu tích cực, cho thấy mong muốn giảm căng thẳng sau vụ đấu pháo vốn đẩy Hàn-Triều đến bờ vực xung đột vũ trang của hai miền Triều Tiên.
Các cuộc hội đàm diễn ra tại Ngôi nhà Hòa bình thuộc làng đình chiến Panmunjom, từng là địa điểm diễn ra cuộc đàm phán cấp thấp hơn giữa hai đối thủ này hồi tháng 2-2014, vốn kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào. Hình ảnh truyền hình và báo chí cho thấy, các phái viên cấp cao tham gia thương lượng đều mỉm cười bắt tay nhau khi bắt đầu cuộc họp. Nhà Xanh tuyên bố, hai bên nỗ lực hết mình để “tiếp tục thu hẹp những bất đồng”. “Cả hai bên đang chịu áp lực lớn phải đạt được một cái gì đó”, Jeon Young-sun, giáo sư tại Trường đại học Konkuk ở Seoul cho biết.
Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều khúc mắc trên bàn đàm phán. Ngay cả khi các cuộc đàm phán được khởi động lại, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đặt trong tình trạng quân sự báo động cao. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng làm xói mòn tiến trình này khi tiếp tục các hoạt động triển khai trên biển và trên bộ. Reuters dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên tăng gấp đôi các đơn vị pháo binh tại khu vực biên giới và triển khai 50 tàu ngầm ở bên ngoài các căn cứ, động thái mà Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đang áp dụng lập trường hai mặt với cuộc đàm phán đang diễn ra.
Tại Triều Tiên, Hãng thông tấn KCNA dẫn một bài báo trên tờ Rodong Sinmun nêu rõ, Bình Nhưỡng có thể tiêu diệt các kẻ thù “chỉ trong một trận đánh” nếu những hành động thù địch tiếp diễn trên Bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên tuyên bố “đã chuẩn bị đầy đủ cho bất cứ loại hình chiến tranh nào mà kẻ thù lựa chọn và đã xây dựng kế hoạch tác chiến hoàn hảo nhất nhằm tiêu diệt kẻ thù chỉ trong một trận đánh”. “Nếu tiếng đại bác vang lên, điều đó sẽ dẫn đến cuộc đối đầu ác liệt giữa công lý và sự bất công, giữa những người yêu nước và những kẻ phản bội, là giải pháp cuối cùng cho những cuộc đối đầu giữa cái tốt và cái xấu”, nội dung bài viết có đoạn.
Tại Hàn Quốc, Nhà Xanh cũng đặt quân đội trong tình trạng báo động cao, đồng thời khẳng định không có kế hoạch tạm ngừng các chương trình phát sóng tuyên truyền chống Bình Nhưỡng, vốn được cho là ngòi nổ gây bế tắc mới nhất trên bán đảo Triều Tiên. “Triều Tiên muốn ngừng chương trình phát sóng, trong khi Hàn Quốc không thể làm điều đó mà không đạt được bất cứ điều gì”, chuyên gia Jeon nhận định.
Dù có dấu hiệu hạ nhiệt, bán đảo Triều Tiên vẫn đang là điểm nóng mới trên bản đồ chính trị và quân sự thế giới. Một cuộc chiến tranh tại vùng đất vốn chưa bao giờ yên ả này chắc chắn sẽ gây ra hậu quả rất thảm khốc. Vì thế, người ta đang đặt nhiều hy vọng vào bàn đàm phán giữa hai nước, kỳ vọng về một bước đột phá.
Khả Anh