Báo Công An Đà Nẵng

Bản hòa âm của thi ca

Thứ hai, 20/11/2017 11:59

Một chiều cuối thu, bên bờ Hàn giang lộng gió, Đỗ Thượng Thế tặng tôi cuốn thơ vừa mới ra lò “Dưới tấm trần rỉ mưa” (NXB Hội Nhà văn-tháng 10-2017) với một hình hài khác lạ, như chính cốt cách, tâm hồn anh. Nói thế bởi anh là người có duyên với giải thưởng văn chương, chỉ qua 3 tác phẩm đã trình làng: tập thơ Trích tôi (2009), tập in chung Như cỏ dại/ như lá úa/ như cây xanh (2011), và nay là tập thơ in riêng thứ hai “Dưới tấm trần rỉ mưa”.

Như lời giới thiệu từ đầu tập thơ, anh sinh ra ở quận Nhì (Đà Nẵng), quê nội ở Cẩm Kim (Hội An), khoảng trời ấu thơ sống cùng gia đình ở quê ngoại Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam), và nay công tác một trường tiểu học ở Đà Nẵng. Quê ngoại ẩn chứa nhiều kỷ niệm trong thăm thẳm máu thịt của anh, nơi rất nhiều văn nhân sinh ra, lớn lên và phiêu bồng dọc ngang ngõ nguồn Vu Gia-Thu Bồn: Trinh Đường, Nam Trân, Tạ Ký, Võ Quảng, Bùi Giáng, Phạm Hầu...

Như rất nhiều nhà thơ “đi ra từ dòng sông, trở về cũng lại là dòng sông”, cái mạch ngầm tưởng chừng như chưa bao giờ cạn ấy tắm mát cõi lòng người con quê xa xứ. Đầu tập thơ là bản “tuyên ngôn thơ” của anh, với những dòng thơ đầy tâm huyết, hào sảng: “Đại Hồng!/ Những ngày tháng mù mịt/ ta thường mơ về khu vườn tụ gió bốn phương/ ở đó thầy ta gầy gầy mắt kiếng, đêm đêm treo ngọn đèn thơ”. Có lẽ ngọn đèn ấy đã soi đường chỉ lối cho anh, và cho chúng ta lần lượt khám phá cuộc đời dâu bể. Nên ta cứ đi, cứ trôi, cứ hòa tan theo hình hài ngọn gió thi ca mà anh mải mê theo đuổi: Từng đũa bông bí luộc từng đũa nhà quê/ Từng đũa nuốt trộng bao điều mơ ước/ (...) Mê tít thầy tôi thiệt dân thành phố/ Chiều ôm đàn guitar gật nhịp trước khu tập thể/ “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” (Ký ức bông bí luộc). Khó có ai có thể ra đi mà quên nỗi nhớ quê nhà, cũng như ở chính vuông đất ấy lại mong được một lần ly hương trên chính quê hương mình.

Nhà thơ Thanh Thảo từng ám ảnh chiếc đàn của Lorca để rồi bật ra những dòng thơ: “giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng”, cùng với khát vọng đi đến cùng cõi giới nghệ thuật, một lần nữa trở lại trong thơ Đỗ Thượng Thế: “khu vườn dưới chân núi/ ai đó gọi mà không ai gõ cửa/ ấm ức giếng khơi/ nhiều năm dềnh một tiếng gàu đứt dây (Dưới tấm trần rỉ mưa). Dưới mái đầu trần gian, từng giọt mưa rơi tí tách, tưởng chừng như xoáy sâu cội nguồn, rồi đánh rơi bản chất văn hóa xứ Quảng đã ăn sâu máu thịt, nhiều thân thuộc nhưng cũng đầy cao quý, thiêng liêng. Như nhận xét của nhà thơ Phan Hoàng: “Vẫn hồn cốt quê hương đất Quảng, vẫn tinh thần văn hóa xứ Quảng nhưng thơ Đỗ Thượng Thế mang lại một giọng điệu mới, đắm say mà tinh lọc trong một dòng chảy xúc cảm ngôn ngữ hiện đại giàu cá tính”.

Tập thơ với 34 bài thơ được chia làm ba phần: Ký ức bông bí luộc, Dưới tấm trần rỉ mưa, con bướm xinh/ con bướm đa tình... Vẽ bìa, dàn trang và phụ bản do chính tác giả, nhà thơ Đỗ Thượng Thế thực hiện. Riêng phần phụ bản được anh cho biết, các bức tranh lấy cảm hứng từ hình vẽ trong những lá bài của môn nghệ thuật dân gian bài chòi xứ Quảng. Xuyên suốt tác phẩm là những âm thanh mới lạ, vang vọng: tu tu r...út, hà hơ hà hơ, hù ù... hút; những khúc thức tự do, sáng tạo: mùa đơm thơ/ những ý niệm đôi bờ hoa cỏ/ dòng sông lần phơi từng trang/ từng trang/ dòng sông ấy/ chúng ta/ thả trôi một bản thảo (Bản thảo tháng giêng); những khắc khoải đồng vọng hiện lên từ thẳm sâu, ký ức: chợ đông chợ tàn, con nước ròng con nước lớn/ nắng mưa, mưa nắng, mùa mùa... lá trôi/ ánh đèn ngủ say, sương khuya tạc bóng/ ngư phủ già trầm mặc phía trùng khơi (Cây đa bên bờ sông Hàn).  Điểm sáng ở tập thơ này thu hút bạn đọc ở hình thức trình bày mỹ thuật, thêm nữa tác giả phối họa bức tranh đa sắc với nhiều chấm phá trong không gian ngôn ngữ mới lạ đang chờ đợi bạn đọc khám phá. Với tập thơ này, nhà thơ Đỗ Thượng Thế đã khơi thông dòng chảy thi ca, như quan niệm thơ tôi đọc được ở đâu đó: “thơ cũng huyền diệu như trời” (Charles Henri Ford), và anh tự tin hòa nhập vào biển đời thi ca dân tộc.

 PHAN NAM