Báo Công An Đà Nẵng

Bán đất gạch dưới chiêu bài “cải tạo làm ao nuôi cá”?

Thứ ba, 28/04/2015 09:50

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, Báo Công an TP Đà Nẵng đã không ít lần phản ánh về những bất cập trong việc cấp giấy phép cho các cá nhân, doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản trên địa bàn H. Hòa Vang (Đà Nẵng); trong đó, nguồn nguyên liệu đất gạch đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng đến nay vẫn chưa có... hồi kết.

Những hồ nước rộng mênh mông ở Bàu Tong hình thành từ việc khai thác khoáng sản vô tội vạ.

Trong những năm qua, nhiều diện tích đất nông nghiệp ở vùng nông thôn Hòa Vang đã được chuyển sang những mục đích sử dụng khác nhau. Từ đó đã gây ra nhiều khó khăn và nhiều bất cập cho từng địa phương về công tác quản lý khai thác nguồn đất gạch dưới dạng cải tạo đất nông nghiệp. Đâu là giải pháp chung và đồng bộ để các địa phương cùng thống nhất thực hiện? Với lý do được nông dân đưa ra là do đất sản xuất không hiệu quả nên xin cải tạo để nuôi trồng thủy sản.

 Mặc dù đang bề bộn thu hoạch vụ lúa Đông-Xuân, nhưng khi biết nhóm P.V chúng tôi về tác nghiệp, lão nông Hai Suất (trú Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) bỏ dở việc đồng áng, nhiệt tình “hộ tống” chúng tôi men theo con đường bê-tông nhỏ dọc theo khu vực Bàu Tràm. Chỉ tay về hướng chiếc xe múc đang ngoạm từng mảng đất cao lanh lên các thùng xe tải phía cuối cánh đồng, ông Hai Suất cho biết: “Nhiều hộ dân nơi đây đang “nóng lòng” xem các ao nuôi cá ở Bàu Tràm định hình như thế nào?”.

Theo ông Hai Suất, Bàu Tràm trước đây là vũng đầm sình lầy liền kề với các ruộng lúa, khu dân cư, người dân lội nước chỉ ngang đầu gối để bắt con cá, con ốc cải thiện bữa ăn. Từ tháng 8-2014, TP có chủ trương cho Cty Cổ phần Khai thác khoáng sản Thanh Hoài cải tạo khu vực ô nhiễm này thành Khu nuôi trồng thủy sản giai đoạn 1 với nhiều hạng mục nên người dân vui lắm. Bởi, ở vùng đất gò đồi này, đất trồng lúa không nhiều, khi làng nghề nuôi cá hình thành, người dân kỳ vọng sẽ có thêm công ăn, việc làm.

Tuy nhiên, cũng không ít người “bán tín, bán nghi” về bản chất của công trình. Nhiều người đặt câu hỏi: “Chẳng biết, việc nuôi trồng thủy sản giống gì trên vùng đất mà mỗi lần mưa lũ là nước ngập lênh láng các cánh đồng, băng qua con đường làng?”. Trước đó, cũng có 2 DN được phép cải tạo một phần Bàu Tràm để làm ao nuôi cá với đầy hứa hẹn, nhưng chỉ sau vài tháng tích cực “tận thu” nguồn đất cao lanh, các DN liền “cao chạy, xa bay” để lại một biển nước mênh mông, khiến người dân phải vất vả canh chừng trẻ nhỏ để phòng ngừa hiểm họa… “Riêng đợt cải tạo Bàu Tràm lần này thì chưa biết thực, hư ra sao nên người dân chỉ mong các ngành chức năng bằng cái “tâm” của mình là thường xuyên giám sát, kiểm tra tiến độ thi công công trình để người dân nơi đây không phải nhận thêm “quả đắng”, hụt hẫng niềm tin”, ông Hai Suất bày tỏ chính kiến của mình.

Tiếp tục trở lại khu vực Bàu Tong (An Châu, xã Hòa Phú), chúng tôi thấy hàng chục hố nước sâu nham nhở cũng bắt nguồn từ việc cải tạo đất làm ao nuôi cá trước đây vẫn đọng đầy nước, nếu con người hoặc trâu bò không may rơi xuống chắc chắn sẽ không có đường lên. Một người dân trong khu vực dùng cây sào cắm xuống hố đo được độ sâu từ mặt nước xuống đáy gần 4m (trong lúc quy định được khai thác chỉ từ 1,5-2m). Có những nơi sâu hơn và tạo thành các hồ chứa nước rộng lớn. Các DN đã tạm dừng khai thác hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có một động thái tích cực nào trong việc hoàn thổ. Ngoài ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân, việc chậm hoàn thổ đã để lại những cái hố nước sâu luôn là nguy cơ tiềm ẩn cho người dân trong khu vực đi lại, sản xuất.

Khai thác đất gạch ở khu vực Bàu Tràm liền kề với ruộng lúa, khu dân cư.

Việc khai thác đất gạch ở Bàu Tong rộ lên từ năm 2008 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, hơn 20ha đất lúa, đất trồng cây trong khu vực giờ loang lổ những hố bom. Lão nông Tư Cang nhớ lại: “Vài năm trước, thấy một số cá nhân “phất lên” nhờ kinh doanh nguồn nguyên liệu đất gạch nên nhiều DN nhảy vào mua bán đất gạch dưới chiêu bài “cải tạo làm ao nuôi cá”. Lúc đó, giá 1 sào đất ở đây chỉ từ 7 -10 triệu đồng, sau đó, phát hiện dưới lòng đất không chỉ là loại đất sét làm gạch thông thường mà còn có cả mỏ cao lanh cung cấp cho các cơ sở sản xuất gạch men, nên giá đất cứ thế tăng dần. Có DN “năn nỉ” người dân mua đất lên tới hơn 30 triệu đồng/sào, không ít gia đình ẵm trong tay được vài trăm triệu đồng”.

Còn bây giờ, để “hợp thức hóa” cho sự đã rồi, chính quyền địa phương  cũng đã nghĩ đến giải pháp biến những ao trũng được tạo ra từ việc khai thác đất gạch thành các ao nuôi cá, nhưng người dân lại không hưởng ứng. Một chủ trang trại nuôi cá lâu năm ở Hòa Phú phân tích, ao nuôi cá chỉ cần độ sâu dưới 2m, nguồn nước dẫn vào phụ thuộc các kênh mương tưới tiêu. Hơn nữa, trong quá trình nuôi trồng thủy sản, còn phải tháo nước bẩn ra để thay nước sạch cho phù hợp với môi sinh, môi trường. Các hố nước ở Bàu Tong thì không hội đủ các điều kiện đó, mực nước thì sâu hoắm, lại không có đáy xả nước thải nên đầu tư vào chẳng khác chi “vứt tiền qua cửa sổ”…

Do đó, các cấp chính quyền nên vận động các cá nhân, DN đã từng tham gia khai thác đất gạch, các hộ dân bán đất cùng có trách nhiệm đến việc hoàn thổ, trả lại hiện trạng ban đầu. Bởi, đất là tư liệu sản xuất quan trọng và gắn liền với quyền lợi thiết thực của người dân. Nhà nước giao khoán cho mỗi người canh tác, sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu ai cũng tư lợi cho cá nhân mình thì sau này đến những hộ khác tiếp quản sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải tạo mặt bằng. Ngoài những hệ lụy về hủy hoại môi trường sinh thái, hậu quả của hoạt động khai thác khoáng sản phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác mà không phải chỉ trong một thời gian ngắn có thể giải quyết được ngay.

Nhóm PVĐT