Báo Công An Đà Nẵng

Bản hùng ca các dân tộc miền Trung

Thứ bảy, 25/08/2018 19:00

Tối 24-8, tại TP Tam Kỳ  (tỉnh Quảng Nam) diễn ra  lễ Khai mạc sự kiện “Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III - 2018”. Chương trình nghệ thuật “Sắc màu văn hóa miền Trung” trong đêm đã quy tụ 350 người tham gia biểu diễn các tiết mục, trong đó có 50 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và 300 nghệ nhân, diễn viên không chuyên, vận động viên quần chúng. Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cùng đại diện lãnh đạo đến từ 13 tỉnh miền Trung.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tặng hoa và bằng lưu niệm cho các trưởng đoàn tham dự ngày hội.

Phát biểu khai mạc, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh,  Quảng Nam là “vùng đất địa linh nhân kiệt”, là nơi giao hòa của những sắc thái văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc với hàng trăm công trình kiến trúc lịch sử mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự phát triển lâu đời của vùng đất gắn với những địa danh đã đi vào lịch sử như: kinh đô cổ Trà Kiệu, tháp Khương Mỹ, tháp Chiên Đàn, Phật viện Đồng Dương... Bên cạnh đó, với trên 260 di tích văn hóa, lịch sử cách mạng đã minh chứng cho truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của người dân xứ Quảng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, Quảng Nam còn là nơi lưu giữ 2 di sản văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận là phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn, với những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhân loại, là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

 Với chủ đề “Sắc màu văn hóa miền Trung”, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc đã chuyển tải đến người xem phần nào các nét đặc sắc của văn hóa mỗi tộc người thiểu số ở dọc dải miền Trung. Tổng đạo diễn chương trình khai mạc Trịnh Vũ Thìn cho biết,  chương trình nghệ thuật đã giới thiệu các tiềm năng cùng giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc miền Trung, qua đó làm sống dậy niềm tự hào dân tộc và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem . Tổng thể chương trình gồm 3 chương, với các chủ đề:  “Quảng Nam yêu thương”, “Hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa miền Trung”, “Văn hóa miền Trung thăng hoa cùng sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”. Bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động, khai thác từ chất liệu âm nhạc, ngôn ngữ múa và trang phục truyền thống độc đáo của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn Quảng Nam, hoạt cảnh “Đường về xứ Quảng”  đã dựng nên  phong cảnh giàu đẹp, nên thơ, cùng với đó là hình ảnh về mảnh đất, con người cũng như truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa xứ Quảng. Sau khi mở ra bằng “Đường về xứ Quảng”, chương trình nghệ thuật tiếp tục mang những nét đặc sắc văn hóa các dân tộc từ 12 tỉnh, thành khác của miền Trung. Ban tổ chức ngày hội cho biết, thông điệp của chương trình này mong muốn các giá trị văn hóa sẽ là động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của các tỉnh miền Trung nói riêng cũng như cả nước nói chung. Theo đó, đại cảnh hát múa kết nối các tiết mục biểu diễn của 12 tỉnh, thành đã tập trung khai thác chất liệu dân gian, từ dân ca, dân vũ, dân nhạc, kể cả trang phục truyền thống các dân tộc tiêu biểu, nổi bật của từng địa phương, kỳ vọng về một sự “hội tụ bản sắc” mang đến niềm thích thú, niềm tự hào cho người xem.

HÀ DUNG