Báo Công An Đà Nẵng

Băn khoăn với OCOP

Thứ ba, 17/07/2018 11:50

Quảng Nam là 1 trong 10 địa phương được Bộ NN&PTNT chọn chỉ đạo điểm để thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đây được xem là nhân tố quan trọng tạo động lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Nam.

Sản phẩm của các HTX Quảng Nam trưng bày trong các hội chợ hàng nông nghiệp.

Tuy nhiên vì là lần đầu tiên thực hiện với nhiều bỡ ngỡ nên nhiều địa phương  phải chọn sản phẩm có sẵn để tiến hành thí điểm. Rất nhiều khó khăn đặt ra lúc này không chỉ từ phía cơ quan chức năng mà còn là các doanh nghiệp, cơ sở tham gia OCOP.

Ưu tiên cho những sản phẩm “chưa có gì”

Theo kế hoạch, giai đoạn 2018 - 2020, Quảng Nam sẽ hoàn thiện và nâng cấp 130 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn, phát triển mới 100 sản phẩm... “Khác biệt, mới lạ, sáng tạo” - đó là những gì mà chương trình OCOP  xây dựng để hình thành nên sản phẩm. Các sản phẩm được chọn này là Phở sắn (Quế Sơn), rau câu chỉ vàng (Núi Thành), bánh tráng (Đại Lộc), trà lá sen (Duy Xuyên)... Đáng tiếc, những sản phẩm được chọn để thí điểm trong năm 2018 đa phần là những sản phẩm đặc trưng của địa phương nhưng nhiều năm nay vẫn chưa tìm được hướng đi đúng, chưa có thị trường, chưa tạo được thương hiệu.

PGS-TS Trần Văn Ơn, chuyên gia OCOP, đồng thời là người tham gia viết đề án OCOP tại Quảng Nam, cho biết: “OCOP là chương trình thực hiện đầy đủ các nguyên tắc phát triển cộng đồng. Phát triển sản phẩm trong OCOP có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay có rất nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, người sản xuất phát triển sản phẩm. Tuy nhiên trong OCOP thì người dân phải chiến đấu với chính mình trước tiên vượt qua tư duy cũ. Lâu nay chúng ta vẫn quen cách làm “từ trên xuống”, chính quyền địa phương phải cầm tay chỉ việc còn người dân thì hiểu biết về kinh tế thị trường chưa cao, bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Phải dẹp bỏ hết sức ì này thì chương trình mới thành công. Người nông dân phải tự vực sản phẩm nâng cao chất lượng sản phẩm mình có từ đó mới có thể xây dựng giá trị riêng cho địa phương mình”.

Với OCOP, ngay cách thức tham gia chương trình cũng rất khác biệt đó là mỗi người nông dân phải động não nghĩ xem làng xã mình có gì hay từ đó đặt ra câu hỏi có thể bán cái gì khi có khách du lịch đến? “Sau khi có ý tưởng cần phải tập hợp thành một nhóm rồi đăng ký ý tưởng với cán bộ OCOP. Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn giám sát những biểu hiện lệch hướng về chủ thể thực hiện OCOP (như dành cho các "đại gia" thay cho người dân) và sản phẩm OCOP (như sản phẩm có nguyên liệu 100% ngoại nhập). Điều này cho thấy, đây là một cơ hội rất lớn cho những sản phẩm “chưa có gì” gây dựng thương hiệu”, ông Ơn chia sẻ.

Nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ

Là một chương trình mới nên những chủ thể tham gia trong OCOP lần 1 cũng có nhiều sự băn khoăn khi được lựa chọn. Cơ sở sản xuất – kinh doanh Mười Cường của bà Hồ Thị Mười (trú xã Trà Mai, H. Nam Trà My) đăng ký sản phẩm giảo cổ lam tham dự OCOP, cho biết bà rất lo lắng vì mục tiêu của OCOP là phấn đấu đến cuối năm nay phải phát triển sản phẩm. “Hiện nay chúng tôi tự triển khai bằng nguồn lực của mình khi nào sản phẩm đạt chất lượng 3 sao thì sẽ đi thi, sau đó quảng bá. Vì chưa bao giờ thực hiện bán sản phẩm như thế nên chúng tôi khá lo lắng không biết mình có bắt kịp chương trình không”.

Trong khi đó, ông A Lăng Bhia (HTX dệt thổ cẩm Za Ra, xã Tabhing, H. Nam Giang) cho biết sản phẩm thổ cẩm Za Ra đã được đầu tư đẩy mạnh nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có bước đột phá. “Quan trọng nhất với chúng tôi là quảng bá như thế nào, cách thức ra sao, làm sao để tiếp cận khách hàng. Thú thực lâu nay chúng tôi có tham gia rất nhiều chương trình phát triển sản phẩm nhưng phát triển theo hướng cộng đồng như OCOP thì còn lạ lẫm”, ông Bhia lo lắng.

Chương trình OCOP Quảng Nam vẫn đang trong những ngày đầu sắp xếp để tính toán các phương án triển khai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, với danh mục sản phẩm hiện có dự kiến lựa chọn hoàn thiện, nâng cấp trong chương trình OCOP, địa phương sẽ ghi nhận các ý kiến từ phía cộng đồng để nhanh chóng xúc tiến các hoạt động của chu trình OCOP. “Đây là  năm đầu tiên đưa chương trình vào thực nghiệm nên không khó tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Mục tiêu trước mắt vẫn là chọn những sản phẩm có sẵn để nâng tầm, nâng cao giá trị sau đó mới tính tới việc phát triển sản phẩm mới”, ông Thanh cho biết.

ĐỒNG DAO

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được hiểu là mỗi địa phương (làng, xã) tùy theo điều kiện cụ thể về tiềm năng, lợi thế của mình, lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng để phát triển. Trọng tâm của OCOP Quảng Nam là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức OCOP tại địa phương thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý.