Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Băn khoăn về tính chính xác của con số về tỷ lệ thất nghiệp

Thứ bảy, 08/10/2016 08:28

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-10, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2. Diễn ra trong 2 ngày, phiên họp lần này có nội dung trọng tâm là xem xét, thảo luận báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch năm 2017 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế. 

Cần xem lại các con số về tỷ lệ thất nghiệp

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết: 9 tháng qua, các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2016. Tỉ lệ thất nghiệp, giảm nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo đều ước đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Theo đó, năm nay tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước đạt dưới 4%; tỉ lệ hộ nghèo cả nước ước giảm xuống còn 8,62 đến 8,42%. 

Đại biểu Đỗ Thị Lan, thành viên Ủy ban, băn khoăn về tính chính xác của con số về tỉ lệ thất nghiệp. Đại biểu nêu ngành than là ngành giải quyết một lượng lớn lao động, nhưng trong năm nay ngành than gặp nhiều khó khăn, không cạnh tranh được với than nhập khẩu. Báo cáo gần nhất ngành than giảm hàng vạn lao động và vẫn tiếp tục giảm. Ngành dầu khí cũng giảm giá và giảm sản lượng. Hơn nữa, sau sự cố môi trường biển miền Trung, lao động trong lĩnh vực nghề cá, du lịch đã giảm sút đáng kể. Thêm vào đó các doanh nghiệp phục hồi nhưng chưa bền vững để có thể đạt yêu cầu giải quyết việc làm cho người lao động. 

Nhiều đại biểu đề nghị báo cáo của Bộ cần xem xét lại các con số về tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ lao động qua đào tạo vì cho rằng, hiện đang có nghịch lý lớn là lao động qua đào tạo trình độ càng cao thì tỉ lệ thất nghiệp càng lớn. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, thành viên Ủy ban đánh giá đang có khoảng cách lớn giữa đào tạo theo hướng tự phát của cá nhân lựa chọn, của các trung tâm đào tạo và thị trường lao động. Khoảng cách này ngày càng lớn dẫn đến việc tốn nhiều tiền, thời gian để đào tạo nhưng lại thiếu những lao động thực sự có khả năng làm việc. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, thành viên Ủy ban cũng cùng đánh giá này, cho rằng đào tạo hiện nay đang không theo thị trường mà theo thị hiếu và lợi nhuận. 

Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH xác định định hướng phát triển trong lĩnh vực lao động, việc làm là phát triển thị trường lao động, tạo lập đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, bảo đảm tính thống nhất, linh hoạt của thị trường lao động, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận thị trường lao động của người lao động. 

Nâng cao chất lượng công tác dự báo và thông tin thị trường lao động, phát huy vai trò của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp tạo việc làm cho người lao động; trong đó tập trung vào các đối tượng thanh niên, sinh viên tốt nghiệp, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm trước các nhà tư vấn, tuyển dụng. Ảnh: Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng.

Thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH

Cùng ngày, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể, thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; cho ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Với một Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, trong sạch và liêm chính, những tháng qua, nền kinh tế nước ta đã tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước. Tính chung 9 tháng năm 2016, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là chất lượng tăng trưởng thấp, vẫn mang nặng mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều rộng với hai yếu tố vốn và lao động; tỷ trọng yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng GDP từ 36,2% năm 2015 giảm xuống 34,4% năm 2016. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra; nợ công và nợ Chính phủ nếu không có sự điều chỉnh cơ cấu nợ, đến cuối năm 2016 cũng có thể cao hơn mức đã dự kiến...

B.T – TTXVN