Bàn giải pháp mở rộng quy mô kinh tế, xử lý bất cập đô thị
Tìm giải pháp mở rộng quy mô kinh tế
Quy mô kinh tế Đà Nẵng năm 2024 ước đạt 151.300 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.000 tỷ đồng. Để tăng trưởng kinh tế năm 2025 hơn 10% như mục tiêu đề ra, TP cần các giải pháp đột phá, nhất là triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù. Thảo luận về giải pháp tăng trưởng kinh tế, các đại biểu đề nghị nâng cao tỷ lệ đóng góp của lĩnh vực công nghiệp - xây dựng thông qua nhiều giải pháp như sớm thu hút doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Liên; khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư khu công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Cầm giai đoạn 2.
Trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn là du lịch, dịch vụ, các đại biểu đề nghị tiếp tục xây dựng, hình thành các khu kinh tế ban đêm; xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nhất là khu vực còn nhiều tiềm năng như du lịch biển. Ngoài ra, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với việc nâng cao các bộ chỉ số PAPI. PCI, PARIndex; triển khai xử lý sớm việc tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án, đất đai theo Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, đây sẽ là nguồn lực lớn tác động đến tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng trong thời gian đến.
Để tạo động lực mới cho tăng trưởng, mở rộng quy mô kinh tế, các đại biểu đề nghị cần xem xét, phân loại các chính sách ngắn hạn, dài hạn để phân bổ nguồn lực triển khai thực hiện một cách hiệu quả Nghị quyết 136 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét lại đối với một số chi phí cụ thể, cần làm rõ để phù hợp thực tiễn của TP và khả năng cân đối ngân sách; trong trường hợp cần thiết có thể thành lập Tổ tư vấn để xây dựng triển khai các Đề án lớn như: Vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Khu thương mại tự do... Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành các điều kiện ràng buộc chặt chẽ đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách, tránh tình trạng “chạy”chính sách, trục lợi chính sách.
Đại biểu Huỳnh Huy Hòa- Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng cho biết, số lượng và tỷ lệ doanh nghiệp của TP luôn nằm trong top 5 của cả nước, nhưng quy mô kinh tế xếp 17/63 địa phương, chỉ chiếm 1,31% GDP cả nước, thu ngân sách không nằm trong top 10. Doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu doanh nghiệp nhỏ, năng suất lao động không cao, đóng góp chung cho kinh tế TP không lớn. Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 2 con số, Đà Nẵng cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách đặc thù, thực chất, nhất là hỗ trợ về đổi mới khoa học công nghệ.
Xem lãng phí như tham nhũng
Đại biểu Võ Công Chánh- Trưởng Ban Nội chính Thành ủy cho rằng, tình trạng lãng phí còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, phải xem phòng chống lãng phí giống như tham nhũng. Đại biểu Võ Công Chánh cho rằng, để phòng chống lãng phí đi vào thực chất cần nêu cao vai trò người đứng đầu các cơ quan đơn vị, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, cắt giảm các nội dung chi không thực sự cần thiết, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Đà Nẵng cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã được Bộ Chính trị cho chủ trương (1.313 dự án) nhằm góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, đồng thời đôn đốc tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Đại biểu Võ Công Chánh cũng nêu giải pháp rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo quy định để làm căn cứ cho việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức, thời gian làm việc hiệu quả và làm cơ sở để thực hiện cải cách tiền lương. Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; giảm bớt, cắt những cuộc họp không cần thiết để tránh lãng phí thời gian, kinh phí. Đặc biệt, sau khi Đà Nẵng thực hiện sắp xếp các phường, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cần có phương án quản lý, khai thác, sử dụng tài sản đất đai, nhà công sản dôi dư sau khi sáp nhập, hiệu quả, tránh lãng phí.
Xử lý bất cập đô thị
Trong phần thảo luận, chất vấn, các đại biểu đề cập nhiều đến những bất cập, thách thức trong quản lý đô thị, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, cản trở phát triển, cần giải pháp hiệu quả xử lý. Cụ thể cần tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, xử lý di dời các chung cư xuống cấp, có phương án quản lý, khai thác hiệu quả các lô đất trống vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa tạo cơ hội sinh kế cho người dân, doanh nghiệp có nhu cầu. Ngoài ra, cần có các giải pháp căn cơ xử lý tình trạng ngập úng trên địa bàn trong mùa mưa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nhất là việc chế biến thành phẩm để kịp thời xử lý tình trạng thiếu nguồn cung đá xây dựng, đất làm vật liệu san lấp cho các dự án của TP như hiện nay. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu quy hoạch các kho cung ứng xăng dầu phù hợp, đảm bảo an toàn để phát triển hạ tầng du lịch địa phương; đồng thời xử lý hiệu quả vấn đề an ninh môi trường, xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường biển đã và đang ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của TP.
Đại biểu Lê Tùng Lâm- Trưởng ban Đô thị cho biết một số chỉ tiêu chính trong chương trình phát triển đô thị TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 rất khó hoàn thành. Cụ thể, mật độ đường giao thông đô thị hiện nay là 4,49% (chỉ tiêu đến năm 2025 là 10%); tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 3,08% (chỉ tiêu đến năm 2025 là 15%); diện tích cây xanh đô thị đạt 2,64 m2/người (năm 2025 là 5m2/người); diện tích nhà bình quân đầu người là 28,1m2/người (năm 2025 là 30m2/người)... Do đó, cần xem chương trình phát triển đô thị là đầu mối dữ liệu thông tin quan trọng tích hợp nhiều nội dung, thông tin, số liệu liên quan đến nhiều chương trình, đề án, dự án quan trọng, ưu tiên cần triển khai thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ.
Đại biểu Lê Văn Dũng- Phó trưởng ban Đô thị thông tin, kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021-2025 còn thấp so với kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 11-2024, về nhà ở xã hội, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án với tổng diện tích sàn 437.308m2 và đã hoàn thành 96.974m2, đạt 19,3% so với kế hoạch; về nhà ở thương mại, hoàn thành 514.188m2, đạt 7,1% so với kế hoạch. Điều này ảnh hưởng đến thực hiện chương trình “3 có” của thành phố, trong đó “có nhà ở”. Do đó đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị rà soát các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch phát triển; khuyến khích nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch để phục vụ người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp; rà soát xử lý triệt để các trường hợp bố trí, thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng.
HẢI QUỲNH