Báo Công An Đà Nẵng

Bàn giải pháp ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện

Thứ bảy, 10/08/2019 12:05

Ngày 9-8, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện và ổn định đời sống, sản xuất cho người dân tái định cư (TĐC) thủy điện. Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì hội nghị.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã báo cáo về phát triển kinh tế lòng hồ TĐ và ổn định đời sống, sản xuất cho người dân TĐC các dự án thủy điện (TĐ) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Báo cáo cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng 25/46 dự án TĐ theo hoạch đã phê duyệt; trong đó có 10 dự án có di dân, TĐC với tổng số hộ di dời theo quy hoạch là 1.749 hộ với 8.450 khẩu. Trong đó TĐC tập trung là 1.069 hộ với 5.325 khẩu, TĐC xen ghép là 381 hộ với 1.908 khẩu, TĐC tự nguyện với 299 hộ, 1.240 khẩu. Tổng diện tích đất thu hồi theo quy hoạch là 8.967ha, trong đó đất nông nghiệp là 7.534ha, đất phi nông nghiệp là 1.250ha, đất chưa sử dụng là 182ha…

“Hiện nay, nhà ở TĐC các dự án TĐ do chủ đầu tư xây dựng chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Các khu, điểm TĐC đa phần nhanh xuống cấp, hư hỏng, nhiều công trình xây dựng chưa đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của người dân TĐC ở các dự án TĐ đang còn thấp hơn mức thu nhập bình quân đầu người chung của cả tỉnh. Đời sống của một bộ phận người dân sau TĐC còn gặp nhiều khó khăn do môi trường tạo sinh kế đã bị thu hẹp đáng kể, rất khó phục hồi sinh kế như trước; sản xuất nông, thủy sản của người dân TĐC quy mô còn rất nhỏ lẻ, mang tính tự cấp; đất sản xuất nông nghiệp còn thiếu, chất lượng vùng đất xấu nên năng suất cây trồng thấp; quỹ đất có thể khai hoang, đưa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước rất hạn chế; đất sản xuất do chủ đầu tư dự án TĐ khai hoang rất xấu, sản xuất hiệu quả thấp; công tác học nghề, chuyển đổi nghề và việc làm của người dân gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn rất thấp, tỷ lệ người qua đào tạo nghề có việc làm không cao…”- ông Lê Minh Hưng nêu lên một số tồn tại, hạn chế của người dân ở các khu TĐC TĐ.

Hàng trăm héc-ta diện tích đất sản xuất của người dân trước đây giờ trở thành khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Theo đó, để đời sống sản xuất của người dân TĐC TĐ đi vào ổn định, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện trên địa bàn tỉnh có đến 51 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng diện tích khoảng 10.794ha, trong đó có 6 hồ TĐ với tổng diện tích mặt nước là 6.097ha được phép khai thác và nuôi thủy sản lồng/bè, nếu tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước này để nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. “Hiện nay có 23 hộ dân đang thả nuôi cá lồng thương phẩm ở lòng hồ TĐ, với tổng số 240 lồng nuôi, thể tích mỗi lồng khoảng 75m3. Bên cạnh đó, vùng lòng hồ TĐ có thể khai thác phát triển du lịch tập trung chủ yếu tại khu vực miền núi gồm: TĐ Sông Tranh 2 (H. Bắc Trà My), TĐ A Vương (H. Đông Giang), TĐ Sông Bung 4 (H. Nam Giang), TĐ Đắc Mi 4 (H. Phước Sơn). Đây cũng là tiềm năng và lợi thế để phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Cadong, Xê đăng, Bhnoong;…”- đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT nhận định.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng kiến nghị đưa ra một số giải pháp như: Tiếp tục hỗ trợ và ưu tiên cho người dân vùng lân cận hồ, dân TĐC TĐ ứng dựng phát triển các mô hình nuôi cá lồng bè; đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo các mô hình sản xuất liên kết các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị để đầu ra ổn định bền vững;… “Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát để triển khai các dự án phát triển du lịch lòng hồ TĐ, tuy nhiên mực nước trong hồ thường xuyên thay đổi lớn, khung pháp lý để căn cứ kêu gọi đầu tư không rõ ràng là những lý do khiến địa phương chưa khai thác được tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ. Qua đây đề nghị UBND tỉnh cũng như các sở, ngành nghiên cứu, hướng dẫn để địa phương có cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động liên quan”-ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND H. Đông Giang phát biểu.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đơn vị liên quan, phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, các hồ TĐ trên địa bàn hiện chiếm một diện tích rất lớn ở khu vưc miền núi của tỉnh Quảng Nam và đang được các doanh nghiệp du lịch khảo sát để đầu tư. Việc khai thác hài hòa, hiệu quả lòng hồ TĐ sẽ góp phần mở ra không gian sinh kế bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án TĐ nói riêng. Tuy nhiên, việc khai thác lòng hồ cần phải đảm bảo an toàn hồ đập và có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai các dự án về nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch.

Người dân ở các khu TĐC thủy điện cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong ảnh: Người dân khu vực TĐ Sông Tranh 2 vất vả vì thiếu nước sinh hoạt.

Về giải quyết những bất cập ở các khu TĐC TĐ, ông Thanh cho biết hiện nay một số cơ sở hạ tầng, các hệ thống nước sạch ở các khu TĐC đã xuống cấp, hư hỏng, nguồn nước người dân sử dụng không đảm bảo. Do vậy chủ đầu tư cần nghiên cứu, phối hợp với chính quyền địa phương có những giải pháp đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; nghiên cứu, hỗ trợ dự án điện năng lượng mặt trời để hỗ trợ cho người dân các khu vực TĐC mà điện lưới không kéo tới được… Liên quan đến việc người dân thiếu đất sản xuất đang là vấn đề cấp bách, theo ông Thanh hiện nay theo quy hoạch thì đất ở các khu TĐC TĐ đã cấp được 100% cho các hộ dân, nhưng đất sản xuất chỉ mới cấp được 50%. Do vậy địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đất sản xuất cho người dân.

“Về đất ở phát sinh, địa phương cần nghiên cứu thực tế ở các khu vực có thể chuyển đổi từ đất sản xuất sang đất ở để cấp cho người dân trên cơ sở vừa giải quyết cho các hộ phát sinh, vừa đảm bảo theo quy hoạch sắp xếp dân cư vùng núi của tỉnh. Ngoài ra, hiện nay một số khu TĐC xây nhà theo hệ thống bậc thang nhưng không có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt. Nước thải sinh hoạt, chất thải của gia súc, gia cầm… của nhà phía trên chảy xuống nhà phía dưới gây mất vệ sinh, nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do vậy, chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương có giải pháp xây dựng các hệ thống thu gom nước thải nhằm đảm bảo vệ sinh, tiến đến xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở miền núi… Tôi đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công thương tổng hợp các ý kiến từ những nội dung trên để tham mưu UBND tỉnh có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ, ngành Trung ương để giải quyết một số vấn đề mà tôi vừa nêu ra trong hội nghị này”, ông Thanh nhấn mạnh.

TRẦN TÂN