Báo Công An Đà Nẵng

Bán đảo Triều Tiên thở phào nhẹ nhõm

Thứ tư, 26/08/2015 06:05

(Cadn.com.vn) - Thỏa thuận liên Triều lần này giúp đóng cánh cửa đi đến chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đồng thời đánh dấu bước khởi đầu trong chương mới của mối quan hệ song phương.

Hàn Quốc đã tắt hệ thống loa tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua biên giới trong khi Triều Tiên dỡ bỏ tình trạng “bán chiến tranh” sau khi cả hai đạt thỏa thuận tránh đụng độ vũ trang vào sáng 25-8.

LHQ và nhiều nước hoan nghênh thỏa thuận quan trọng này. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đánh giá thỏa thuận là “rất có ý nghĩa”. Tuy nhiên, Seoul tuyên bố sẽ không tháo dỡ hoàn toàn các hệ thống loa này vì đây không phải là một phần của thỏa thuận và vẫn tiếp tục thực hiện hai cuộc tập trận quân sự chung thường niên với Mỹ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin (phải) bắt tay Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so sau khi hai bên đạt thỏa thuận vào sáng 25-8. Ảnh: AFP

Thỏa thuận 6 điểm

Thỏa thuận 6 điểm đạt được sau hơn 43 giờ đàm phán marathon giữa các quan chức cấp cao Hàn-Triều.

Reuters cho biết, theo thỏa thuận, Triều Tiên bày tỏ sự hối tiếc về vụ nổ mìn tại Khu phi quân sự (DMZ) vốn khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương trong khi Seoul đồng ý ngừng chương trình tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Ngoài ra, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un cũng đồng ý chấm dứt tình trạng “bán chiến tranh”. Yonhap dẫn nguồn tin quân sự cho biết, khoảng 50 tàu ngầm của Triều Tiên, trước đó được điều động đến vùng biển giáp ranh giữa hai miền trong lúc căng thẳng tăng cao, đã trở về căn cứ.

Hai bên cũng nhất trí tổ chức đối thoại liên chính phủ ở Seoul hoặc Bình Nhưỡng vào thời điểm sớm nhất có thể nhằm cải thiện quan hệ. Liên Triều cũng nhất trí sắp xếp các cuộc đoàn tụ gia đình ngăn cách bởi chiến tranh trong mùa thu tới và trong tương lai. “Điều quan trọng bây giờ là thực hiện các kế hoạch cụ thể mà cả hai nước đã nhất trí”, Nhà Xanh dẫn tuyên bố của Tổng thống Park khẳng định.

Thật sự tan băng?

Thỏa thuận hiếm hoi lần này giữa hai miền Triều Tiên được đánh giá là rất quan trọng, một mặt giúp liên Triều tránh xung đột vũ trang, mặt khác đánh dấu bước khởi đầu trong chương mới cho hai quốc gia vốn luôn căng thẳng trong nhiều năm qua.

Bởi theo giới phân tích, thỏa thuận trên có tất cả những điểm chính mà hai bên mong muốn. Điểm đặc biệt là việc Triều Tiên - vốn vẫn bác bỏ đứng sau vụ nổ mìn ở DMZ -  đã bày tỏ lấy làm tiếc về vụ việc này. Đây thật sự là động thái hiếm hoi. “Cả hai đều đã nỗ lực thỏa hiệp. Bình Nhưỡng dù không xin lỗi mà chỉ ra tuyên bố hối tiếc về vụ nổ mìn, nhưng đó cũng có thể được xem như một lời xin lỗi”, giáo sư John Delury của Đại học Yonsei ở Seoul cho biết. Vì thế, Nhà Xanh sẵn sàng coi đó như là một lời xin lỗi.

Nửa chặng đường trong nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Park Geun-Hye bị vùi dập bởi cuộc khủng hoảng chính trị, nền kinh tế bấp bênh và mối quan hệ sóng gió với Triều Tiên. Cải thiện quan hệ với quốc gia miền Bắc là một trong những mục tiêu quan trọng của bà Park, song những nỗ lực đó cho đến nay không thành công. Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến lệnh trừng phạt của Seoul. Hai miền Triều Tiên không tổ chức hội nghị thượng đỉnh nào kể từ năm 2007. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng có cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Park và nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, cố vấn an ninh quốc gia cho rằng, “đây không phải là thời điểm để bàn về việc này”.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia lạc quan cho rằng, lần này, hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều về thực chất tổ chức hội nghị thượng đỉnh gián tiếp thông qua các đại diện thân cận, những người có thể truyền đạt rõ ràng ý tưởng của nhà lãnh đạo. Vì thế, thỏa thuận mới này có thể được xem là chìa khóa giúp bà chủ Nhà Xanh giải bài toán liên Triều trong thời gian nửa nhiệm kỳ còn lại. Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, thỏa thuận này giúp đánh dấu điểm xuất phát về chính sách mới đối với quốc gia miền Nam.

Khả Anh