Báo Công An Đà Nẵng

Băn khoăn đề án nuôi trồng thủy sản ở Trường Định

Thứ sáu, 15/10/2021 16:16

Hôm đầu năm 2021 này, tôi có tham khảo về định hướng phát triển kinh tế, xã hội ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, trong đó có đề cập tới chuyện phát triển Đề án nuôi trồng thủy sản ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên mà mới đây Huyện ủy Hòa Vang đã đưa vào là một trong những nội dung của nhiệm vụ trọng tâm cuối năm của địa phương… Chuyện nuôi con tôm, con cua nước lợ bên sông Cu Đê ở Trường Định tôi đã về thực tế để thăm quan nhiều lần, nhưng, chuyện sẽ có cả một "đề án" thì  nghe có vẻ  "quan trọng, hấp dẫn" đây.

Ông Võ Văn Thành-Trưởng thôn Trường Định lại mở đầu câu chuyện làm tôi bất ngờ: "Cái làng nhỏ ven sông Cu Đê này, được đánh giá là địa thế bất lợi nhất ở Hòa Vang...!. Nào là, cứ đến mùa mưa bão làng lại nguy cơ chìm trong nước lũ...Đời sống hơn trăm hộ dân chỉ nhờ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng hầu như toàn bộ diện tích đất sản xuất chỉ trông vào nước trời...Nhưng đấy là chuyện cách đây mười mấy năm về trước,  người dân đã nhìn thấy cái "lợi thế" của làng, mà lợi thế ấy có thể làm giàu từ mảnh đất vốn nghèo khó của mình...".  Ông Thành  khẳng định: "Nếu quy hoạch đàng hoàng cả trăm héc-ta đất bờ bãi  thành nơi nuôi trồng thủy sản, sẽ  sinh ra nhiều tỷ đồng, đẻ ra cả đống vàng, người dân sẽ làm giàu chính từ vùng đất "bất lợi" này...".

Ông Thành kể với tôi, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã phát triển được hơn 15 năm ở Trường Định, nhiều hộ gia đình đã thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi vụ nuôi tôm. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến ngư-Khuyến nông TP Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua xen canh trên hồ nuôi tôm, rồi nuôi cá dìa  tại Trường Định.  Thôn Trường Định hiện có 30 hộ nuôi tôm, cua, cá dìa trên tổng diện tích khoảng 40ha, nhiều gia đình có tới 3-4ha hồ ao như gia đình các ông Hồ Hổ, Mai Phước Chín, Võ Trực...Tôm, cua thịt, cá dìa  thành phẩm ở Trường Định không đủ xuất bán ngay thị trường Đà Nẵng, nhiều gia đình nuôi tôm, cua, cá dìa trở nên khá giả, vậy nhưng vẫn còn nhiều những băn khoăn.

Ông Thành  cho biết, một vấn đề  làm bà con nông dân rất lo lắng, gần 40ha đất ao hồ nuôi trồng thủy sản của thôn Trường Định không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Việc này bà con nông dân đã phản ánh, kiến nghị lên HĐND xã, huyện từ rất nhiều năm nay, nhưng chẳng hiểu sao sự việc vẫn rơi vào im lặng. Chính từ bất cập này, việc đầu tư phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, theo bà con nông dân, muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư, nhưng không có GCNQSDĐ nuôi trồng thủy sản, bà con đành chịu. Để có đồng vốn đầu tư, phát triển, bà con phải lấy giấy tờ nhà ở để thế chấp ngân hàng, nhưng cũng chẳng được đáng bao nhiêu. Có trường hợp, vì quá bí bách, bà con phải vay lãi nóng ngoài xã hội với lãi suất cao, như vậy thì rủi ro là rất lớn, nhất là việc đầu tư trong sản xuất nông nghiệp như nuôi trồng thủy sản. Không chỉ 40ha đất ao hồ nuôi trồng thủy sản không được cấp GCNQSDĐ, mà cả thôn còn tới hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp cũng không có GCNQSDĐ. Đây là trở ngại lớn trong việc phát triển sản xuất ở nông thôn, khi tư liệu sản xuất chưa thực sự nằm trong tay người nông dân để bà con yên tâm sản xuất. 

Ông Thành còn "nhìn xa" hơn, chính vì việc đất đai sản xuất chưa được cấp giấy chứng nhận, nên việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản khó có thể tiến hành. Đây còn  là nguyên nhân của vấn đề ô nhiễm môi trường, qua hơn 10 năm phát triển nuôi tôm, vùng ao hồ  đã ô nhiễm từ chất thải nuôi tôm ở Trường Định. Chất ô nhiễm thải ra sông Cu Đê, rồi người nông dân lại bơm nước sông ô nhiễm ấy lên nuôi tôm, để có nguồn nước sạch, người nuôi tôm buộc phải dùng một diện tích ao hồ lớn để làm nơi xử lý, lọc nước, vậy là lãng phí một diện tích rất lớn. Nếu vùng nuôi trồng thủy sản này có quy hoạch, thì sẽ được đầu tư  hệ thống xử lý nước thải, chất ô nhiễm, nhưng việc không được cấp GCNQSDĐ, không có quy hoạch đất đai, đồng nghĩa với việc hệ thống xử lý nguồn nước ô nhiễm sẽ không bao giờ được thực hiện.

Đất đai ở Trường Định chưa có giấy CNQSDĐ sẽ là rào cản pháp lý gây khó khăn cho việc triển khai đề án nuôi trồng thủy sản.

Đem chuyện băn khoăn của người dân Trường Định đi tìm hiểu, ông Ngô Thành Tâm-Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, thôn Trường Định có diện tích gần 300ha, với hơn 300 hộ dân, từ năm 2004 đã nằm trong Dự án Golden trong quy hoạch tổng thể Đà Nẵng nhằm phát triển vùng Tây Bắc Đà Nẵng với  tên gọi cũ là Khu đô thị sinh thái Quan Nam-Thủy Tú. Sau hơn 15 năm qua, dự án này vẫn còn nguyên hiệu lực, vì thành phố chưa điều chỉnh lại quy hoạch, toàn bộ đất đai ở Trường Định vẫn nằm trong quy hoạch, và cái cụm từ "quy hoạch treo" vẫn lơ lửng đối với ruộng đất của người dân Trường Định. Mà đã nằm trong quy hoạch là có nghĩa người dân không thể làm một cái gì khác, như thế sẽ phạm luật, vậy nên việc cấp GCNQSDĐ ở Trường Định là điều không thể…! Ông Tâm cho biết, vấn đề này UBND xã Hòa Liên đã báo cáo với UBND huyện và đang có kế hoạch sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân, rà soát xem trong thôn Trường Định, hộ dân nào đã được cấp GCNQSDĐ, hộ dân nào chưa, tổng diện tích đất chưa có thủ tục pháp lý là bao nhiêu.

Được biết, để triển khai đề án nuôi trồng thủy sản ở Trường Định, chính quyền và ngành chức năng sẽ mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản lên thêm khoảng 50ha nữa, nhưng nếu không được cấp giấy CNQSDĐ sẽ là rào cản pháp lý khi triển khai đề án. Những băn khoăn của người dân Trường Định đang rất cần chính quyền, ngành chức năng TP Đà Nẵng, huyện Hòa Vang sớm xem xét, giải quyết, giúp bà con phát triển sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

HỒNG THANH